Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

0
1743

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam là công việc mà cặp đôi nam và nữ chắc chắn sẽ phải tìm hiểu.

Trước đây, khi đất nước chúng ta còn chưa mở cửa với các quốc gia khác trên thế giới thì quan hệ hôn nhân giữa người Việt với người nước ngoài rất hãn hữu.

Thế nhưng, khi Việt Nam mở cửa để chào đón đầu tư từ nước ngoài thì một làn sóng người nước ngoài đi theo các công ty của nước ngoài đã vào Việt Nam để đầu tư, sinh sống và làm việc. Giờ đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người nước ngoài tại những khu công nghiệp hay trên những tuyến phố sầm uất tại những thành phố lớn, thậm chí dễ dàng bắt gặp họ tại khu dân cư nơi bạn đang sinh sống.

Trong quá trình cư trú tại Việt Nam thì không ít người nước ngoài gặp gỡ rồi đem lòng yêu thương người Việt. Sau một thời gian tìm hiểu, cặp đôi mong muốn tiến tới hôn nhân và lúc này đăng ký kết hôn chính là thủ tục để xác lập lên quan hệ hôn nhân giữa người Việt và người nước ngoài.

Vậy thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam được người Việt và người nước ngoài thực hiện như thế nào?

1. Tư vấn thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Để hiểu rõ thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:

  • Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
  • Các trường hợp nên thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam;
  • Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam;
  • Ghi chú kết hôn với người nước ngoài;
  • Làm gì để thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam đạt kết quả tốt nhất.

1.1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Trong rất nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng khi kết hôn với người nước ngoài cặp đôi nam và nữ có thể lựa chọn đăng ký kết hôn tại một trong những cơ quan sau:

  • Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba.

a) Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba

Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba là trường hợp cả người Việt và người nước ngoài đang cùng cư trú tại một quốc gia mà không phải Việt Nam hoặc quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch. Ví dụ: Đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại Nhật Bản khi cả bạn và người Hàn đều đang sinh sống tại Nhật Bản.

Thông thường, đăng ký kết hôn tại cơ quan này sẽ rất phức tạp khi phải tuân thủ pháp luật của cả ba quốc gia, bao gồm: Pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tich, pháp luật của quốc gia thứ ba. Do tính chất phức tạp như vậy nên ít bạn bạn lựa chọn đăng ký kết hôn tại cơ quan này mà chỉ chủ yếu kết hôn tại Việt Nam hoặc tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch.

b) Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch

Kết hôn tại cơ quan này thường sẽ phù hợp trong trường hợp người Việt và người nước ngoài đang cùng cư trú tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch hoặc ngoại lệ có kết hôn với người Hàn Quốc và Trung Quốc.

Do cả hai cùng cư trú tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch nên sẽ dễ dàng gặp gỡ, trao đổi và hỗ trợ nhau cùng chuẩn bị giấy tờ và thực hiện việc đăng ký kết hôn khá dễ dàng mà không cần phải di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia kia.

Ngoại lệ trong trường hợp này chính là đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc và người Trung Quốc. Bởi lẽ, kết hôn tại Hàn Quốc có thể đăng ký vắng mặt người Việt, còn thủ tục kết hôn tại Trung Quốc cực kỳ đơn giản và có thể nhận kết quả luôn trong ngày.


Giấy độc thân của người nước ngoài | Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Giấy độc thân của người nước ngoài | Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

c) Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam

Kết hôn tại cơ quan này sẽ phù hợp trong trường hợp cặp đôi nam, nữ người Việt và người nước ngoài đang cùng cư trú tại Việt Nam hoặc người nước ngoài có thể sang Việt Nam nhiều lần hoặc một lần nhưng ở lại dài ngày để nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký kết hôn.

Kết hôn tại cơ quan này rất phù hợp cho trường hợp người Việt kết hôn với công dân của Mỹ, các nước trong khu vực Châu Âu và các nước phát triển khác có chính sách nhập cảnh khó khăn với người Việt.

Tới đây, bạn đã biết về cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn và các trường hợp nên thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

1.2. Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Bất kỳ một thủ tục hành chính nào cũng vậy, chúng tôi đều chia thành 02 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và giai đoạn thực hiện. Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật trên và cũng bao gồm: Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và giai đoạn thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Bài viết khác:  Xin cấp lại giấy chứng nhận kết hôn với người nước ngoài

Vậy chi tiết hai giai đoạn này như thế nào?

1.2.1. Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài

a) Căn cứ pháp lý hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Ở giai đoạn này, cặp đôi nam, nữ người Việt và người nước ngoài sẽ chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ hoàn chỉnh theo đúng quy định của Luật Hộ tịch 2014. Đó là quy định tại Điều 10, Khoản 1, Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, được hướng dẫn bởi Khoản 3, Điều 2, Điều 30, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Chi tiết các quy định này như sau:


Điều 10. Hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

Điều 2. Quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch

3. Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Hồ sơ đăng ký kết hôn

1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;

b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.

Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.

2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.

3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.”


Tới đây, bạn đã biết quy định của pháp luật về hồ sơ đăng ký kết hôn để thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

b) Kinh nghiệm thực tiễn chuẩn bị giấy tờ

Quy định của pháp luật thì khá chung chung vì để áp dụng cho việc đăng ký kết hôn với công dân của bất kỳ quốc gia nào, trong khi mỗi một quốc gia sẽ có những đặc thù riêng về giấy tờ được cấp để kết hôn với người Việt, thậm chí để chuẩn bị được những giấy tờ theo đúng quy định của Luật Hộ tịch nói trên thì người nước ngoài phải có thêm một số giấy tờ có liên quan khác.

Vì vậy, những quy định đó chỉ là cơ sở để cặp đôi tham khảo còn chi tiết một bộ hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam hoàn chỉnh sẽ bao gồm:

  • Công dân Việt Nam cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo mẫu mới nhất, có dán ảnh nam và nữ.

Các bạn có thể tải tờ khai tại đây.

Bài viết khác:  Thủ tục kết hôn với người nước ngoài 2021

– Giấy tờ tùy thân (bản sao y và bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền);

– Giấy xác nhận cư trú(bản sao y và bản chính để đối chiếu);

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (bản chính do UBND cấp xã nơi người Việt cư trú cấp);

– Trường hợp người Việt đã từng kết hôn thì cung cấp thêm bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ đó đã kết thúc;

– Văn bản của đơn vị đang công tác cho phép kết hôn với người nước ngoài, áp dụng đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm việc trong lực lượng vũ trang;

– Giấy khám sức khỏe kết hôn do tổ chức y tế có thẩm quyền cấp;

– Ảnh theo mẫu.

  • Người nước ngoài cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký kết hôn với người Việt Nam;

– Hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch cấp;

– Thị thực hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú tại nước ngoài;

– Giấy tờ chứng minh hiện tại người nước ngoài đang độc thân;

– Nếu người nước ngoài đã từng kết hôn thì phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân đó đã kết thúc;

– Giấy khám sức khỏe kết hôn;

– Ảnh thẻ theo mẫu.

 

  • Lưu ý về hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài là cực kỳ quan trọng, bởi lẽ nó sẽ quyết định tới kết quả đăng ký kết hôn.

Phần lớn các trường hợp không hoàn tất được việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam thì đều gặp sai sót trong hồ sơ mà cặp đôi nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Và với một nền hành chính công của Việt Nam còn nhiều bất cập khi mà cán bộ, công chức vẫn còn rất yếu kém về chuyên môn, không chuẩn mực về đạo đức thì việc chuẩn bị chính xác giấy tờ lại càng cần thiết hơn.

Hơn chục năm kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài, chúng tôi xin nêu ra những vấn đề mà cặp đôi cần phải lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ.

– Lưu ý về chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự

Giấy tờ của người nước ngoài không đương nhiên được phép sử dụng tại Việt Nam mà cần được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch chứng nhận lãnh sự và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự.

– Lưu ý về giấy tờ độc thân của người nước ngoài

Ngoài việc cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự thì giấy tờ độc thân của người nước ngoài phải đáp ứng đúng với biểu mẫu mà cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài công bố mẫu giấy tờ dùng để kết hôn với người Việt Nam.

Đây là sai sót khá phổ biến của rất nhiều cặp đôi khi mà người nước ngoài chuẩn bị giấy tờ độc thân nhưng lại không đúng với mẫu quy định. Mặc dù giấy tờ này có chứa đựng thông tin khẳng định tại thời điểm đăng ký kết hôn người nước ngoài đang độc thân nhưng lại không được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp nhận.

Đây cũng là bất cập do sự  máy móc và yếu kém về chuyên môn, nhận thức của cán bộ, công chức trong cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn.

– Lưu ý về giấy khám sức khỏe kết hôn

Trong thực tế, giấy tờ này cũng rất hay bị người có thẩm quyền trong cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn bắt bẻ. Theo đúng quy định thì giấy tờ này phải do tổ chức y tế có thẩm quyền cấp và có nội dung khẳng định người khám không mắc bệnh về tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

Thông thường, khi hỗ trợ khách hàng thì Công ty chúng tôi sẽ đặt lịch khám tại những tổ chức y tế có ghi rõ kết luận: Đủ sức khỏe kết hôn. Với thuật ngữ nói trên thì chắc rằng ít ai có thể bắt bẻ về giấy tờ này.

Chi tiết về giấy tờ này, mời bạn xem thêm: Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài.

Tới đây, bạn đã biết thực tiễn chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn để thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

Chứng nhận lãnh sự | Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Chứng nhận lãnh sự | Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

1.2.2. Giai đoạn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Người Việt và người nước ngoài sẽ thực hiện theo quy trình được quy định tại Khoản 2, 3, 4, Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, được hướng dẫn bởi Điều 31, 32, Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, quy định nêu trên bao gồm có những việc mà cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn phải thực hiện. Dưới góc độ người đi đăng ký kết hôn, các bạn chỉ cần quan tâm tới những việc mình phải làm.

Giai đoạn này khá dễ dàng thực hiện nếu cặp đôi đã làm tốt việc chuẩn bị hồ sơ.

Bài viết khác:  Dịch vụ làm giấy tờ kết hôn với người nước ngoài

Theo đó, người Việt và người nước ngoài có mặt tại UBND cấp huyện, nơi người Việt đang cư trú để kết hôn. Cư trú ở đây được hiểu là tạm trú hoặc thường trú, nếu đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú thì cặp đôi cần xuất trình thêm Sổ tạm trú.

Hiện nay, UBND huyện ở tất cả các địa phương đều đã có bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, còn gọi là bộ phận một cửa. Cặp đôi người Việt và người nước ngoài sẽ có mặt tại bộ phận này và tìm tới cửa Tư pháp – hộ tịch để thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Tại đó, người Việt xuất trình giấy tờ tùy thân, người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ chứng minh được phép cư trú hợp pháp tại Việt Nam cho chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch.

Chuyên viên sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân mà cặp đôi xuất trình, kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn. Nếu mọi thứ đã chính xác, chuyên viên sẽ viết giấy hẹn trả kết quả cho cặp đôi. Ngược lại, nếu phát hiện ra thiếu sót, chuyên viên sẽ thông báo cho cặp đôi hoàn thiện lại hồ sơ.

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Tới lịch trả kết quả, cặp đôi có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn và đừng quên kiểm tra lại thông tin trong giấy này nhé.

Tới đây, bạn đã hoàn tất thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

1.3. Ghi chú kết hôn sau khi hoàn tất thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Khi đã hoàn tất thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam và nhận được Giấy chứng nhận kết hôn thì cặp đôi cần thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn.

Đây là thủ tục nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch biết và công nhận quan hệ hôn nhân của hai bạn. Đồng thời, thủ tục này cũng là tiền đề để người nước ngoài bảo lãnh cho người Việt xin visa sang nước ngoài đoàn tụ. Theo quy định của hầu hết các quốc gia thì chỉ khi nào hoàn tất thủ tục ghi chú kết hôn thì người nước ngoài mới bảo lãnh được người Việt xin visa đoàn tụ.

Theo đó, người nước ngoài sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ghi chú kết hôn và có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà họ có quốc tịch để ghi chú kết hôn.

Chi tiết về thủ tục này, mời bạn tìm hiểu thêm qua bài viết: Thủ tục ghi chú kết hôn với người nước ngoài.

Tới đây, bạn đã biết ghi chú kết hôn là công việc cần làm sau khi hoàn tất thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam | ảnh minh họa
Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam | ảnh minh họa

 

2. Làm gì để thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam đạt kết quả tốt nhất

Trên đây, bằng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi đã giải đáp xong thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là thủ tục tương đối phức tạp cho cặp đôi để có thể tự thực hiện, đặc biệt khi nền hành chính công của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề bất cập. Cán bộ, công chức nhũng nhiễu, đặt ra nhiều quy định riêng để gây khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính còn phổ biến.

Thêm vào đó, hầu hết các bạn kết hôn với người nước ngoài đều là lần đầu thực hiện nên không thể có kinh nghiệm để chuẩn bị giấy tờ nên gặp nhiều sai sót trong hồ sơ đăng ký kết hôn. Tất nhiên, nếu có sai sót thì không thể nhận được kết quả đăng ký kết hôn.

Làm gì để thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam đạt kết quả tốt nhất?

Để thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam đạt kết quả tốt nhất, các bạn cần làm những công việc sau:

– Tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật Việt Nam và của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch về giấy tờ, thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam;

– Chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật và thực tiễn các địa phương;

– Thực hiện kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy trình;

– Sử dụng dịch vụ hỗ trợ thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam, nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian.

Nếu không am hiểu các thủ tục hành chính hoặc không tự tin có thể tự thực hiện thì bạn có thể tìm tới đơn vị uy tín, có nhiều kinh nghiệm để được hỗ trợ.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam!

Bạn có thể nhận biết một đơn vị như vậy qua bài viết: Dịch vụ đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Xem thêm: Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc

Thủ tục kết hôn với người Trung Quốc