Thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì là nội dung câu hỏi được nhiều bạn quan tâm, tìm hiểu.
Trong đời sống xã hội, hành vi phạm tội rất đa dạng, thể hiện thông qua chủ thể hành vi phạm tội, nội dung hành vi phạm tội, khách thể của hành vi phạm tội. Có thể chủ thể của hành vi phạm tội là người chưa thành niên, người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức, người có địa vị trong xã hội hoặc cũng có thể là người có học thức thấp. Nội dung của hành vi tội phạm cũng vô cùng đa dạng, có thể là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội như giết người hoặc hành vi ít nghiêm trọng như vô ý gây thương tích.
Trong số những hành vi phạm tội thì có một trường hợp đặc biệt thường gây tranh cãi về tội danh, đó là trường hợp thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty. Hành vi này có dấu hiệu của tội danh “tham ô tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Vậy câu hỏi đặt ra là thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì?
1. Thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì
Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng về thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tình huống pháp lý và giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao.
1.1. Tình huống pháp lý
Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho Công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô tài sản”?
1.2. Giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao
Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.
Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã xác địn thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội “tham ô tài sản”.
2. Kết luận thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì
Thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội gì thì có hai luồng qua điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi này phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi lẽ, người có hành vi phạm tội đã lợi dụng sự tín nhiệm đối với vị trí công tác được giao thu tiền cước viễn thông để thu tiền cước viễn thông, chiếm đoạt tiền cước mà không nộp lại cho công ty.
Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi này phạm tội “tham ô tài sản”. Bởi lẽ, số tiền cước viễn thông là số tiền mà người phạm tội được giao thu, quản lý và nộp cho công ty. Nếu chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì phạm tội “tham ô tài sản”.
Thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty là hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu cho rằng, hành vi này phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, theo lý luận về khoa học hình sự và nhận thức chung thì người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải lợi dụng lòng tin, sự tín nhiệm của bị hại khiến bị hại chuyển giao tài sản cho người có hành vi phạm tội.
Việc thu cước viễn thông là hoạt động bình thường của nhân viên công ty viễn thông mà bị hại biết và đồng ý nộp cước khi nhận được hóa đơn thu cước, không cần phải thể hiện lòng tin với người bị hại. Đồng thời, người phạm tội được giao quản lý số tiền cước thu được.
Vì vậy, xác định thu tiền cước viễn thông nhưng không nộp cho công ty phạm tội “tham ô tài sản” là chính xác và phù hợp với lý luận khoa học hình sự và nhận thức chung.