Phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không?

0
28

Phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không là nội dung câu hỏi được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và tìm kiếm lời giải đáp.

Trong đời sống xã hội, có thể có những tình huống pháp luật mà nếu không hiểu đúng, hiểu đủ thì có thể người thực hiện hành vi nào đó cho rằng việc làm của mình không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, nếu đối chiếu với quy định của pháp luật thì hành vi đó lại là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những tình huống pháp lý hay gặp mà nhiều người cho rằng việc làm của mình không vi phạm pháp nhưng trên thực tế lại là tội phạm. Đó la hành vi phá nhà của người xây dựng trái phép.

Vậy phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không?

1. Tình huống pháp lý phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không

Trong thực tiễn đời sống hàng ngày, hành vi pháp nhà của người xây dựng trái phép thường có 02 tình huống, bao gồm:

  • Người xây dựng nhà trái phép trên đất do Nhà nước quản lý;
  • Người xây dựng nhà trái phép trên phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác.

a) Tình huống thứ nhất

Ông Nguyễn Văn A lấn chiếm đất rừng phòng hộ do UBND xã X quản lý. Ông A đã xây dựng nhà cửa, công trình trên đất. Ông Nguyễn Văn B thấy ông A xây dựng nhà trái phép liền thuê ông C, ông D và ông E tới đập phá nhà cửa, tháo dỡ công trình trên đất do ông A lấn chiếm.

Vậy ông B, C, D và ông E có phải đi chịu trách nhiệm hình sự không?

b) Tình huống thứ hai

Ông Nguyễn Văn A có nhu cầu xây dựng nhà cửa trên đất. Ông A thuê thợ tới xây dựng nhà trên đất mà gia đình ông có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi xây dựng ông B là hàng xóm với ông A đã có ý kiến về mốc giới thửa đất. Theo đó, phần diện tích đất của ông B còn chừa ra 10 cm, so với mái hiên để làm giọt gianh thoát nước mưa. UBND xã X đã tiến hành đo đạc và xác định, diện tích quyền sử dụng đất của ông B chừa ra 10 cm so với mái hiên để làm giọt gianh thoát nước là đúng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ông A vẫn chỉ đạo thợ xây lấn sang nhà ông B 10 cm đất. Ông B đã nhiều lần nhắc nhở, thông báo cho chính quyền. UBND xã X đã lập biên bản yêu cầu hộ ông A dừng thi công. Thế nhưng, ông A vẫn cố tình tiếp tục xây dựng công trình. Lúc này, ông B liền lấy gậy chọc đổ tường bao do ông A xây dựng.

Vậy trong trường hợp này ông B có phải đi tù không?

Hai tình huống pháp lý nêu trên là những tình huống pháp lý khá thường xuyên xảy ra trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trường hợp có tranh chấp về mốc giới khi xây dựng công trình trên đất.

2. Giải đáp phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không

a) Trường hợp người xây dựng nhà trái phép trên đất do Nhà nước quản lý

Công văn số 196/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn xét xử trong trường hợp phá nhà của người xây dựng trái phép như sau:

1. Các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất và đã xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó, có một số đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên. Hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các đối tượng trên có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự không?

Khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ…

Các đối tượng xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó như thế nào và bằng biện pháp gì là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Việc các đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên thì phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, với trường hợp phá nhà của người xây dựng trái phép mà xây dựng trên phần diện tích đất do Nhà nước quản lý thì người thực hiện hành vi phá nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu hành vi phá nhà của người đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

b) Trường hợp người xây nhà trái phép trên đất do người khác có quyền sử dụng

Trong trường hợp này, người có quyền sử dụng đất có hành vi phá nhà do người khác xây dựng trái phép thì có thể xác định đó không phải hành vi vi phạm pháp luật, bởi một số lý lẽ sau:

  • Thứ nhất, người sử dụng đất phá nhà là phương thức bảo vệ quyền dân sự

Điều 11 và Điều 12, Bộ luật dân sự 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự như sau:


“Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Điều 12. Tự bảo vệ quyền dân sự

Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.


Như vậy, trong trường hợp quyền sử dụng đất bị lấn chiếm, người sử dụng đất hợp pháp có quyền tự bảo vệ quyền sử dụng đất bằng cách thực hiện việc cần thiết để ngăn cản người có hành vi xây dựng nhà trái phép trên phần đất thuộc quyển sử dụng của mình.

Trong đó, người sử dụng đất có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn cản người có hành vi xây nhà trái phép.

Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực thì hành vi lấn, chiếm đất là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Chi tiết như sau:


“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai

…”


Cuối cùng, Điều 22, Bộ luật hình sự 2015 quy định về Phòng vệ chính đáng như sau:


“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”


Như vậy, việc phá nhà của người xây trái phép trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình khi chính quyền đã có biên bản yêu cầu dừng việc xây dựng công trình trên đất được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Lâu nay, chúng ta thường chỉ xem xét hành vi phòng vệ chính đáng đối với việc có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe nhưng trong thực tế chỉ cần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng mà chống tra lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm lợi ích đó cũng là phòng vệ chính đáng.

Như vậy, tới đây các bạn đã được tìm hiểu và giải đáp câu hỏi phá nhà của người xây dựng trái phép có phải đi tù không.