Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì?

0
1480

Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì là nội dung mà các bạn nên tìm hiểu, khi có ý định nhập quốc tịch Việt Nam.

Như các bạn đều biết, khi đất nước chúng ta mở cửa với các nước trên thế giới đã kéo theo hàng ngàn người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, học tập, làm việc, thậm chí là du lịch. Rất nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đã sinh sống tại Việt Nam từ vài năm cho tới vài chục năm.

Khi người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nhiều hơn thì quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng trở lên phổ biến. Trước đây, đa số người Việt sẽ ra nước ngoài định cư sau khi kết hôn. Thế nhưng, ngày nay Việt Nam đã trở thành quốc gia đáng để sinh sống nên không ít cặp đôi lựa chọn định cư lâu dài tại Việt Nam. Tất yếu, con của họ mặc dù có thể mang quốc tịch nước ngoài nhưng lại sinh sống, học tập tại Việt Nam trong một thời gian rất dài.

Nay những nhà đầu tư, chuyên gia, vợ/chồng con của công dân Việt Nam là người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam để được hưởng những đặc quyền mà pháp luật Việt Nam dành cho công dân thì họ phải đạt những điều kiện gì? Hãy cùng Anzlaw tìm hiểu và phân tích các điều kiện này một cách chính xác.

Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì?
Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì?

1. Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì

Pháp luật Việt Nam mới nhất quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam được xem xét nhập quốc tịch Việt Nam nếu có yêu cầu và có đủ các điều kiện sau đây:

1.1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam

Đối chiếu với quy định của Bộ luật dân sự, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải không mắc các bệnh về tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi.

Như vậy, người dưới 18 tuổi hoặc đủ 18 tuổi nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự thì không thể nhập quốc tịch Việt Nam.

1.2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam

Việc xác định người nước ngoài có tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hay không sẽ được cụ thể hóa bằng xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tiền án, tiền sự của người nước ngoài thông qua Phiếu lý lịch tư pháp. Còn việc xác định người xin nhập quốc tịch có tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam hay không thì lại mang tính chất hình thức nhiều hơn là quy phạm hóa. Bởi rất khó để xác định họ có tôn trọng hay không trừ trường hợp họ có lời nói, hành động xúc phạm tới truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc.

1.3. Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam – Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì?

Quy định này là hoàn toàn chính xác và cũng phù hợp với quy định của hầu hết các nước trên thế giới. Bởi lẽ, khi nhập quốc tịch của một quốc gia nào đó là bạn sẽ phải hòa nhập vào cộng động của họ, ngôn ngữ là điều không thể không biết.

Quy định này không quá khó khăn đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Bởi lẽ, đa số họ khi đã cư trú tại Việt Nam trong thời gian dài thì đều có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt.

Việc biết tiếng Việt sẽ được chứng minh thông qua các loại bằng cấp, chứng chỉ. Trường hợp người nước ngoài không cung cấp được giấy tờ nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành phỏng vấn để đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của họ.

1.4. Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam

Như vậy, tính thêm khoảng thời gian người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam để được cấp thẻ thường trú thì người nước ngoài phải sinh sống tại Việt Nam ít nhất 8 năm. Đây thực sự là khoảng thời gian khá dài.

1.5. Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam – Nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì

Quy định này mang tính chất định tính nên người nước ngoài chỉ cần cung cấp các giấy tờ chứng minh công việc, thu nhập và tài sản tại Việt Nam mà không cần quan tâm tới mức lương, mức thu nhập và giá trị tài sản.

Bởi lẽ, việc xác định như thế nào là bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam chỉ mang tính chất định tính, theo đánh giá của từng người.

1.6. Người nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài

Điều kiện này được đánh giá là điều kiện khó khăn nhất. Bởi lẽ, nó sẽ đặt ra vấn đề người nước ngoài phải đắn đó, lựa chọn quốc tịch. Và đương nhiên, nếu họ là công dân của những quốc gia phát triển như Anh, Mỹ… thì tất yếu họ khó chấp nhận việc phải thôi quốc tịch.

Quy định này có thể sẽ được bãi bỏ trong tương lai khi mà các quốc gia trên thế giới có xu hướng cho công dân của họ được hưởng hai hoặc nhiều quốc tịch.

Ngoại lệ:

Có một số trường hợp được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài. Đó là trường hợp người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước Việt Nam, đã được Đảng và nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều bằng khen, huân chương…


1.7. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam

Thông thường, khi làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam thì người nước ngoài phải có tên gọi Việt Nam. Cách thức đặt tên sẽ tuân thủ theo Bộ luật dân sự hiện nay của Việt Nam.

1.8. Điều kiện cuối cùng, việc nhập quốc tịch không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam

Thực tế, việc xác định nhập quốc tịch cho người nước ngoài nào đó có phương hại tới lợi ích quốc gia của Việt Nam hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, xác minh trong quá trình giải quyết việc nhập quốc tịch.

2. Một vài trường hợp được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Ngoài những quy định chung về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì một số đối tượng sẽ được pháp luật Việt Nam miễn điều kiện về khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, thời gian thường trú và khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam. Chi tiết như sau:

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Đánh giá nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì

Như vậy, Anzlaw đã cùng các bạn tìm hiểu và phân tích các điều kiện về nhập quốc tịch Việt Nam.

Xác định các điều kiện nhập quốc tịch là cực kỳ quan trọng. Việc làm này giúp định hướng cho toàn bộ quá trình chuẩn bị hồ sơ nhập quốc tịch. Nếu không xác định đúng các điều kiện nhập quốc tịch thì bạn khó có thể chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ. Nếu không am hiểu các thủ tục hành chính và không có nhiều thời gian, bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được trợ giúp nhập quốc tịch.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn hoặc người thân nhập quốc tịch Việt Nam!

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài 2020