Bố mẹ làm ly hôn cho con

0
83

Bố mẹ làm ly hôn cho con được pháp luật quy định như thế nào là nội dung mà bạn nên tham khảo để việc ly hôn cho con đạt kết quả tốt nhất.

Khi đã dựng vợ gả chồng cho con, bố mẹ đều mong vợ chồng con cái chung sống hòa thuận, biết bảo ban nhau làm ăn, cùng sinh con đẻ cái, tạo dựng tài sản là đã may mắn, chứ chưa nói tới hiếu nghĩa, báo đáp công ơn của bố mẹ.

Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân có nhiều vấn đề khiến vợ chồng có thể nảy sinh mâu thuẫn bất kỳ lúc nào. Khi cảm thấy không thể tiếp tục chung sống được với nhau, vợ chồng sẽ làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết việc ly hôn.

Không ít trường hợp bố mẹ thấy con bị bạo lực gia đình, đã nhiều lần khuyên bảo nhưng người con sợ hãi, không đủ cam đảm để ly hôn.

Vậy trong trường hợp này bố mẹ làm ly hôn cho con được không?

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu toàn bộ những nội dung có liên quan tới bố mẹ làm ly hôn cho con.

1. Tư vấn bố mẹ làm ly hôn cho con

Theo quy định của pháp luật thì ly hôn là quyền nhân thân, không thể chuyển giao cho người khác. Vì vậy, khi có yêu cầu ly hôn thì bản thân người đó phải tự mình thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án.

Quá trình thụ lý và giải quyết yêu cầu ly hôn, Tòa án cũng phải lấy lời khai, đề nghị người có yêu cầu ly hôn lập bản tự khai để đánh giá xem việc ly hôn có phải là ý chí tự nguyện của đương sự không, có ai bị ép buộc, đe dọa để phải ly hôn không.

Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt mà bản thân người đó không thể tự mình ly hôn. Trong trường hợp này, bố và mẹ hoặc người thân thích khác của họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Vậy trường hợp nào thì bố mẹ làm ly hôn cho con?

1.1. Quy định của pháp luật về bố mẹ làm ly hôn cho con

Khoản 2, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành quy định về việc bố mẹ làm ly hôn cho con như sau:


Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.


Đối chiếu với quy định nêu trên, bố mẹ làm ly hôn cho con khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Con bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình hay còn gọi là mất năng lực hành vi dân sự;

– Con là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ/chồng của họ gây ra;

– Hành vi bạo lực gia đình ảnh hưởng ngiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người con.

Khi thiếu một trong những điều kiện trên thì bố mẹ không có quyền được yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cho con.

  • Bố mẹ làm ly hôn cho con là đơn phương hay thuận tình?

Khoản 3, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu trên quy định:


Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.


Như vậy, bố mẹ làm ly hôn cho con được xác định là trường hợp ly hôn theo yêu cầu một bên hay còn gọi là ly hôn đơn phương.

Bố mẹ làm ly hôn cho con | Ảnh minh họa
Bố mẹ làm ly hôn cho con | Ảnh minh họa

1.2. Thủ tục bố mẹ làm ly hôn cho con

Khi có đủ điều kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cho con, bố mẹ làm ly hôn cho con theo những bước sau:

  • Chuẩn bị giấy tờ cần thiết;
  • Nộp đơn khởi kiện ly hôn cho con và tham gia việc giải quyết ly hôn.

a) Chuẩn bị giấy tờ cần thiết

Giấy tờ mà bố mẹ cần chuẩn bị trong trường hợp bố mẹ làm ly hôn cho con gồm những giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện ly hôn;
  • Bản sao có chứng thực CCCD của bố hoặc mẹ;
  • Bản sao có chứng thực CCCD của con;
  • Bản sao Giấy khai sinh của con để chứng minh quan hệ cha mẹ con;
  • Giấy xác nhận cư trú của bị đơn để Tòa án xác định thẩm quyền giải quyết;
  • Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn;
  • Bản sao Giấy khai sinh của các cháu (trong trường hợp vợ chồng có con chung);
  • Bản sao giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (trong trường hợp có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn);
  • Giấy tờ tài liệu chứng minh:

– Con bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình hay còn gọi là mất năng lực hành vi dân sự;

– Con là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ/chồng của họ gây ra;

– Hành vi bạo lực gia đình ảnh hưởng ngiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người con.

Thông thường, giấy tờ này là bệnh án của bệnh viện và xác nhận của chính quyền địa phương về mâu thuẫn vợ chồng người con và về việc người con thường xuyên bị bạo hành gia đình.

b) Nộp đơn khởi kiện ly hôn và tham gia giải quyết vụ án

Khi đã có đủ giấy tờ nêu trên, bố hoặc mẹ sẽ tới Tòa án cấp có thẩm quyền để nộp đơn khởi kiện ly hôn kèm các giấy tờ, tài liệu.

  • Trường hợp không có yếu tố nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi bị đơn cư trú;
  • Trường hợp có đương sự, tài sản ở nước ngoài hoặc phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Quy trình gồm các bước sau:

  • Nộp đơn khởi kiện kèm tài liệu, chứng cứ;
  • Nộp tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án dân sự và gửi lại Tòa án biên lai;
  • Nhận thông báo thụ lý vụ án;
  • Tham gia các buổi lấy lời khai, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, phiên họp hòa giải và phiên tòa;
  • Cuối cùng, nhận bản án ly hôn của Tòa.

Tới đây, mọi công việc của bố mẹ đã làm ly hôn cho con đã hoàn tất.

2. Kết luận bố mẹ làm ly hôn cho con

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung quan trọng liên quan tới ly hôn. Đó là, bố mẹ làm ly hôn cho con.

Như đã trình bày ở trên, ly hôn là quyền nhân thân không thể chuyển giao. Do đó, bố mẹ chỉ được làm ly hôn cho con trong những trường hợp đặc biệt mà không phải trường hợp nào cũng được làm ly hôn cho con. Bởi lẽ, khi người con đã kết hôn lập gia đình thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau thuộc về vợ và chồng. Chỉ khi người con bị mất năng lực hành vi dân sự và bị bạo lực về thể chất, có nguy cơ đe dọa tới tính mạng, sức khỏe thì bố mẹ mới làm ly hôn cho con.

Trong thực tế, thủ tục ly hôn tại Tòa án không hề đơn giản. Đặc biệt, nếu đó là ly hôn đơn phương thì việc Tòa án thụ lý và giải quyết không hề dễ dàng. Vì vậy, nếu không am hiểu thì tốt nhất các bạn nên tìm đơn vị uy tín để được trợ giúp.

Rất vui được tư vấn bố mẹ làm ly hôn cho con cho các bạn!

Rất mong được đồng hành cùng bạn!

Xem thêm: Tổng hợp thủ tục ly hôn với người nước ngoài

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất