Quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài là nội dung mà các bạn cần tìm hiểu trước khi bắt tay vào thực hiện.
Trong suốt hơn chục năm làm công tác tư vấn, hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài thì giấy tờ cần chuẩn bị là nội dung mà chúng tôi thường xuyên nhận được đề nghị tư vấn. Trong khi đó, không nhiều bạn tìm hiểu về quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Lẽ ra, đây cũng là nội dung mà các cặp đôi cần quan tâm, tìm hiểu khi mà nền hành chính công của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn cho người dân tiếp cận và thực hiện.
Quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài là các bước mà cặp đôi nam và nữ phải thực hiện để có thể hoàn tất việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền và nhận Giấy chứng nhận kết hôn.
Vậy quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ gồm các bước nào?
1. Quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Dựa trên quy định của Luật Hộ tịch 2014 và kinh nghiệm thực tiễn thì quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Cặp đôi chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Bước 2: Cặp đôi có mặt tại cơ quan có thẩm quyền rồi xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Bước 3: Chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của cặp đôi và tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Bước 4: Chuyên viên nói trên sẽ kiểm tra tính hợp pháp và hợp lệ của các giấy tờ có trong hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Bước 5: Chuyên viên có trách nhiệm thông báo cho cặp đôi những thiếu sót trong hồ sơ đăng ký kết hôn và đề nghị cặp đôi khắc phục hoặc viết phiếu hẹn trả kết quả cho cặp đôi nếu hồ sơ đã đúng và đủ;
- Bước 6: Cặp đôi có mặt theo đúng lịch hẹn để ký và nhận Giấy chứng nhận kết hôn.
Đó là toàn bộ quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam.
Nội dung dưới đây chúng ta sẽ đi chi tiết từng bước mà cặp đôi cần thực hiện.
a) Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn
Có thể nói, đây chính là bước khó khăn nhất khi kết hôn với người nước ngoài. Phần lớn cặp đôi không hoàn tất được việc đăng ký kết hôn đều có chung một lý do đó là hồ sơ có thiếu sót.
Những thiếu sót phổ biến nhất trong bộ hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài đó là giấy tờ chưa được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự; giấy tờ không đúng với biểu mẫu mà pháp luật quy định hoặc giấy khám sức khỏe kết hôn không có kết luận về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người được khám.
Lời khuyên là nếu không am hiểu hoặc không có nhiều thời gian đi lại chuẩn bị giấy tờ hoặc vì bất kỳ lý do nào khác thì bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để đề nghị họ hỗ trợ chuẩn bị đúng và đủ các giấy tờ cần thiết.
b) Có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài của Việt Nam tại Việt Nam là UBND cấp huyện, nơi người Việt hoặc người nước ngoài đang cư trú.
Nhiều bạn không biết rằng cư trú ở đây được hiểu là nơi đang thường trú hoặc đang tạm trú. Phổ biến nhất thì các bạn thường hay đăng ký kết hôn tại nơi đang thường trú, tức là nơi có tên trong sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, nếu đang tạm trú tại các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh thì bạn cũng có thể đăng ký kết hôn tại UBND cấp quận hoặc tương đương nơi đang tạm trú.
Tại cơ quan này cặp đôi xuất trình giấy tờ tùy thân, người Việt xuất trình chứng minh nhân dân còn người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế. Sau đó, cặp đôi nộp toàn bộ những giấy tờ đã chuẩn bị cho chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch.
c) Kiểm tra giấy tờ tùy thân và tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn
Đây là công việc của cơ quan quản lý nhà nước nên bước này cặp đôi cũng không cần phải quan tâm nhiều.
Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của cặp đôi và đối chiếu thì chuyên viên sẽ chuyển qua tiếp nhận hồ sơ mà cặp đôi nộp và xem xét tính hợp pháp và hợp lệ của từng giấy tờ.
d) Kiểm tra tính hợp pháp và hợp lệ các giấy tờ mà cặp đôi đã nộp
Tương tự như bước nêu trên thì bước này cặp đôi cũng không cần quan tâm nhiều vì đây là công vụ của cán bộ, công chức.
Dựa trên quy định của pháp luật thì chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch sẽ xem xét, đánh giá các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn mà cặp đôi đã nộp. Xem xét và đánh giá ở đây sẽ tập trung ở 02 vấn đề, bao gồm tính hợp pháp và hợp lệ.
Hợp pháp bao gồm hợp pháp về mặt nội dung và hình thức. Giấy tờ phải có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm về mặt hình thức. Đối với giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự.
Hợp lệ tức là giấy tờ cần phải đúng với biểu mẫu mà cơ quan có thẩm quyền công bố.
e. Nhận phiếu biên nhiện giấy tờ hoặc được thông báo để khắc phục thiếu sót trong hồ sơ đăng ký kết hôn
Dựa trên kết quả xem xét đánh giá các giấy tờ trong bộ hồ sơ mà cặp đôi đã nộp thì chuyên viên bộ phận Tư pháp – hộ tịch sẽ thực hiện một trong hai công việc sau:
- Thông báo cho cặp đôi để cặp đôi hoàn thiện lại hồ sơ nếu hồ sơ có thiếu sót;
- Viết phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho cặp đôi nếu hồ sơ đã đúng và đủ.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài là 13 ngày làm việc, kể từ ngày cặp đôi nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

f) Nhận kết quả – Quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Bước này tương đối đơn giản khi cặp đôi chỉ cần có mặt theo đúng lịch hẹn trong giấy để nhận Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp không thể có mặt theo lịch hẹn thì một bên có thể làm văn bản đề nghị được gia hạn thêm thời gian nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Thời gian được gia hạn tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày nhận kết quả theo phiếu hẹn.
2. Kết luận quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn thực hiện quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam.
Quy trình này bao gồm nhiều bước khác nhau mà có những bước cặp đôi sẽ dễ dàng thực hiện nhưng cũng có những bước cặp đôi sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bước chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn.
Với những đơn vị uy tín và có nhiều kinh nghiệm thì thường sẽ chuẩn bị chính xác hồ sơ đăng ký kết hôn cho cặp đôi và việc còn lại của cặp đôi sẽ tự thực hiện các bước còn lại theo quy trình nêu trên. Điều này sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí cho cặp đôi mà vẫn nhận được kết quả đăng ký kết hôn như mong muốn.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn kết hôn với người nước ngoài!
Có thể bạn muốn quan tâm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam