Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

0
1245

Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn được pháp luật quy định như thế nào?

Khi nhắc tới ly hôn, chúng ta có rất nhiều vấn đề đáng nói. Có người cho rằng ly hôn là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhưng có người lại có quan điểm ly hôn là sự tiến bộ của xã hội. Rồi thì nhiều người đánh giá thủ tục ly hôn tại Việt Nam phức tạp, nhưng lại có người muốn thủ tục này phức tạp để hạn chế việc ly hôn.

Dù nhìn nhận vấn đề ly hôn như thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng đều thừa nhận con cái chính là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất khi bố mẹ không chung sống nhau. Thiếu vắng đi sự chăm sóc, dậy dỗ từ người cha hoặc người mẹ đều khiến trẻ thiệt thòi. Và cha hoặc mẹ thường muốn được nuôi con để bù đắp cho con nhiều hơn.

Và khi giành được quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, rất nhiều bà mẹ muốn đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Và trong nội dung bài viết này chúng ta không tìm hiểu về nguyên nhân mà sẽ chỉ xem xét xem có được quyền đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ sau khi ly hôn không?

1. Tư vấn thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

Nội dung dưới đây, Anzlaw sẽ nêu ra quy định của pháp luật liên quan tới thay đổi họ cho con sau khi ly hôn. Bao gồm: Quyền được thay đổi và thủ tục thay đổi họ cho con.

1.1. Quyền được thay đổi họ cho con

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khá chi tiết về các trường hợp được thay đổi họ. Trong đó, đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại là một trong những trường hợp này. Chi tiết như sau:

“Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.”

Như vậy, sau khi ly hôn, người mẹ có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ.

Vậy thì công nhận trong trường hợp này được hiểu như thế nào?

Công nhận được hiểu là cơ quan nhà nước ghi nhận một sự kiện pháp lý xảy ra. Trong trường hợp này, sự kiện đó chính là bố đẻ và mẹ đẻ của trẻ thống nhất và đề nghị được đổi họ cho trẻ từ họ của cha sang họ của mẹ.

Do đó, nếu việc đổi họ cho con chỉ là ý chí của người mẹ mà không được sự đồng ý của người cha thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không chấp nhận việc thay đổi họ cho con.

Ngoài ra, con từ đủ 9 tuổi trở lên, việc thay đổi họ phải được sự đồng ý của trẻ.

Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

1.2. Thủ tục thay đổi họ cho con

Về thủ tục thì đây chính là thủ tục thay đổi hộ tịch được Luật Hộ tịch 2014 quy định. Chi tiết như sau:

a) Về cơ quan có thẩm quyền

Nguyên tắc là cơ quan nào đăng ký khai sinh cho trẻ trước đây thì thực hiệc việc thay đổi họ cho trẻ. Tuy nhiên, cha đẻ và mẹ đẻ của trẻ cũng có thể thực hiện thủ tục này tại cơ quan có thẩm quyền nơi mình đang cư trú; sinh sống, mà cơ quan này không phải cơ quan đăng ký khai sinh trước đây.

  • Thẩm quyền của UBND cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ trước đây hoặc nơi cư trú của trẻ có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho trẻ chưa đủ 14 tuổi.

  • Thẩm quyền của UBND cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ trước đây hoặc nơi cư trú của trẻ có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi thay đổi họ cho trẻ từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.

  • Thẩm quyền của Cơ quan đại diện ngoại giao

Cơ quan đại diện đã đăng ký khai sinh cho trẻ trước đây thực hiện đăng ký việc thay đổi họ cho trẻ.

b) Về giấy tờ cần chuẩn bị và trình tự

Giấy tờ cần chuẩn bị tương đối đơn giản. Cha đẻ và mẹ đẻ của trẻ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  1. Tờ khai đề nghị thay đổi hộ tịch;
  2. Giấy khai sinh của trẻ;
  3. Văn bản đồng ý thay đổi họ của trẻ, trường hợp trẻ từ đủ 9 tuổi;
  4. Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc đổi họ cho trẻ.

Sau khi có đầy đủ giấy tờ nói trên, cha đẻ và mẹ đẻ đưa trẻ tới cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc thay đổi họ cho trẻ.

Tại đây, cha và mẹ trẻ xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ. Công chức tư pháp – hộ tịch sẽ kiểm tra tính chính xác của hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì sẽ viết phiếu hẹn trả kết quả.

Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Kết luận về thay đổi họ cho con sau khi ly hôn

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật thì Anzlaw đã giải đáp xong thay đổi họ cho con sau khi ly hôn.

Việc thay đổi họ cho con chỉ được thực hiện khi đó là sự thỏa thuận của cha và mẹ trẻ là quy định hoàn toàn chính xác khi cả cha và mẹ có quyền như nhau đối với con. Tuy nhiên, khi đã ly hôn rồi thì thường rất khó để cha và mẹ thỏa thuận được với nhau về việc đổi họ từ họ của cha sang họ của mẹ cho con nên những trường hợp thay đổi được họ cho con sau khi ly hôn không nhiều.

Trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm!

Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài