Vợ có được giữ lương của chồng không?

0
9

Vợ có được giữ lương của chồng không là câu hỏi được khá nhiều anh em cánh đàn ông tìm hiểu.

Trong thực tiễn, mỗi gia đình lại có những thỏa thuận riêng về việc sử dụng tiền lương của người chồng. Có gia đình thì người chồng đưa toàn bộ lương cho vợ giữ và mỗi lần làm gì lại xin tiền vợ. Có gia đình thì người chồng lại đưa cho vợ một phần tiền lương để vợ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Nếu có vấn đề gì phát sinh thì vợ chồng lại đóng góp.

Vậy dưới góc độ pháp luật thì vợ có được giữ lương của chồng không?

1. Vợ có được giữ lương của chồng không

Cơ sở pháp lý: Điều 30, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Viện dẫn chi tiết như sau:

Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

  1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
  2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Như vậy, vợ chồng phải có nghĩa vụ đóng góp theo khả năng kinh tế của từng bên để đáp ứng nhu cầu thiết yêu của gia đình.

Nhu cầu thiết yếu của gia đình là gì?

Khoản 20, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nhu cầu thiết yếu như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Nhu cầu thiết yếulà nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.”

Đối chiếu với quy định trên thì nhu cầu thiết yếu của gia đình là những nhu cầu cơ bản mà mỗi thành viên trong gia đình cần được đáp ứng như ăn uống hàng ngày, quần áo để mặc, nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu sinh hoạt thông thường.

Như vậy, người chồng phải có nghĩa vụ đóng góp theo khả năng kinh tế để người vợ chi trả những chi phí cho nhu cầu thiết yếu của gia đình như: Chi phí ăn uống của cả gia đình, chi phí con cái học hành, vui chơi, chi phí khám chữa bệnh của thành viên gia đình, chi phí đối nội, đối ngoại và nhưng chi phí khác phục vụ cho nhu cầu chung của gia đình.

Do đó, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về việc người chồng phải đóng góp cho những chi phí nêu trên. Nếu người chồng tự nguyện, người vợ có thể giữ toàn bộ lương của chồng để trang trải nhu cầu thiết yếu và giữ lại để tiết kiệm chung cho vợ chồng. Trường hợp người chồng không đồng ý đưa toàn bộ lương thì vợ chồng thỏa thuận thống nhất về mức đóng góp của người chồng để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Giữ lương của chồng có thể là bạo lực gia đình

Cơ sở pháp lý: Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, hành vi bạo lực gia đình được quy định như sau:

Giải thích từ ngữ

..

  1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

..

Theo đó, việc gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình bị xem là hành vi bạo lực gia đình.

Dẫn chiếu đến Điều 3 Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định như sau:

Hành vi bạo lực gia đình

  1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

Bên cạnh đó, tại Điều 58, Nghị định 144/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Hành vi bạo lực về kinh tế

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
  2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
  3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Đối chiếu với quy định nêu trên, vợ giữ lương của chồng có thể là một dạng của bạo lực gia đình khi tạo ra tình trạng lệ thuộc về vật chất như sau:

– Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình;

– Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

– Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

– Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;

– Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.

Và hành vi giữ lương của chồng được xác định là bạo lực gia đình có thể bị phạt tới 30.000.000 VNĐ.

Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp vợ có được giữ lương của chồng không.

Xem thêm: Hướng dẫn làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài