Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam

0
1545

Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm những bước nào?

Nhiều năm trước đây, nhập quốc tịch Việt Nam là thủ tục mà gần như rất ít người nhắc tới. Đó là giai đoạn đất nước chúng ta còn nghèo khó, việc thu hút được nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, làm việc đã là việc làm vô cùng khó khăn chứ chưa nói tới việc họ có ý định nhập quốc tịch Việt Nam.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, vị thế của Việt Nam đã được nâng tầm trên trường quốc tế. Đặc biệt hơn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đáng sống với môi trường đầu tư an toàn, ổn định về chính trị và dân cư vô cùng thân thiện. Điều này thu hút hàng ngàn người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, sinh sống, làm việc. Thậm chí, thời gian gần đây, một làn sóng người lớn tuổi Mỹ bán tài sản bên Mỹ để sang Việt Nam định cư.

Lẽ tất yếu, khi đã thường trú tại Việt Nam trong một thời gian dài thì đa số người nước ngoài sẽ có nhu cầu nhập quốc tịch để được hưởng những ưu đãi mà pháp luật Việt Nam chỉ dành cho công dân. Vậy trong trường hợp này, người xin nhập quốc tịch cần thực hiện những bước nào để có quốc tịch Việt Nam?

1. Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam

Thủ tục nhập quốc tịch có thể được chia thành nhiều bước khác nhau, tùy quan điểm của từng người. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu bước đi chăng nữa thì người xin nhập quốc tịch cần phải thực hiện những công việc tương ứng với từng bước.

1.1. Bước thứ nhất, xác định các điều kiện nhập quốc tịch

Ngay khi có nhu cầu xin nhập quốc tịch, người nước ngoài phải xác định đúng, đủ các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Sau đó đối chiếu với hoàn cảnh của bản thân xem họ có đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện hay không? Trường hợp nào được miễn một số điều kiện? Điều kiện được miễn là gì?

Việc làm này là vô cùng cần thiết và mang tính chất định hướng cho toàn bộ quá trình về sau. Người nước ngoài nếu xác định sai điều kiện nhập quốc tịch thì rất khó có thể chuẩn bị chính xác giấy tờ và tất yếu, chắc chắn cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ từ chối đề nghị nhập quốc tịch của họ.

Một vài điều kiện quan trọng

Nếu mang so sánh với việc nhập quốc tịch của các nước phát triển như Anh, Mỹ…thì điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá là khá đơn giản. Đa số người nước ngoài nếu đã thường trú tại Việt Nam trong một khoảng thời gian đủ 5 năm thì hầu hết đều đáp ứng đủ các điều kiện.

Tuy nhiên, có một điều kiện tiên quyết khiến không ít người nước ngoài phải đắn đo, lựa chọn. Đó là điều kiện người nước ngoài phải thôi quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam. Với công dân của những nước phát triển thì quy định này sẽ đặt ra vấn đề phải lựa chọn quốc tịch. Và tất yếu, khó lòng họ chấp nhận bỏ quốc tịch nước ngoài để nhập quốc tịch Việt Nam.

Về nội dung điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, bạn vui lòng tham khảo thêm qua bài viết “Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất“.

1.2. Bước thứ hai, chuẩn bị hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam

Sau khi đối chiếu và xác định bản thân đáp ứng đủ các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì người nước ngoài chuyển sang bước tiếp theo, chuẩn bị hồ sơ.

Một bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch bao gồm khá nhiều giấy tờ khác nhau. Từ những giấy tờ cơ bản về nhân thân cho tới giấy tờ phức tạp như lý lịch tư pháp, chứng minh tài chính, thu nhập. Về nguyên tắc, cứ điều kiện nhập quốc tịch nào thì tương ứng người xin nhập quốc tịch phải cung cấp giấy tờ chứng minh điều kiện đó.

Có một vài vấn đề mà người xin nhập quốc tịch cần phải hết sức lưu ý.

  • Tính hợp pháp của giấy tờ

Giấy tờ của nước ngoài muốn sử dụng tại Việt Nam thì ngoài đảm bảo nội dung còn đòi hỏi phải hợp pháp về hình thức. Hình thức ở đây là đúng biểu mẫu mà pháp luật quy định, đồng thời phải được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự.

Chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự là thủ tục tương đối phức tạp cho những ai lần đầu thực hiện. Đó là còn chưa kể tới người thực hiện phải có mặt từ 2 hoặc 3h sáng để chờ nộp hồ sơ.

Bạn có thể tham khảo thêm về thủ tục này tại đây.

  • Một số trường hợp được miễn một số giấy tờ

Đối với những trường hợp được miễn một số điều kiện về thời gian thường trú tại Việt Nam; khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và năng lực tài chính thì không cần cung cấp các giấy tờ chứng minh cho điều kiện này.

1.3. Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền – Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam

Khi đã có trong tay đầy đủ giấy tờ, người xin nhập quốc tịch có mặt tại một trong những cơ quan sau để nộp hồ sơ. Sở Tư pháp nơi người xin nhập quốc tịch đang cư trú, nếu họ sinh sống trong nước. Cơ quan Đại diện ngoại giao của Việt Nam tại quốc gia mà họ đang cư trú, nếu người xin nhập quốc tịch sinh sống ở nước ngoài.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ sẽ thông báo ngay cho người xin nhập quốc tịch để họ sửa chữa, bổ sung nếu giấy tờ có sai sót. Nếu giấy tờ hợp lệ, người xin nhập quốc tịch sẽ nhận được phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam
Các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam

1.4. Bước thứ tư, xin thôi quốc tịch nước ngoài khi nhận được thông báo

Quá trình xem xét nhập quốc tịch sẽ cần sự phối hợp của rất nhiều cơ quan, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan kiểm tra cuối cùng, trước khi Thủ tướng đề xuất với Chủ tịch nước. Nếu hồ sơ đầy đủ và người xin nhập quốc tịch đáp ứng đủ điều kiện nhập quốc tịch thì Bộ Tư pháp sẽ thông báo bằng văn bản để người xin nhập quốc tịch làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài.

Ngay khi nhận được văn bản thông báo, người xin nhập quốc tịch cần chủ động thực hiện thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài. Thủ tục này khó dễ tùy pháp luật của từng quốc gia nhưng nhìn chung thời gian thường kéo dài.

1.5. Bước cuối cùng, nộp bổ sung giấy tờ thôi quốc tịch và chờ đợi kết quả

Khi nhận được kết quả thôi quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam cần nộp ngay cho Bộ Tư pháp. Khi đã bổ sung xong giấy tờ này, người xin nhập quốc tịch tiếp tục học tập, làm việc đồng thời chờ đợi kết quả giải quyết.

Thông thường, người xin nhập quốc tịch sẽ nhận được Quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam do Chủ tịch nước ký, sau khoảng thời gian từ 04 cho tới 06 tháng.

2. Kết luận các bước xin nhập quốc tịch Việt Nam

Như vậy, Anzlaw đã hướng dẫn người xin nhập quốc tịch Việt Nam các bước để thực hiện thủ tục này.

Trong thực tiễn, nhập quốc tịch Việt Nam được đa số các bạn đánh gia vẫn là thủ tục tương đối phức tạp. Vì vậy, nếu không am hiểu thì người xin nhập quốc tịch Việt nên tìm tới chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là phương án tối ưu để tránh những rủi ro đáng tiếc mà người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể gặp phải.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn hoặc người thân!

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam