Nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì?

0
179

Nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì là một trong những nội dung câu hỏi được nhiều bạn tìm hiểu.

Vấn nạn sử dụng giấy tờ giả tại Việt Nam được đánh giá là nhức nhối, phức tạp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Đối tượng sử dụng giấy tờ giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Có người sử dụng giấy tờ giả là người lao động công việc chân tay, giản đơn. Có người sử dụng giấy tờ giả là người lãnh đạo trong các doanh nghiệp. Thậm chí, có người còn là cán bộ giữ vị trí trong cơ quan nhà nước.

Mục đích sử dụng giấy tờ giả cũng vô cùng đa dạng. Có người sử dụng giấy phép lái xe giả để không phải thi sát hạch, có người sử dụng giấy tờ giả để xin việc hoặc có người sử dụng giấy tờ giả để tăng lương, đề bạt chức vụ trong cơ quan, tổ chức.

Người sử dụng giấy tờ giả có thể tự mình làm giả giấy tờ hoặc nhờ người khác làm giả giấy tờ hoặc mua giấy tờ giả từ những đối tượng làm giả giấy tờ chuyên nghiệp.

Vậy câu hỏi đặt ra là nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì?

1. Nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì

Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng câu trả lời cho câu hỏi nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tình huống pháp lý và giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn nghiệp vụ xét xử ngành Tòa án.

1.1. Tình huống pháp lý và giải đáp

a) Tình huống pháp lý

Theo nội dung Công văn số 196/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, hướng dẫn nghiệp vụ xét xử của Tòa án có đặt ra tình huống pháp lý và giải đáp như sau:

Bị cáo có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này hành vi của bị cáo phạm hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”?

b) Tòa án nhân dân tối cao giải đáp

Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Đây là hai tội danh độc lập được quy định trong cùng một điều luật. Nếu các hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành hai tội này thì bị cáo phải bị truy tố, xét xử với hai tội danh độc lập, sau đó tổng hợp hình phạt.

Trường hợp bị cáo không phải là người trực tiếp làm giả giấy đi đường mà chỉ có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy đi đường để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này, bị cáo phạm tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà không cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Như vậy, theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì nhờ người khác làm giả giấy tờ và sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì chỉ phạm tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Hướng dẫn nêu trên là phù hợp, bởi lẽ nhờ người khác làm giả giấy tờ nhưng không tham gia vào việc làm giả giấy tờ thì không có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Lưu ý: Trong trường hợp nhờ người khác làm giả giấy tờ nhưng người nhờ làm giả lại giúp sức để người làm giả giấy tờ có thể thực hiện hành vi như: Chở người làm giả giấy tờ đi mua công cụ, dụng cụ làm giả giấy tờ, hỗ trợ người làm giả giấy tờ thực hiện việc làm giả giấy tờ như: Chỉnh sửa tài liệu, in, đóng dấu thì người nhờ làm giấy tờ giả đã tham gia làm giả giấy tờ với vai trò đồng phạm nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

2. Kết luận nhờ người khác làm giả giấy tờ phạm tội gì

Như vậy, từ hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao có thể thấy rằng nhờ người khác làm giả giấy tờ nhưng chưa sử dụng giấy tờ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì chưa cấu thành tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Nếu đã sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và cấu thành tội danh “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” thì bị xử lý về tội danh nêu trên.

Trường hợp chỉ nhờ người khác làm giả giấy tờ mà không tham gia hỗ trợ người làm giả giấy tờ thì không phải chịu trách nhiệm về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Nếu tham gia hỗ trợ người làm giả giấy tờ để làm giả giấy tờ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Xem thêm: Phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không?