Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật

0
2689

Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật là nội dung nhiều bạn quan tâm khi ly hôn.

Theo thống kê của ngành Tòa án, tỷ lệ những vụ việc về ly hôn ngày càng tăng qua mỗi năm. Sự gia tăng đáng kể những vụ việc về ly hôn đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn pháp luật, khi có người cho rằng đây là sự tiến bộ của xã hội, nhưng cũng nhiều người lại có quan điểm đó là sự thụt lùi của đạo đức xã hội.

Dù đó là sự tiến bộ hay sự thụt lùi của đạo đức xã hội thì con chung còn nhỏ của vợ chồng luôn là người sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thương nhất, khi mà sẽ thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục thường xuyên từ cha hoặc từ mẹ.

Vậy pháp luật sẽ có quy định như thế nào để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích cho trẻ em khi bố mẹ ly hôn? Liệu rằng, ai sẽ là người được trực tiếp nuôi con?

1. Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Trong nội dung bài viết này, Anzlaw sẽ giải thích thuật ngữ và phân tích, đánh giá những quy định về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

1.1. Thuật ngữ quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Trong thực tế, có nhiều cách gọi khác nhau đối với thuật ngữ “quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. Có nhiều người gọi đó là quyền nuôi con khi ly hôn. Có người lại gọi ngắn gọn hơn là nuôi con. Thậm chí, không ít chuyên gia pháp lý hoặc luật sư gọi tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là tranh chấp nuôi con khi ly hôn.

Vậy đâu là thuật ngữ chính xác?

Khái niệm chính xác phải là “quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. Bởi lẽ, sau ly hôn thì cha và mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Sự khác biệt là một người trực tiếp nuôi dưỡng và người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cả hai vẫn có nghĩa vụ tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để trẻ phát triển trong môi trường tốt nhất và hạn chế tối đa ảnh hưởng của ly hôn đến tâm lý của trẻ.

Thuật ngữ này được hiểu như thế nào?

Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là quyền của cha hoặc mẹ được Tòa án chỉ định trong bản án hoặc quyết định có hiệu lực, cho phép người có quyền này được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Nôm na là, khi ly hôn Tòa án sẽ chỉ định cha hoặc mẹ là người trực tiếp hàng ngày nuôi dưỡng, giáo dục con. Người còn lại vẫn có nghĩa vụ phải nuôi con nhưng thực hiện một cách gián tiếp, thông qua nghĩa vụ cấp dưỡng. Cả hai vẫn có nghĩa vụ phải giáo dục con dù thường xuyên hoặc không thường xuyên sinh sống cùng con.

Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật
Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật

1.2. Quy định của pháp luật về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Khi xem xét giải quyết yêu cầu trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tòa án sẽ vận dụng một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự và những quy định của Luật hôn nhân và gia đình để ra bản án hoặc quyết định thấu tình, đạt lý, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Theo đó, Tòa án sẽ áp dụng một số nguyên tắc chính sau:

a) Nguyên tắc giải quyết quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  • Nguyên tắc tự thỏa thuận

Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong tố tụng dân sự và cũng là nguyên tắc tối quan trọng.

Nội dung của nguyên tắc này là Tòa án sẽ tôn trọng sự tự thỏa thuận của cha mẹ về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Nguyên tắc này được cụ thể hóa thông qua việc Tòa án sẽ mở các phiên hòa giải, với mục đích giúp cha mẹ thống nhất được với nhau về người sẽ trực tiếp nuôi con.

Nguyên tắc này còn được thể thiện xuyên suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn. Các bên có thể tự thỏa thuận với nhau ở bất kỳ thời điển nào, miễn sao trước thời điểm Tòa tuyên án, đồng thời sự tự thỏa thuẩn có thể diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào, trong Tòa án hoặc ngoài Tòa án đều được chấp nhận.

  • Nguyên tắc tự định đoạt

Thủ tục giải quyết một vụ việc ly hôn có tranh chấp thường diễn ra trong thời gian khá dài và theo một trình tự khá phức tạp. Việc giải quyết kéo dài khiến không ít cha mẹ quyết định thống nhất với nhau không yêu cầu Tòa án giải quyết ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, nhằm mau chóng được ly hôn.

Đây là tình huống diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, rất hay được luật sư hoặc chuyên gia pháp lý khuyên thân chủ sử dụng. Và mọi người thường cho rằng, đó là sự thỏa thuận.

Vậy đó là sự thỏa thuận hay tự định đoạt?

Anzlaw cho rằng, đây là sự tự định đoạt chứ không phải sự thỏa thuận. Bởi lẽ, thỏa thuận là phải có sự thống nhất về mặt nội dung và phải trả lời được câu hỏi, ai là người trực tiếp nuôi con?

Nguyên tắc này cũng là một trong những nguyên tắc rất cơ bản trong Tố tụng dân sự. Người có yêu cầu có thể tự định đoạt việc rút, thay đổi hoặc giữ nguyên yêu cầu ở bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần trước thời điểm Tòa án ra bản án hoặc quyết định.

b) Quy định của Luật hôn nhân và gia đình về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định rất cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn như sau:

  1. Nếu có thỏa thuận

Nếu vợ, chồng có thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau ly hôn, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền của bên không trực tiếp nuôi con thì Tòa án công nhận sự tự thỏa thuận này.

2. Nếu không có thỏa thuận

Vợ chồng không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con và phải đảm bảo lợi ích tối đa cho trẻ. Việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng còn phải căn cứ vào quy định sau:

  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng

Quy định này cũng có ngoại lệ, đó là trường hợp: Người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, thông thường con dưới 36 tháng tuổi thì mẹ là người được ưu tiên có quyền trực tiếp nuôi con. Con trên 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con của bố và mẹ ngang bằng nhau.

  • Nếu con từ 07 tuổi trở lên

Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con để đánh giá xem ai là người nuôi con. Lưu ý, Luật chỉ quy định là xem xét chứ không phải căn cứ vào nguyện vọng của trẻ.

2. Một số vấn đề cần lưu ý

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con không hề mất đi quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; họ vẫn có các quyền và nghĩa vụ này mà không ai được phép cản trở. Ngoài ra, cha/mẹ không trực tiếp nuôi con còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng hoặc theo phán quyết của Tòa.

Tuy nhiên, nếu cha/mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì cha/mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

3. Kết luận

Như vậy, Anzlaw đã có những giải đáp, phân tích, đánh giá về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Kinh nghiệm cho thấy, đây là nội dung tranh chấp khiến nhiều ông bố, bà mẹ đau đầu. Trong nhiều trường hợp, mỗi bên hoặc cả hai bên đều cần tới sự trợ giúp của luật sư hoặc những chuyên gia pháp lý.

Cảm ơn đã ghé thăm và kính chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

Xem thêm: Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Hướng dẫn soạn đơn khởi kiện ly hôn chính xác nhất