Dòng họ khởi kiện đòi đất như thế nào và có những vấn đề gì cần lưu ý hay không?
Trong các tranh chấp về đất đai thì có một tranh chấp được đánh giá tương đối phức tạp mà sự phức tạp này thể hiện cả về nội dung và tố tụng. Đó là tranh chấp đất đai có đối tượng là quyền sử dụng đất của dòng họ.
Ngược thời gian về rất nhiều năm trước đây thì việc các dòng họ cho thành viên trong họ hoặc cho người khác không phải thành viên trong họ mượn đất để làm nhà ở tương đối phổ biến. Thậm chí, việc cho mượn đất chỉ bằng lời nói giữa một bên là hội đồng gia tộc và một bên là người mượn đất mà không có văn bản giấy tờ, không quy định thời hạn cho mượn là bao nhiêu năm.
Đa số các trường hợp mượn đất của dòng họ để ở đều không trả lại đất cho dòng họ mà thay vào đó lại thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tới khi dòng họ muốn tôn tạo, xây dựng từ đường để làm nơi thờ cùng thì phát sinh nhu cầu đòi lại thửa đất đã cho mượn. Lúc này, dòng họ mới phát hiện ra thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mượn đất. Và tranh chấp về đất đai giữa một bên và dòng họ và một bên là bên mượn đất bắt đầu nảy sinh.
Câu hỏi đặt ra là dòng họ sẽ khởi kiện đòi đất như thế nào?
1. Dòng họ khởi kiện đòi đất như thế nào
Chắc chắn rằng, khi khởi kiện để đòi đất cho dòng họ thì người khởi kiện sẽ phải có đơn và gửi tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.
Vậy câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này ai sẽ có quyền khởi kiện, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và yêu cầu khởi kiện là gì?
1.1. Về mặt tố tụng
Thời gian trước đây, khi giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi đất của dòng họ thì mỗi Tòa án lại áp dụng theo cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất.
Có nơi cho rằng thành viên dòng họ có quyền khởi kiện, các thành viên khác trong dòng họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng có nơi lại cho rằng hội đồng gia tộc mới là người có quyền khởi kiện, các thành viên khác phải ủy quyền cho hội đồng gia tộc khởi kiện hoặc cũng có nơi yêu cầu phải phải đưa đầy đủ tất cả các thành viên trong dòng họ tham gia tố tụng.
Điều này gây ra không ít khó khăn cho dòng họ khi khởi kiện để đòi đất.
Chính vì vậy, ngày 05/03/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
a) Ai có quyền khởi kiện?
Theo đó, tại Điều 3 của Nghị quyết đã quy định rõ thành viên trong dòng họ là người có quyền khởi kiện, còn dòng họ không phải nguyên đơn và chi họ, nhánh họ và hội đồng gia tộc không có quyền khởi kiện. Chi tiết như sau:
Điều 3. Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ
1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
2. Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc…) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.
b) Ai có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?
Tiếp theo đó, tại Điều 4 của Nghị quyết cũng xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là thành viên khác trong dòng họ hoặc không phải thành viên trong dòng họ mà không phải người khởi kiện, người bị kiện. Chi tiết như sau:
Điều 4. Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
…
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
…”
c) Các thành viên khác trong dòng họ có phải tham gia tố tụng không?
Theo quy định tại khoản 5, Điều 5, Nghị quyết nêu trên thì trong trường hợp đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án mới đưa thành viên đó vào tham gia tố tụng. Còn nếu không cung cấp được địa chỉ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng và sẽ xem xét giải quyết bằng vụ án khác nêu người đó có yêu cầu. Chi tiết như sau:
“Điều 5. Địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
…
- Về địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thành viên dòng họ:
a) Trường hợp đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
b) Trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quyền, nghĩa vụ của thành viên dòng họ chưa tham gia tố tụng sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.
…”
1.2. Về yêu cầu khởi kiện
Trong trường hợp thành viên dòng họ khởi kiện để đòi lại đất cho dòng họ thì sẽ làm đơn khởi kiện người đang sử dụng, quản lý thửa đất tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để đề nghị Tòa án xác nhận quyền sử dụng thửa đất thuộc về dòng họ và buộc người đang sử dụng, quản lý thửa đất phải trả lại quyền sử dụng thửa đất cho dòng họ.
Nếu như thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang quản lý, sử dụng thì ngoài yêu cầu Tòa án xác nhận quyền sử dụng thửa đất còn yêu cầu Tòa án xem xét hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất đã cấp trái quy định của pháp luật.
2. Kết luận dòng họ khởi kiện đòi đất như thế nào
Như vậy, với hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì việc xác định ai là người có quyền khởi kiện, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dòng họ khởi kiện đòi tài sản chung của dòng họ, trong đó có quyền sử dụng đất đã rõ ràng và thống nhất cách hiểu.
Đây có thể được xem là hướng mở để thành viên trong dòng họ có tâm huyết, có trách nhiệm có thể tự mình khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chung cho cả dòng họ. Đặc biệt, khi tranh chấp đất của dòng họ là việc chung và ít thành viên quan tâm nhưng lại dễ gây ra mất an ninh trật tự khi dòng họ bất bình, bức xúc.
Xem thêm: Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự