Ủy quyền đăng ký kết hôn

0
229

Ủy quyền đăng ký kết hôn được pháp luật quy định như thế nào là nội dung mà bạn nên tìm hiểu nếu có nhu cầu ủy quyền đăng ký kết hôn.

Chắc rằng, đa số các bạn đều biết, để đăng ký kết hôn thì hai bên nam, nữ sẽ thực hiện theo quy trình sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn gồm những giấy tờ cần thiết;
  • Bước 2: Nam, nữ cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.;
  • Bước 3: Nộp lệ phí đăng ký kết hôn;
  • Bước 4: Cả hai sẽ cùng có mặt để ký nhận Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ Hộ tịch gốc.

Quy trình trên áp dụng cho trường hợp đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bao gồm:

  • UBND cấp xã, trong trường hợp kết hôn giữa người Việt cùng cư trú trong nước hoặc giữa người Việt với người nước ngoài là công dân của quốc gia láng giềng và cư trú tại khu vực biên giới tiếp giáp nơi người Việt cư trú.
  • UBND cấp huyện, trong trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài;
  • Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp hoặc tình huống mà cả hai bên nam, nữ hoặc một trong hai bên không thể có mặt để đăng ký kết hôn và mong muốn được ủy quyền cho người khác thực hiện việc này. Phổ biến nhất là trường hợp kết hôn với người nước ngoài mà người nước ngoài khó thu xếp thời gian, công việc để sang Việt Nam kết hôn.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về ủy quyền đăng ký kết hôn?

1. Ủy quyền đăng ký kết hôn

Để tìm hiểu rõ hơn về ủy quyền đăng ký kết hôn, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số nội dung chính sau:

  • Quy định của pháp luật về ủy quyền đăng ký kết hôn;
  • Thực tiễn ủy quyền đăng ký kết hôn;
  • Làm thế nào để không phải đi lại nhiều lần khi đăng ký kết hôn.

1.1. Quy định của pháp luật về ủy quyền đăng ký kết hôn

Ủy quyền đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Hộ tịch 2014, chi tiết như sau:


Điều 6. Quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của cá nhân

1. Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc ủy quyền.


Và theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 2, Thông tư 04/2020/TT-BTP thì việc ủy quyền đăng ký kết hôn được quy định như sau:


Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch

1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch(sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.


Ủy quyền đăng ký kết hôn
Ủy quyền đăng ký kết hôn

Như vậy, trong trường hợp đăng ký kết hôn thì KHÔNG ĐƯỢC ủy quyền cho người khác thực hiện thay nhưng một trong hai bên nam, nữ có thể trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền mà không cần phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Thông tư 04 nêu trên thì khi nhận kết quả đăng ký kết hôn bắt buộc hai bên nam, nữ phải có mặt, chi tiết như sau:


Điều 3. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký hộ tịch

5. Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt; khi trả kết quả đăng ký nhận cha, mẹ, con, cả bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều phải có mặt.


Như vậy, khi đăng ký kết hôn thì pháp luật cho phép một trong hai bên nộp hồ sơ không cần sự có mặt của bên còn lại, cũng không cần văn bản ủy quyền của bên vắng mặt nhưng khi nhận kết quả đăng ký kết hôn thì bắt buộc phải có mặt của cả hai bên nam, nữ.

Tới đây, bạn đã biết quy định của pháp luật về ủy quyền đăng ký kết hôn.

1.2. Thực tiễn ủy quyền đăng ký kết hôn

  • Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn vắng mặt bên còn lại

Mặc dù pháp luật có quy định là một trong hai bên có thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn vắng mặt bên còn lại, đồng thời cũng không cần văn bản ủy quyền của bên vắng mặt. Tuy nhiên, thực tiễn một số địa phương vẫn yêu cầu hai bên nam, nữ phải có mặt để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

Lý do mà các địa phương đưa ra cũng vô cùng đa dạng, có nơi yêu cầu để kiểm tra chữ ký của có phải đúng của nam, nữ không. Có nơi yêu cầu để hỏi về sự tự nguyện kết hôn, hoàn cảnh gặp nhau…

Tất nhiên, việc không chấp nhận cho một bên nộp hồ sơ mà phải cả hai cùng có mặt là việc làm không đúng quy định của pháp luật.

  • Nhận kết quả đăng ký kết hôn

Pháp luật quy định thời hạn giải quyết đăng ký kết hôn với người nước ngoài là 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Trong thực tiễn, các địa phương chỉ trả kết quả đăng ký kết hôn vào ngày làm việc cuối cùng của lịch hẹn và gần như rất hãn hữu có trường hợp trả kết quả đăng ký kết hôn sớm. Trừ trường hợp nam và nữ có lý do chính đáng xin lấy kết quả đăng ký kết hôn sớm.

Pháp luật về hộ tịch cũng có yêu cầu khi nhận kết quả đăng ký kết hôn thì nam và nữ phải có mặt để cơ quan có thẩm quyền trao Giấy chứng nhận kết hôn và ký vào Sổ hộ tịch gốc, lưu giữ tại cơ quan đăng ký kết hôn.

Trong thực tiễn, tất cả các địa phương đều yêu cầu nam, nữ phải có mặt khi ký và nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Có địa phương tạo điều kiện cho công dân thì có thể cho cặp đôi nam, nữ ký vào Sổ hộ tịch trước và khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì chỉ cần một bên tới nhận.

Tới đây, bạn đã tìm hiểu về ủy quyền đăng ký kết hôn.

1.3. Làm thế nào để không phải đi lại nhiều lần khi đăng ký kết hôn

Trong thực tế, nếu là kết hôn giữa người Việt với người Việt cùng cư trú trong nước thì ít khi các bạn đặt ra vấn đề làm thế nào để không phải đi lại nhiều lần khi đăng ký kết hôn hoặc ủy quyền đăng ký kết hôn. Bởi lẽ, thông thường cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ giải quyết ngay trong ngày làm việc, thậm chí chỉ sau khoảng 30 tới 1h, kể từ lúc nhận hồ sơ.

Các bạn thường đặt ra vấn đề ủy quyền đăng ký kết hôn hoặc làm thế nào để không phải đi lại nhiều lần khi đăng ký kết hôn khi kết hôn với người nước ngoài.

Vậy làm thế nào để không phải đi lại nhiều lần khi đăng ký kết hôn mà không được ủy quyền đăng ký kết hôn?

a) Chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ đăng ký kết hôn

Nếu hồ sơ đăng ký kết hôn có thiếu sót thì đương nhiên cặp đôi không thể hoàn tất việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn mà phải mất thêm thời gian, công sức để chuẩn bị lại hồ sơ. Còn khi hồ sơ đã đúng và đủ thì việc làm sao để đăng ký kết hôn không phải đi lại nhiều lần sẽ dễ giải quyết hơn.

b) Nộp hồ sơ vắng mặt bên còn lại

Sau khi đã có đủ giấy tờ hợp lệ, một trong hai bên sẽ nộp hồ sơ vắng mặt bên còn lại. Tới khi có kết quả đăng ký kết hôn thì cả hai bên mới phải có mặt.

Tuy nhiên, như đã nói ở phía trên, một số địa phương có thể không chấp nhận cho một trong hai bên nộp hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp bị từ chối thì bạn sẽ viện dẫn quy định của pháp luật để trao đổi.

c) Dùng dịch vụ của đơn vị uy tín

Đây là giải pháp mà nhiều bạn thực hiện. Bởi lẽ, sử dụng dịch vụ của đơn vị uy tín sẽ giúp các bạn chuẩn bị đúng, đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, giúp các bạn không phải đi lại nhiều lần, nhận kết quả đăng ký kết hôn trong thời gian phù hợp, giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải khi tự thực hiện đăng ký kết hôn.

So với lợi ích mà bạn nhận được thì việc sử dụng dịch vụ là hoàn toàn xứng đáng.

Tới đây, bạn đã biết giải pháp làm đăng ký kết hôn không phải đi lại nhiều lần mà không cần ủy quyền đăng ký kết hôn.

2. Kết luận ủy quyền đăng ký kết hôn

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật về hộ tịch thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung cực kỳ quan trọng và cần thiết khi đăng ký kết hôn, đặc biệt là kết hôn với người nước ngoài, đó là ủy quyền đăng ký kết hôn.

Theo quy định của pháp luật thì nam, nữ không được ủy quyền cho người khác thực hiện nhưng có thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn vắng mặt bên còn lại. Khi nhận kết quả thì bắt buộc cả hai phải cùng có mặt.

Ngoài việc trực tiếp có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thì các bạn cũng có thể nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công của từng địa phương. Đây là phương án khá hiệu quả để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức gây khó dễ.

Trường hợp có vấn đề cần thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì các bạn vui lòng liên hệ hotline.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài không cần ủy quyền đăng ký kết hôn nhưng vẫn nhận kết quả sớm nhất, không phải đi lại nhiều lần.

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất