Điều kiện ly hôn đơn phương

0
524

Điều kiện ly hôn đơn phương gồm những điều kiện gì là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để viẹc ly hôn đơn phương đạt kết quả tốt nhất.

Chắc hẳn, đa số mọi ngươi đều biết khi ly hôn có thể có một trong hai phương án:

  • Ly hôn thuận tình;
  • Ly hôn theo yêu cầu một bên (ly hôn đơn phương).

Ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn đơn giản khi mà hai bên vợ, chồng chỉ cần thỏa thuận với nhau về việc ly hôn, người trực tiếp nuôi con khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng của bên còn lại, chia tài sản chung của vợ chồng và nghĩa vụ tài chính chung. Tiếp đó, vợ chồng có đơn đề nghị ly hôn thuận tình và gửi cho Tòa án để được xem xét giải quyết.

Thế nhưng, nếu đó là ly hôn đơn phương thì việc ly hôn lại phức tạp hơn rất nhiều. Người có đề nghị ly hôn phải đáp ứng các quy định của pháp luật về điều kiện ly hôn đơn phương. Chỉ khi đáp ứng đủ điều kiện ly hôn đơn phương thì Tòa án mới giải quyết cho đương sự được ly hôn.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện ly hôn đơn phương?

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu toàn bộ các vấn đề về điều kiện ly hôn đơn phương.

1. Điều kiện ly hôn đơn phương

Khi làm đơn gửi tới Tòa án để được ly hôn đơn phương, các bạn phải tìm hiểu được pháp luật quy định như thế nào về điều kiện ly hôn đơn phương. Sau khi đã tìm hiểu những điều kiện ly hôn đơn phương thì đối chiếu với hoàn cảnh của bản thân để biết bạn có đủ điều kiện ly hôn đơn phương hay không.

Tất nhiên, nếu không đủ điều kiện ly hôn đơn phương thì dù bạn có yêu cầu ly hôn thì Tòa án cũng sẽ bác yêu cầu này và đề nghị vợ chồng đoàn tụ về chung sống với nhau. Đặc biệt, với những mâu thuẫn vụn vặt của vợ chồng và là vợ chồng mới kết hôn thì thường Tòa án sẽ không chấp nhận cho ly hôn đơn phương.

Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng về điều kiện ly hôn đương phương, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:

  • Quy định của pháp luật về điều kiện ly hôn đơn phương;
  • Giải thích quy định của pháp luật về điều kiện ly hôn đơn phương;
  • Làm sao để chứng minh điều kiện ly hôn đơn phương.

Dựa trên kết quả nghiên cứu các nội dung nêu trên, chúng ta sẽ có kết luận về điều kiện ly hôn đơn phương.

Điều kiện ly hôn đơn phương | ảnh minh họa
Điều kiện ly hôn đơn phương | ảnh minh họa

1.1. Quy định của pháp luật về điều kiện ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương hay thuật ngữ chính xác là ly hôn theo yêu cầu của một bên bên quy định tại khoản 1, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Chi tiết như sau:


Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.


Như vậy, điều kiện để ly hôn đơn phương là:

  • Đã hòa giải tại Tòa án nhưng không thành hoặc không tiến hành được việc hòa giải;
  • Có căn cứ xác định có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng;
  • Làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng;
  • Đời sống chung không thể kéo dài;
  • Mục đích hôn nhân không đạt được.

1.2. Giải thích các điều kiện ly hôn đơn phương

Theo thông lệ xét xử thì Toà án quyết định cho ly hôn đơn phương khi xác định:

a) Có căn cứ xác định có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng

  • Hành vi bạo lực gia đình

– Bạo lực gia đình bao gồm bạo lực vật chất, như: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.

– Bạo lực tinh thần như: lăng mạ, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín khiến người bị ngược đãi bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần.

  • Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định tại Chương III, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bắt đầu từ Điều 17 và kết thúc bằng Điều 50. Trong đó, gồm 02 phạm vi bao gồm: Quan hệ về nhân thân và quan hệ về tài sản.

Về quan hệ nhân thân được khái quát lại là vợ chồng có quyền và nghĩa vụ tôn trọng lẫn nhau, yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc và cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình.

Về quan hệ tài sản được khái quát lại là vợ chồng có quyền và nghĩa vụ đóng góp tạo lập tài sản, có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung, có quyền có tài sản riêng và có nghĩa vụ với những nghĩa vụ tài chính chung của vợ chồng.

