Ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không là nội dung mà các bạn có thể tìm hiểu, nếu có ý định nhờ ông bà khai sinh cho cháu.
Hầu hết mọi người đều biết khi trẻ em được sinh ra thì cha và mẹ sẽ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bé được sinh ra và khỏe mạnh.
Việc đăng ký khai sinh đúng thời hạn không những giúp cơ quan quản lý nhà nước về dân cư kịp thời nắm bắt được thông tin về công dân mới của quốc gia mà còn bảo đảm trẻ nhận được những quyền và lợi ích hợp pháp mà pháp luật quy định.
Nhìn chung, thủ tục đăng ký khai sinh cũng tương đối đơn giản khi cha hoặc mẹ chỉ cần có mặt tại cơ quan có thẩm quyền, xuất trình giấy tờ tùy thân, sau đó nộp giấy chứng sinh và giấy tờ chứng minh mối quan hệ với trẻ là có thể dễ dàng hoàn tất thủ tục này. Kết quả của thủ tục đăng ký khai sinh là Giấy khai sinh.
Nếu là thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài mà chọn quốc tịch nước ngoài cho bé thì có thể có những khó khăn, phức tạp hơn.
Và một câu hỏi được khá nhiều bậc làm cha, làm mẹ quan tâm đó là nếu vì những lý do nhất định mà không thể tới cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai sinh cho trẻ thì ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không?
1. Giải đáp ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không
Để giúp các bạn hiểu rõ ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nội dung sau:
- Quy định của pháp luật về ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không?;
- Thủ tục ông bà đăng ký khai sinh cho cháu.
1.1. Quy định của pháp luật về ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không
Khoản 1, Điều 15, Luật Hộ tịch 2014 và Điều 2, Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định về nội dung ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không như sau:
“Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
…
Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.”
Như vậy, đăng ký khai sinh cho con là trách nhiệm của cha và mẹ trẻ. Trường hợp, cha và mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông bà sẽ là người có trách nhiệm phải thực hiện công việc này.
Pháp luật hiện nay cũng không quy định trường hợp nào là trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con nên trong thực tế thì chỉ cần ông hoặc bà mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh mối quan hệ với cha hoặc mẹ của cháu và giấy chứng sinh là có thể đăng ký khai sinh cho cháu.
1.2. Thủ tục ông bà đăng ký khai sinh cho cháu
a) Trường hợp đăng ký khai sinh không có yếu tố nước ngoài
Trường hợp ông bà đăng ký khai sinh cho cháu, không có yếu tố nước ngoài thì sẽ thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cha hoặc mẹ của trẻ cư trú.
Thủ tục ông bà đăng ký khai sinh cho cháu được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Luật Hộ tịch 2014. Chi tiết như sau:
“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”
b) Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Nếu là đăng ký khai sinh cho cháu có yếu tố nước ngoài, ông bà sẽ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện, nơi cha hoặc mẹ của trẻ cư trú và theo quy định tại Điều 36, Luật Hộ tịch 2014. Chi tiết như sau:
“Điều 36. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.”
2. Kết luận ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không
Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và phân tích, lập luận của chúng tôi thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu và giải đáp cho câu hỏi ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không.
Có thể kết luận ông bà PHẢI đăng ký khai sinh cho cháu trong trường hợp cha và mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con.
Trong thực tiễn, nếu là khai sinh không có yếu tố nước ngoài thì ông bà có thể dễ dàng đăng ký khai sinh cho cháu. Thế nhưng, nếu đó là khai sinh có yếu tố nước ngoài thì ông bà không dễ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu.
Rất vui được tư vấn ông bà có đăng ký khai sinh cho cháu được không.
Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: Khai sinh cho con có cha hoặc mẹ là người nước ngoài