Đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ

0
1157

Đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ được thực hiện như thế nào là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc đổi họ cho con đạt kết quả tốt nhất.

Như các bạn đều biết, khi trẻ em sinh ra sẽ cần thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong nội dung của giấy khai sinh bao giờ cũng có thông tin về họ và tên của trẻ. Theo quy định của pháp luật, họ của trẻ sẽ do cha và mẹ của trẻ thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì họ của trẻ sẽ được đặt theo tập quán.

Và thông thường, họ của trẻ được đặt theo họ của cha. Đặc biệt hơn, có nhiều trẻ được đặt ghép cả họ của mẹ và họ của cha. Ví dụ như: Nguyễn Phạm, Bùi Lê…

Tất nhiên là, trong cuộc sống có vô vàn những tình huống có thể xẩy ra, làm nảy sinh mong muốn đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ. Một trong những tình huống thường thấy đó là khi vợ chồng ly hôn.

Khi ly hôn, có thể vì nhiều lý do khác nhau, có thể do thù ghét hoặc mong con có cuộc sống mới tốt hơn khi người mẹ làm lại từ đầu mà các bà mẹ thường muốn đổi họ cho con.

Vậy vấn đề đặt ra là, pháp luật có cho phép đổi họ của con từ họ của cha sang họ của mẹ hay không và nếu được phép thì thủ tục này được thực hiện như thế nào?

1. Đề nghị tư vấn đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ


“Chào Anzlaw!

Tôi đang có vấn đề sau cần tư vấn.

Tôi kết hôn năm 2012, tới năm 2018 thì ly hôn. Tôi đang nuôi cháu gái 7 tuổi. Thời gian này, tôi có bạn trai mới và chúng tôi dự định sẽ kết hôn. Bạn trai mới rất quý con gái riêng của tôi. Và cháu cũng rất quý người này.

Tôi rất muốn đổi họ cho cháu từ họ của bố cháu sang họ của tôi. Vì tôi muốn xóa hết những gì của quá khứ cho cả tôi và cháu để chúng tôi có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới.

Tôi muốn anh/chị tư vấn giúp tôi, trường hợp của tôi có đổi được họ của cháu từ họ của cha sang họ của tôi không? Nếu có, tôi làm thế nào để có thể đổi được?

Tôi xin chân thành cảm ơn!”

Đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ
Đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ

2. Tư vấn đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ

Anzlaw xin chào chị!

Lời đầu tiên, chúng tôi xin cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ cho công ty. Với đề nghị tư vấn này thì Anzlaw xin giải đáp cho chị như sau:

Bài viết khác:  Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

Để giúp chị hiểu rõ, hiểu đúng về đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những vấn đề sau:

  • Có được đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ không?;
  • Thủ tục đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ.

2.1. Có được đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ không?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì đổi họ cho con từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ hoặc ngược lại là một trong những trường hợp được quyền thay đổi họ. Cụ thể, điểm a, Khoản 1, Điều 27, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:


“Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.

…”


Tuy nhiên, cháu có quan hệ nhân thân với cả chị và cha đẻ của cháu nên việc thay đổi họ của cháu như mong muốn của chị phải được sự đồng ý từ cha đẻ của cháu. Hay nói dễ hiểu hơn, mong muốn đổi họ của cháu từ họ của cha sang họ của chị phải là sự thỏa thuận và đồng ý của chị và cha đẻ của cháu, chứ không phải y chí của một bên.

1.2. Thủ tục thay đổi họ của con từ họ của cha sang họ của mẹ

Thủ tục này chính là thủ tục thay đổi hộ tịch được Luật Hộ tịch 2014 hiện hành quy định. Cụ thể, Điều 28, Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ như sau:


“Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.”


Thêm vào đó, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

Bài viết khác:  Sau khi ly hôn thì con có được theo họ mẹ không?

“Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.

…”


Nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng làm rõ một số vấn đề như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ cho cháu

Về nguyên tắc, cơ quan nào đăng ký khai sinh cho cháu trước đây thì sẽ có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ cho cháu từ họ của cha sang họ của chị. Tuy nhiên, chị cũng có thể thực hiện thủ tục này tại nơi chị hoặc cha đẻ của cháu đang cư trú hoặc đang sinh sống.

b) Giấy tờ cần chuẩn bị và trình tự thực hiện

Trước khi anh chị có mặt tại cơ quan có thẩm quyền thì chị và cha đẻ của cháu cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Giấy khai sinh của cháu bản gốc;
  • Giấy tờ tùy thân của chị và cha đẻ của cháu;
  • Tờ khai đề nghị thay đổi họ cho cháu;
  • Văn bản thống nhất ý chí của chị và cha đẻ của cháu về việc thay đổi họ cho cháu;
  • Văn bản đồng ý của cháu về việc thay đổi họ cho cháu trong trường hợp cháu từ đủ 9 tuổi. Từ đủ ở đây được hiểu là đủ cả ngày, cả tháng và cả năm.
Bài viết khác:  Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

Sau khi có đầy đủ giấy tờ nói trên thì việc còn lại là chị và cha đẻ của cháu sẽ có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục đổi họ cho cháu. Trường hợp cháu đã từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự có mặt của cháu để công chức Tư pháp – hộ tịch hỏi về ý chí của cháu về việc đổi họ từ họ của cha sang họ của mẹ.

Theo quy trình thì công chức tư pháp sẽ tiếp nhận và kiểm tra tính chính xác của hồ sơ. Nếu mọi thứ đã chính xác thì chị sẽ được cấp phiếu hẹn trả kết quả.

Thời hạn giải quyết việc thay đổi họ cho cháu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tới đây, bạn đã hoàn tất việc đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ.

Trên đây, dựa trên quy định pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chung tôi đã giải đáp về đổi họ của con từ họ của cha sang họ của mẹ.

Trong thực tế, thủ tục này không quá phức tạp và chỉ cần chị và cha đẻ của cháu đồng ý đổi họ cho cháu thì gần như không gặp vướng mắc. Trường hợp gặp vướng mắc thì chị vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn chị đã ghé thăm công ty!

Xem thêm: Thủ tục khai sinh cho con khi là mẹ đơn thân

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất