Thủ tục nhận cha, mẹ, con

0
841

Thủ tục nhận cha, mẹ, con được pháp luật quy định như thế nào và gồm những bước nào là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc nhận cha, mẹ, con đạt kết quả tốt nhất.

Nhiều năm trước đây, khi nói tới chuyện phụ nữ “không chồng mà chửa” hoặc “có con ngoài giá thú” thì sẽ bị cả xã hội lên án, thậm chí nhiều người đã phải rời bỏ quê hương vì không thể chịu nổi những định kiến, rè bỉu của cộng đồng hay đôi khi là trong chính những thành viên trong gia đình.

Khi xã hội ngày một tiến bộ văn minh, con người được cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội, không còn bị ràng buộc bởi những lễ nghĩa phong kiến thì việc bà mẹ đơn thân hoặc có con ngoài giá thú lại không còn là chủ đề mà cả xã hội đàm tiếu hoặc bị lên án.

Đó là dưới góc độ xã hội, còn dưới góc độ pháp lý thì việc trẻ em sinh ra mà chưa xác định được cha hoặc mẹ thì trong giấy khai sinh sẽ bỏ trống phần thông tin về cha hoặc mẹ của trẻ.

Sau này, cha hoặc mẹ muốn nhận lại trẻ làm con thì sẽ phải thực hiện một thủ tục hành chính được Luật Hộ tịch 2014 quy định đó là thủ tục nhận cha, mẹ, con.

Vậy chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thủ tục này sẽ được cha hoặc mẹ thực hiện như thế nào?

1. Thủ tục nhận cha, mẹ, con

Phần nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thủ tục nhận cha, mẹ, con trong trường hợp không có yếu tố nước ngoài, có yếu tố nước ngoài và trong trường hợp đặc biệt.

1.1 Trường hợp nhận cha, mẹ, con không có yếu tố nước ngoài

Đây là trường hợp nhận cha, mẹ, con đều là công dân Việt Nam và cùng cư trú trong nước.

a) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận cha, mẹ, con

Theo quy định tại Điều 24, Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp xã nơi người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con sẽ là cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc nhận cha, mẹ, con.

b) Thủ tục nhận cha, mẹ, con

  • Giấy tờ cần chuẩn bị:

– Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu mới nhất (tải tại đây);

– Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con, đó là: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; trường hợp không có chứng cứ nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

  • Trình tự thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con

Người có mong muốn nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền nói trên. Sau khi tiếp nhận đúng và đủ các giấy tờ mà pháp luật quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Trong quá trình giải quyết, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là phù hợp với quy định của pháp luật, không có tranh chấp thì UBND cấp xã sẽ cấp trích lục hộ tịch cho người có yêu cầu, đồng thời ghi vào Sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con.

Thủ tục nhận cha, mẹ, con | Ảnh minh họa
Thủ tục nhận cha, mẹ, con | Ảnh minh họa

1.2. Trường hợp nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

Đây là trường hợp nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

a) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Theo quy định tại Điều 43, Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp huyện nơi được nhận là cha, mẹ, con sẽ là cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc nhận cha, mẹ, con.

b) Thủ tục nhận cha, mẹ, con

  • Giấy tờ cần chuẩn bị:

Người có yêu cầu nhận cha, mẹ, con cũng chuẩn bị một bộ hồ sơ giống như khi nhận cha, mẹ, con không có yếu tố nước ngoài và có thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế của người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

  • Trình tự thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con

Người có yêu cầu nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi người được nhận cha, mẹ, con cư trú.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, UBND cấp huyện sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, niêm yết 7 ngày liên tục tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi người được nhận làm cha, mẹ, con cư trú. Trường hợp nhận được đơn thư phản ánh, khiếu nại thì thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nếu không nhận được phản ánh, khiếu nại thì UBND cấp trích lục hộ tịch cho công dân và ghi vào Sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con.

1.3. Trường hợp nhận cha, mẹ, con đặc biệt

Vừa rồi, chúng ta đã cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về việc nhận cha, mẹ, con trong trường hợp không có yếu tố nước ngoài và có yếu tố nước ngoài.

Đây là những trường hợp đơn giản thường áp dụng đối với trường hợp phụ nữ  độc thân làm mẹ đơn thân hoặc đã từng kết hôn, sau đó ly hôn/chồng đã mất và có con sau 300 ngày kể từ thời điểm ly hôn hoặc thời điểm chồng mất.

Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt mà hiện nay việc áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất thực hiện, đó là trường hợp phụ nữ có con trước 300 ngày kể từ thời điểm ly hôn hoặc thời điểm chồng đã mất hoặc có con với người khác khi vẫn đang còn trong mối quan hệ hôn nhân (có con ngoài giá thú).

a) Quy định của pháp luật về xác định cha, mẹ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình thì con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm quan hệ hôn nhân chấm dứt thì được xác định là thụ thai trong thời kỳ hôn nhân, chi tiết như sau:


“Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

…”


Trong thực tiễn, có nhiều cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và sống ly thân. Trong thời gian sống ly thân, người vợ phát sinh tình cảm nam, nữ với người khác và thụ thai được một khoảng thời gian rồi sau đó mới thực hiện thủ tục ly hôn với người chồng. Lúc này, đứa trẻ sinh con lại trong thời hạn 300 ngày, kể từ thời điểm ly hôn.

Vì vậy, khi thực hiện thủ tục khai sinh cho trẻ thì trong Giấy khai sinh vẫn thể hiện thông tin về cha của trẻ là thông tin của người chồng.

Ngoài trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, sống ly thân và người vợ phát sinh tình cảm với người khác thì cũng có trường hợp vợ chồng đang chung sống nhưng người vợ ngoại tình và có con với người khác.

Điểm chung của những trường hợp này là pháp luật về Hôn nhân và gia đình lại xác định cha của trẻ lại là người có quan hệ hôn nhân với mẹ của trẻ chứ không phải dựa trên quan hệ huyết thống.

Tờ khai nhận cha, mẹ. con | Thủ tục nhận cha, mẹ, con
Tờ khai nhận cha, mẹ. con | Thủ tục nhận cha, mẹ, con

b) Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con

Lúc này, việc nhận cha, con sẽ phát sinh vướng mắc xuất phát từ quy định tại Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.


“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợpcó tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”


Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn việc xác định cha, mẹ, con như thế nào gọi là có tranh chấp và như thế nào được xác định là không có tranh chấp. Chính vì vậy, việc áp dụng pháp luật mỗi nơi một kiểu, phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm của người áp dụng pháp luật.

c) Thực tiễn thủ tục nhận cha, mẹ, con

Có nơi, cơ quan đăng ký hộ tịch cho rằng chỉ cần dựa trên kết quả xét nghiệm gen ADN và các bên đương sự gồm mẹ đẻ, người cha trong quan hệ hôn nhân với mẹ đẻ và người cha được xác định theo huyết thống cùng công nhận kết quả giám định gen ADN xác định cha, con và cùng có văn bản gửi cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị làm thủ tục nhận cha con cho trẻ thì đó là không có tranh chấp.

Tuy nhiên, cũng có nơi cho rằng kể cả trong trường hợp các bên đương sự thống nhất về quan điểm cùng công nhận kết quả giám định gen ADN, người cha theo quan hệ hôn nhân của mẹ cũng thừa nhận đó không phải con đẻ của mình thì đây vẫn là việc xác định cha, mẹ, con có tranh chấp và cần được giải quyết tại Tòa án. Thế nhưng, khi đương sự gửi đơn sang Tòa án thì Tòa án không thụ lý hoặc không có văn bản trả lời.

Tới khi Thông tư 04/2020/TT-BTP có hiệu lực thi hành thì lại quy định trường hợp có thai trong thời kỳ hôn nhân mà người cha từ chối nhận con hoặc người khác nhận con thì Cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ thụ lý giải quyết khi Tòa án từ chối giải quyết. Do đó, khi làm thủ tục nhận cha con, mặc dù các bên hoàn toàn thống nhất về mặt ý chí là công nhận kết quả giám định Gen, không hề bất đồng về quan điểm nhưng vẫn phải gửi đơn sang Tòa án để đề nghị Tòa án thụ lý giải quyết.

Trường hợp may mắn, Tòa án ra thông báo bằng văn bản vụ việc không thuộc thẩm quyền thì người có yêu cầu sẽ mang văn bản này quay trở lại Cơ quan đăng ký hộ tịch để làm thủ tục nhận cha con. Còn nếu không may mắn, Tòa án không trả lời thì việc đăng ký hộ tịch sẽ không biết phải tiếp tục giải quyết như thế nào.

Điều này khiến việc nhận, cha, mẹ con gặp nhiều vướng mắc.

2. Kết luận về thủ tục nhận cha, mẹ, con

Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về việc nhận cha, mẹ, con.

Đây không phải thủ tục quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp đặc biệt nêu trên thì việc nhận cha, mẹ, con là việc không hề đơn giản, thậm chí sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức để có thể hoàn tất được thủ tục. Bởi lẽ, thủ tục tố tụng tại Tòa án chưa bao giờ là đơn giản để người dân có thể tự mình thực hiện.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn nhận cha, mẹ, con.

Xem thêm: Nhận cha con trong một số trường hợp đặc biệt