Thông thường, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng sẽ thể hiện qua những sự việc như: Vợ chồng không chung thủy, một trong hai bên không tu chí làm ăn, mải chơi, sa đà vào tệ nạn xã hội, không quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, bỏ mặc nhau muốn làm gì thì làm.

b) Tình trạng hôn nhân của vợ chồng trầm trọng

Vợ, chồng đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính đã được những người họ hàng của bên vợ và chồng hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở,.

Vợ, chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

Đơn khởi kiện ly hôn | Điều kiện ly hôn đơn phương
Đơn khởi kiện ly hôn | Điều kiện ly hôn đơn phương

c) Đời sống chung không thể kéo dài

Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng hay chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải, ly thân nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

d) Mục đích của hôn nhân không đạt được

Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống.

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu để xác định về một số điều kiện để ly hôn đơn phương.

e) Đã hòa giải tại Tòa án nhưng không thành hoặc không tiến hành được việc hòa giải

Trong quá trình thụ lý giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương của đương sự, Tòa án đã tổ chức phiên hòa giải giữa hai bên vợ chồng, đã phân tích, khuyên bảo để vợ chồng đoàn tụ với nhau. Tuy nhiên, nguyên đơn vẫn giữ quan điểm yêu cầu ly hôn đơn phương và đề nghị  Tòa án giải quyết hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không tiến hành được.

1.3. Làm sao để chứng minh điều kiện ly hôn đơn phương?

Đối với vụ việc dân sự được giải quyết tại Tòa án thì nguyên tắc là đương sự phải chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp. Chính vì vậy, để được Tòa án chấp thuận cho ly hôn đơn phương thì nguyên đơn phải chứng minh được với Tòa án là đủ các điều kiện ly hôn đơn phương.

Vậy làm sao để chứng minh điều kiện ly hôn đơn phương?

Trong thực tiễn, việc chứng minh các điều kiện ly hôn đơn phương là điều không hề đơn giản. Mâu thuẫn vợ chồng đôi khi bắt nguồn từ những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản với người này nhưng lại cực kỳ nghiêm trọng với người khác.

Ngoài ra, có trường hợp vợ chồng thể hiện mâu thuẫn ra bên ngoài như đánh chửi nhau nhưng cũng có trường hợp vợ chồng không thể hiện mâu thuẫn ra bên ngoài, thậm chí các con trong gia đình cũng không hề hay biết.

Thông thường, để chứng minh các điều kiện ly hôn đơn phương với Tòa án thì các bạn nên nộp thêm tài liệu, chứng cứ của người làm chứng về mâu thuẫn vợ chồng như:

– Xác nhận của những người hàng xóm, sinh sống cùng khu dân cư;

– Đơn đề nghị của bố mẹ, anh chị em hai bên, nếu bố mẹ hai bên đã khuyên bảo nhưng các bên không thay đổi, vẫn muốn ly hôn;

– Xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, Chi hội phụ nữ về mâu thuẫn gia đình;

– Giấy xác nhận của cơ quan công an hoặc bệnh án của bệnh viện nếu có hành vi bạo lực gia đình.

2. Kết luận điều kiện ly hôn đơn phương

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung có liên quan tới ly hôn. Đó là, điều kiện ly hôn đơn phương.

Chính sách pháp luật của Nhà nước luôn khuyến khích vợ chồng hòa giải mâu thuẫn để đoàn tụ và cùng nhau xây dựng gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống có thể có nhiều mâu thuẫn khiến cho vợ chồng không thể tiếp tục chung sống được với nhau.

Mâu thuẫn đó có thể nghiêm trọng nhưng cũng có thể ít nghiêm trọng, tùy thuộc vào quan điểm và nhận thức của từng người. Có người cho rằng vợ chồng phải đánh chửi nhau mới là nghiêm trọng nhưng cũng có những người họ lại cho mâu thuẫn vợ chồng không nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài bằng hành động đánh chửi nhau mới là nghiêm trọng.

Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ xác định mâu thuẫn vợ chồng có hay không nghiêm trọng để tuyên án.

Rất vui được giải đáp điều kiện ly hôn đơn phương cho bạn.

Xem thêm: Hướng dẫn ly hôn với người nước ngoài mới nhất

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất