Quy trình kết hôn với người nước ngoài

0
232

Quy trình kết hôn với người nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?

Phần lớn mọi người đánh giá kết hôn với người nước ngoài là một trong những thủ tục hành chính phức tạp. Nam, nữ hay gặp phải nhiều khó khăn khi tự thực hiện.

Khó khăn này có thể từ nhiều nguyên nhân. Có thể có nguyên nhân chủ quan do cặp đôi không am hiểu nên đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Cũng có thể có nguyên nhân khách quan tới từ sự nhũng nhiễu của nền hành chính công của Việt Nam.

Nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày quy trình kết hôn với người nước ngoài theo quy định mới nhất của pháp luật. Bài viết được trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ đọc, dể hiểu. Hi vọng, bài viết sẽ có ích cho các bạn đang tìm hiểu về kết hôn với người nước ngoài.

1. Quy trình kết hôn với người nước ngoài

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, quy trình kết hôn với người nước ngoài sẽ gồm các bước sau:

  • Bước 1: Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn;
  • Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ cần thiết;
  • Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn;
  • Bước 4: Nhận kết quả đăng ký kết hôn;
  • Bước 5: Ghi chú kết hôn.

1.1. Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn

Khi kết hôn với người nước ngoài thì cặp đôi có thể lựa chọn đăng ký tại một trong những cơ quan có thẩm quyền sau:

  • UBND cấp huyện, nơi người Việt đang cư trú tại Việt Nam;
  • Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba.

Việc lựa chọn cơ quan nào là phù hợp sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng cặp đôi. Có trường hợp lựa chọn kết hôn tại Việt Nam là phù hợp nhưng lại có trường hợp lựa chọn kết hôn tại nước ngoài mới là phù hợp.

Nguyên tắc chung, nếu đang cùng cư trú tại một quốc gia thì các bạn nên kết hôn tại quốc gia đó. Ngoại lệ, kết hôn với người Đài Loan thì chỉ có thể thực hiện tại Việt Nam. Còn nếu mỗi người đang sinh sống tại một quốc gia thì tùy từng trường hợp mà quyết định. Nếu kết hôn với công dân các quốc gia có chính sách visa khắt khe như Mỹ, Anh và một số nước Châu Âu thì nên kết hôn tại Việt Nam.

Ngược lại, nếu là kết hôn với người Nhật, Hàn, Trung thì nên kết hôn tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch.

1.2. Chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ cần thiết

Khi đã lựa chọn cơ quan đăng ký kết hôn thì các bạn sẽ chuẩn bị hồ sơ theo quy định của cơ quan đó. Lúc này, tùy thuộc vào việc bạn kết hôn với công dân quốc gia nào và đăng ký kết hôn tại cơ quan nào mà chuẩn bị giấy tờ cho phù hợp.

Bài viết khác:  Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài

a) Trường hợp kết hôn tại Việt Nam

Nếu lựa chọn kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bao gồm: UBND cấp huyện, nơi người Việt cư trú và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, thì cặp đôi sẽ chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ sau:

  • Giấy tờ tùy thân

Người Việt cần có CCCD/hộ chiếu, người nước ngoài cần có hộ chiếu và visa cho phép cư trú hợp pháp tại Việt Nam

  • Giấy tờ chứng minh hiện tại đang độc thân

Người Việt cần có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi người Việt thường trú cấp. Còn người nước ngoài là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch xác nhận người đó đang độc thân.

Nếu đã từng kết hôn thì cần cung cấp thêm giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân được xác lập trước đó đã chấm dứt hợp pháp. Đó là bản án/Quyết định của Tòa trong trường hợp ly hôn hoặc Giấy trích lục khai tử trong trường hợp vợ/chồng trước đã chết.

  • Giấy khám sức khỏe kết hôn

Giấy tờ này theo quy định phải có kết luận về sức khỏe tâm thần của người được khám.

  • Tờ khai đăng ký kết hôn có dán ảnh nam, nữ;
  • Một số giấy tờ có thể phải cung cấp như: Visa hoặc giấy tờ cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người nước ngoài tại nước ngoài; giấy xác nhận cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quy trình kết hôn với người nước ngoài
Quy trình kết hôn với người nước ngoài

b) Trường hợp kết hôn tại nước ngoài

Trong trường hợp này các bạn có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch hoặc của quốc gia thứ ba để đề nghị hỗ trợ giải đáp cần có giấy tờ gì để đăng ký kết hôn.

Về cơ bản, các giấy tờ mà nam, nữ cần chuẩn bị cũng khá giống so với kết hôn tại Việt Nam. Ngoại trừ, một số quốc gia có thể còn yêu cầu người Việt cung cấp thêm giấy tờ chứng minh không phạm tôi, giấy khai sinh, giấy xác nhận cư trú.

Chi tiết về chuẩn bị giấy tờ kết hôn với người nước ngoài, mời các bạn xem thêm: Giấy tờ kết hôn với người nước ngoài.

c) Lưu ý

  • Chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp muốn dùng tại Việt Nam và ngược lại giấy tờ do cơ quan của Việt Nam cấp muốn sử dụng tại nước ngoài cần chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

  • Dịch thuật, công chứng giấy tờ
Bài viết khác:  Lấy chồng người nước ngoài làm như thế nào?

Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài cần được dịch thuật, công chứng/chứng thực sang tiếng Việt.

  • Bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ mà pháp luật không quy định

Một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức yêu cầu người đăng ký kết hôn cung cấp thêm giấy tờ mà pháp luật không quy định. Tình trạng này vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, yêu cầu này là trái pháp luật.

1.3. Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn – Quy trình kết hôn với người nước ngoài

Khi đã có đủ hồ sơ, các bạn sẽ tới cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

Quy trình như sau:

  • Bước 1: Nam và nữ hoặc một trong hai sẽ có mặt tại UBND cấp huyện, nơi người Việt cư trú trong nước.

Tại cơ quan này, người đăng ký kết hôn sẽ tìm tới Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính. Sau đó, tìm tới bộ phận tư pháp – hộ tịch.

  • Bước 2: Xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ

Tiếp theo, nam và nữ hoặc một trong hai sẽ xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp toàn bộ giấy tờ đã chuẩn bị.

  • Bước 3: Kiểm tra thành phần hồ sơ

Theo quy trình, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ kiểm tra giấy tờ trong thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ đúng, đủ thì tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ có thiếu sót thì thông báo cho người nộp hồ sơ biết để khắc phục.

Trong thực tiễn, nhiều cặp đôi gặp phải tình trạng cán bộ, công chức gây khó dễ. Công chức thường yêu cầu cặp đôi cung cấp thêm giấy tờ mà pháp luật không quy định hoặc bắt bẽ lỗi sai của giấy tờ không có căn cứ. Đây là tình trạng chung của nền hành chính công của Việt Nam, mặc dù đã được cải cách nhiều trong những năm vừa qua.

Nếu rơi vào tình trạng này thì các bạn có thể khiếu nại hoặc phản ánh, kiến nghị với người hoặc cơ quan có thẩm quyền.

1.4. Nhận kết quả đăng ký kết hôn

Thời gian giải quyết đăng ký kết hôn với người nước ngoài là 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.

Bước nhận kết quả đăng ký kết hôn thì gần như nam, nữ không gặp vướng mắc gì. Theo lịch hẹn được thông báo khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, nam và nữ sẽ có mặt để nhận kết quả đăng ký kết hôn.

Trước khi nhận kết quả đăng ký kết hôn, cặp đôi cần phải nộp lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Mức thu lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại mỗi địa phương là khác nhau. Bởi lẽ, mức thu này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Thông thường, mức thu của các địa phương dao động từ 1.000.000 tới 1.600.000 VNĐ.

Bài viết khác:  7 giải đáp đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn, cặp đôi cần kiểm tra kỹ các thông tin trong kết quả đăng ký kết hôn. Nếu có sai sót thì thông báo để cơ quan có thẩm quyền cấp đổi. Nếu không có thiếu sót gì, nam và nữ có thể ra về.

Lưu ý, một số quốc gia quản lý công dân qua hộ tịch điện tử thì sẽ không trả kết quả bằng giấy tờ mà chỉ nhập thông tin về quan hệ hôn nhân của công dân đó qua hộ tịch điện tử mà không trả kết quả bằng giấy như ở Việt Nam.

2. Ghi chú kết hôn

Một thủ tục hành chính cực kỳ quan trọng sau khi đã hoàn tất việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, đó là ghi chú kết hôn.

Thủ tục ghi chú kết hôn có ý nghĩa để cả hai quốc gia là Việt Nam và quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch cùng công nhận quan hệ hôn nhân của nam, nữ. Đồng thời, ghi chú kết hôn là tiền đề để người nước ngoài bảo lãnh định cư cho người Việt.

Theo đó, sau khi đã nhận được Giấy chứng nhận kết hôn, người nước ngoài sẽ chuẩn bị hồ sơ ghi chú kết hôn. Cuối cùng, người nước ngoài sẽ có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà họ có quốc tịch để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

3. Kết luận về quy trình kết hôn với người nước ngoài

Như vậy, chúng tôi đã cùng bạn tìm hiểu quy trình kết hôn với người nước ngoài mới nhất.

Quy trình này là quy trình chung để kết hôn với người nước ngoài. Trong thực tế, tùy thuộc vào việc kết hôn với công dân của quốc gia nào mà bạn cần phải tìm hiểu thêm một số thông tin nữa. Bởi lẽ, một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có quy trình đặc thù.

Ví dụ: Đài Loan chỉ cho phép công dân kết hôn với người Việt tại Việt Nam. Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép công dân đăng ký kết hôn vắng mặt. Đăng ký kết hôn tại Trung Quốc có thể nhận kết quả ngay trong ngày.

Lời khuyên là các bạn có thể liên hệ với đơn vị uy tín để được trợ giúp. Cách làm này có thể giúp các bạn đỡ phải đi lại nhiều lần, tránh những thiếu sót trong hồ sơ đăng ký kết hôn và có thể nhận được kết quả đăng ký kết hôn trong thời gian phù hợp.

Rất mong được đồng hành cùng bạn!

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất