Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

0
1680

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện như thế nào?

Khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn thì tất yếu xã hội ngày một tiến bộ. Con người ngày nay được tiếp cận với tri thức từ rất sớm, nhận thức cũng đầy đủ và chính xác hơn nhưng hành vi của con người thì chưa chắc đã văn minh hơn, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những câu chuyện hết sức đau lòng.

Thi thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể bạn sẽ thấy hình ảnh hoặc câu chuyện về trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh. Đó là những hình ảnh khiến không ít người phải rơi nước mắt, xót xa và vô cùng bức xúc với hành vi của người bỏ rơi trẻ.

Không nói sâu về nguyên nhân khiến xã hội ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi, trong nội dung bài viết này, Anzlaw sẽ cùng bạn tìm hiểu xem, liệu rằng khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi thì chúng ta sẽ phải có trách nhiệm gì? Đồng thời, trong trường hợp này ai sẽ là người phải khai sinh cho bé và thủ tục được thực hiện như thế nào?

1. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

1.1. Trách nhiệm khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi

Trách nhiệm của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi được quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 14, Nghị định 123 hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014. Theo đó, khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi thì người phát hiện có trách nhiệm bảo vệ bé và thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền gần nhất. Chi tiết như sau:


“Điều 14. Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.”


1.2. Thủ tục khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi

Cũng theo điều, khoản nói trên, sau khi tiếp nhận tin báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ. Nội dung của biên bản phải chứa đựng các nội dung sau đây: Thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

Sau khi lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

1.3. Kết luận

Kết luận, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi phải có trách nhiệm bảo vệ trẻthông báo tới cơ quan có thẩm quyền và được đề nghị tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

Cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận thông báo phải có trách nhiệm tiếp nhận trẻ, lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 7 ngày, kể từ ngày trẻ bị bỏ rơi và có trách nhiệm giao bé cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tạm thời nuôi dưỡng bé.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

2. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

Cũng theo quy định tại Nghị định 123, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi sẽ được thực hiện như sau:

2.1. Trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

Hết thời hạn niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, nơi lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi, UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ (sau đây gọi chung là người đang nuôi dưỡng trẻ) để đi đăng ký khai sinh cho trẻ.

Như vậy, người đang nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi là người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ khi nhận được thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.

2.2. Thủ tục đăng ký khai sinh

Người đang nuôi dưỡng trẻ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

a) Giấy tờ cần chuẩn bị

  1. Tờ khai đăng ký khai sinh
  2. Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi
  3. Giấy tờ tùy thân
  4. Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nếu người đang nuôi dưỡng trẻ là cơ quan, tổ chức.

b) Trình tự thực hiện

Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ đã chuẩn bị cho công chức tư pháp – hộ tịch tại UBND xã, nơi có thông báo về việc đăng ký khai sinh cho trẻ.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

c) Lưu ý:

1. Về họ và tên của trẻ

Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự.

  • Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
  • Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
2. Về ngày, tháng, năm sinh

Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng, phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh.

3. Về nơi sinh; quê quán; quốc tịch

Nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam.

4. Thông tin về cha, mẹ và dân tộc

Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

3. Kết luận thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu về trách nhiệm và thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.

Nội dung mà chúng tôi hướng dẫn các bạn đã rất chi tiết. Tin rằng, nếu rơi vào trường hợp này thì các bạn có thể đăng ký khai sinh cho trẻ. Nếu còn thắc mắc, băn khoăn nội dung nào đó, bạn có thể liên hệ để được trợ giúp.

Cảm ơn đã ghé thăm công ty và chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn!

Xem thêm: Khai sinh cho con với người nước ngoài