Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

0
270

Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh như thế nào?

Đa số các bạn đều biết, trẻ em sinh ra và khỏe mạnh thì trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được sinh ra thì cha hoặc mẹ hoặc người thân thích khác của trẻ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ, tại cơ quan có thẩm quyền.

Trước khi có mặt tại cơ quan có thẩm quyền, bao giờ người đi đăng ký khai sinh cũng phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai sinh.

Thông thường, hồ sơ đăng ký khai sinh sẽ gồm các giấy tờ cơ bản sau:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu mới nhất;
  • Giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh;
  • Giấy chứng sinh;
  • Giấy chứng nhận kết hôn của cha và mẹ trẻ;
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người đi đăng ký khai sinh với trẻ, nếu người đi đăng ký khai sinh không phải cha hoặc mẹ trẻ;
  • Giấy tờ tùy thân của cha hoặc mẹ trẻ.

Có thể thấy, giấy chứng sinh do tổ chức y tế có thẩm quyền cấp là giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký khai sinh. Vậy nếu trong trường hợp trẻ em không sinh ra tại tổ chức y tế có thẩm quyền thì không thể có giấy chứng sinh.

Đối với trường hợp không có Giấy chứng sinh thì pháp luật quy định có thể thay thế bằng văn bản của người làm chứng về việc sinh. Vậy mẫu văn bản của người làm chứng về việc sinh như thế nào?

1. Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

Để hiểu rõ hơn về mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số nội dung sau:

  • Quy định của pháp luật về mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh;
  • Hướng dẫn lập mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.

1.1. Quy định của pháp luật về mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh được quy định tại Điều 16, Luật Hộ tịch 2014 đang có hiệu lực thi hành. Chi tiết như sau:


“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật nàyvào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.”


Như vậy, pháp luật về hộ tịch quy định trường hợp không có giấy chứng sinh thì người đi đăng ký khai sinh nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.

Trong thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền không công bố mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Do đó, trong áp dụng pháp luật có sự tùy nghi, tùy thuộc vào mỗi địa phương và từng trường hợp cụ thể.

Vì vậy, có thể mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh được địa phương này chấp nhận nhưng tại địa phương khác thì lại yêu cầu chỉnh sửa hoặc với cán bộ này thì được chấp nhận nhưng với người khác thì lại không được.

Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh
Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

1.2. Hướng dẫn lập mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

a) Ai là người lập văn bản làm chứng?

Người lập văn bản làm chứng phải là người chứng kiến sự kiện sinh nở và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hay nôm nà là không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn tới mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

Ông bà và cha của trẻ có thể lập văn bản làm chứng không?

Hiện nay pháp luật về hộ tịch chỉ quy định nếu không có Giấy chứng sinh thì thay thế bằng văn bản của người làm chứng về việc sinh mà không có quy định cụ thể ai là người làm chứng.

Do đó, nếu ông bà hoặc cha của trẻ chứng kiến sự kiện sinh thì có thể làm chứng. Ông bà và cha của trẻ cam đoan về nội dung làm chứng và chịu trách nhiệm về nội dung làm chứng.

b) Lập mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh

Một mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, bao giờ cũng phải có những nội dung chính sau:

– Quốc hiệu và tiêu ngữ;

– Thông tin về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh;

– Thông tin về người làm chứng;

– Nội dung làm chứng;

– Mục đích của việc làm chứng;

– Cam đoan và đề nghị;

– Địa danh, ngày tháng năm, chữ ký của người làm chứng.

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

  • Thông tin về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh

Mục này sẽ ghi thông tin về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh.

Ví dụ: Kính gửi: UBND xã A, huyện B, tỉnh C.

  • Thông tin về người làm chứng

Đó là các thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, giấy tờ tùy thân.

  • Nội dung làm chứng

Mục này, người làm chứng sẽ tường trình lại sự kiện sinh gồm các thông tin cơ bản như:

– Ai là người sinh?;

– Sinh tại đâu?;

– Sinh vào lúc nào?;

– Trẻ em sinh ra là trai hay gái?;

– Ai là người đỡ đẻ;

Ví dụ: Vào hồi 9h00’, ngày…tháng…năm…, tại nhà ông/bà……., tôi chứng kiến chị Phạm Thị D, sinh ngày 01/01/1991, địa chỉ cư trú: Thôn X, xã A, huyện B, tỉnh C, giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân số 0xxxx, do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày 01/01/2021, sinh cháu trai/gái.

Sau khi sinh, cả hai mẹ con chị Phạm Thị D khỏe mạnh.

  • Mục đích của việc làm chứng

Mục này ghi rõ mục đích của việc làm chứng. Ví dụ:

Để chị Phạm Thị D thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu trai/gái, sinh ngày….nêu trên; tại: UBND xã A, huyện B, tỉnh C.

  • Cam đoan và đề nghị

Tôi xin cam đoan những nội dung làm chứng nêu trên là đúng sự thật. Nếu có gì sai trái, tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Kính đề nghị UBND xã A, huyện B, tỉnh C thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu trai/gái là con của chị Phạm Thị D, sinh ngày….tháng… năm… tại nhà ông/bà… đã nêu.

  • Địa danh, ngày tháng năm, chữ ký của người làm chứng.

Các bạn có thể tham khảo mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh dưới đây.

Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.

Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh | Ảnh minh họa
Mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh | Ảnh minh họa

2. Kết luận mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh dưới đây

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những văn bản quan trọng khi đăng ký khai sinh. Đó là, mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh.

Trong đời sống xã hội ngày nay thì đa số các trường hợp sinh ra tại Việt Nam thì đều sẽ sinh tại bệnh viện hoặc ít nhất là tại Trạm y tế xã. Sau khi sinh xong, trẻ sẽ được cấp Giấy chứng sinh. Các trường hợp không có Giấy chứng sinh là rất hãn hữu.

Với mẫu văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh mà chúng tôi cung cấp, người thân thích của trẻ có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ trong trường hợp không có giấy chứng sinh.

Rất mong được đồng hành và giải đáp pháp luật cho bạn!

Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh