Tảo hôn là gì là nội dung câu hỏi được nhiều bạn quan tâm, tìm hiểu.
Theo cách hiểu chung nhất và nôm na thì mọi người vẫn hiểu tảo hôn có nghĩa là lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Đây là cách hiểu thông thường khi chúng ta nghe người khác nói về tảo hôn.
Vậy dưới góc độ quy định của pháp luật thì tảo hôn là gì?
Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và làm rõ những vấn đề có liên quan tới tảo hôn.
1. Tảo hôn là gì?
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành có giải thích thuật ngữ “tảo hôn” như sau: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.”
Độ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi.
Như vậy, các trường hợp sau được xác định là tảo hôn;
– Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.
– Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
– Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Có thể thấy, các hiểu của dân gian về tảo hôn cũng đồng nhất với quy định của pháp luật khi đều xác định tảo hôn có nghĩa là lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Tảo hôn bị xử lý như thế nào?
Tảo hôn được xác định là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi tảo hôn mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Như vậy, người tổ chức tảo hôn, tức là tổ chức cho trái lấy vợ, gái lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 tới 3.000.000 VNĐ. Còn người cố tình duy trình quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn mà đã có phán quyết của Tòa án thì bị phạt từ 3.000.0000 tới 5.000.000VNĐ.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183, Bộ luật hình sự 2015 đang có hiệu lực thi hành cụ thể:
“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”
Như vậy, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn mà vẫn cố tình tổ chức tảo hôn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hình phạt cao nhất là cải tạo không giam giữ 02 năm.
3. Khi nào tảo hôn được công nhận là vợ chồng?
Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các trường hợp kết hợp trái với quy định pháp luật, trong đó có tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình;
– Hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.
Khi đó, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Điều kiện kết hôn bao gồm:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; – Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; – Không bị mất năng lực hành vi dân sự; – Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau: + Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; + Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; + Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; + Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. |
4. Phát hiện tảo hôn thì xử lý như thế nào?
Khi phát hiện hành vi tảo hôn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra hành vi tảo hôn.
Ngoài ra, nếu người phát hiện hành vi tảo hôn là cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 2, Điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật.
Quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn
– Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người tảo hôn;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài