Bổ sung tên cha trong giấy khai sinh của con như thế nào là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc bổ sung tên cha đạt kết quả tốt nhất.
Nếu là trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng thì khi đăng ký khai sinh cho con, chắc chắn sẽ có tên của cha trong Giấy khai sinh của con. Thế nhưng, nếu đó là trường hợp người mẹ chưa kết hôn mà sinh ra thì có thể có tình huống đăng ký khai sinh mà chưa xác định được người cha. Trong trường hợp này, tên của người cha trong Giấy khai sinh của con sẽ được bỏ trống.
Khi có nhu cầu nhận con, người cha sẽ cần thực hiện thủ tục để bổ sung tên cha trong giấy khai sinh của con.
Vậy thủ tục này cần làm như thế nào?
1. Tư vấn bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con
Trong thực tiễn, không phải trường hợp nào việc bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con cũng giống nhau. Theo đó, việc bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con sẽ có những trường hợp sau:
- Cha và mẹ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn;
- Cha và mẹ chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và làm rõ xem bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con trong các trường hợp nêu trên được thực hiện như thế nào.
1.1. Trường hợp cha và mẹ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn
Nếu cha và mẹ của trẻ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn thì việc bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con sẽ thực hiện theo Khoản 2, Điều 16, Thông tư 04/2020/TT-BTP và Điều 29 Luật Hộ tịch 2014 đang có hiệu lực thi hành. Chi tiết như sau:
“Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt
…
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
Điều 29. Thủ tục bổ sung hộ tịch
1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.”
Như vậy, trường hợp cha và mẹ của trẻ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn thì chỉ cần làm thủ tục bổ sung hộ tịch. Theo đó, cha và mẹ của trẻ chỉ cần có văn bản thừa nhận trẻ là con chung của vợ chồng và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan là có thể thực hiện thủ tục bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con.
1.2. Trường hợp cha và mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn
Nếu rơi vào trường hợp cha và mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn mà muốn làm thủ tục bổ sung tên của cha trong Giấy khai sinh của con thì phải thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha con theo quy định tại Điều 25 trong trường hợp không có yếu tố nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài nhưng thuộc trường hợp đặc biệt hoặc Điều 44, Luật Hộ tịch 2014 đang có hiệu lực thi hành. Chi tiết như sau:
“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
…
“Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
4. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.”
2. Kết luận bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con
Trên đây là toàn bộ nội dung của bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh của con.
Bổ sung tên cha trong Giấy khai sinh không phải thủ tục quá phức tạp nhưng nếu đó là thủ tục có yếu tố nước ngoài hoặc người mẹ có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng lại là con của người khác không phải người chồng thì thủ tục nhận cha con lại trở lên phức tạp.
Nếu không am hiểu và cũng không có nhiều thời gian đi lại thì bạn có thể sử dụng dịch vụ của đơn vị uy tín để được trợ giúp. Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn!
Xem thêm: Thủ tục nhận cha, mẹ, con