Các trường hợp được phép thay đổi họ

0
1306

Các trường hợp được phép thay đổi họ là trường hợp nào?

Như chúng ta đều biết, mỗi một trẻ em sinh ra đều sẽ được đăng ký khai sinh. Một trong những nội dung đăng ký khai sinh đó là họ và tên. Họ của trẻ theo họ cha hay theo họ của mẹ thì đều sẽ gắn liền với cuộc đời của trẻ.

Và tất nhiên, đời sống xã hội có vô vàn các tình huống có thể làm phát sinh nhu cầu thay đổi họ. Có thể trước đó mẹ của trẻ là đơn thân, nay bố của bé làm thủ tục nhận con và muốn con mang họ bố. Bố và mẹ ly hôn, mẹ được quyền nuôi con và muốn đổi họ cho con từ họ của bố sang họ của mẹ…

Và tất yếu rằng, việc thay đổi họ không thể thực hiện một cách tùy tiện được. Bởi lẽ, việc thay đổi này sẽ kéo theo rất nhiều các vấn đề đi kèm. Và đặc biệt, chắc chắn sẽ có nhiều người muốn thay đổi họ để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ hoặc trách nhiệm nào đó. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về những trường hợp được phép thay đổi họ. Đây cũng là đề nghị tư vấn mà Anzlaw nhận được từ một khách hàng.

1. Đề nghị tư vấn các trường hợp được phép thay đổi họ


Chào Anzlaw!

Tôi có vấn đề cần anh/chị tư vấn.

Tôi năm nay 30 tuổi, năm 27 tuổi thì tôi lập gia đình. Chúng tôi có với nhau một cháu trai 2 tuổi. Gần đây tôi phát hiện ra chồng tôi ngoại tình và cũng đã làm đơn ly hôn. Chúng tôi cũng đã thỏa thuận là tôi sẽ nuôi con.

Tôi muốn là sau khi ly hôn, tôi sẽ đổi họ cho cháu từ họ của chồng tôi sang họ của tôi. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp của tôi thì có đổi được họ cho cháu không?

Tôi xin cảm ơn!


Các trường hợp được phép thay đổi họ
Các trường hợp được phép thay đổi họ

2. Tư vấn các trường hợp được phép thay đổi họ

Anzlaw xin chào chị!

Trước hết, xin cảm ơn chị đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn cho Anzlaw. Với đề nghị tư vấn của chị thì công ty chúng tôi xin trả lời như sau:

Việc thay đổi họ của cá nhân chỉ được thực hiện khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự mới nhất 2015. Theo đó, việc thay đổi họ phải rơi vào một trong các trường hợp sau:

2.1. Các trường hợp được phép thay đổi họ

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại

Đây là trường hợp thay đổi họ cho con giống như hoàn cảnh và mong muốn của chị.

Trong thực tế, sau khi ly hôn mẹ đẻ thường hay có yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.Tuy nhiên, việc thay đổi họ cho con từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại phải là sự đồng thuận của cả cha và mẹ.

b) Được thay đổi họ trong trường hợp nhận con nuôi

Sau khi đã hoàn tất việc nhận con nuôi, cha mẹ nuôi thường sẽ đề nghị thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi.

Và pháp luật cho rằng, việc này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho trẻ.

c) Thay đổi họ khi chấm dứt việc nuôi con nuôi

Khi quan hệ nuôi dưỡng kết thúc thì người con nuôi hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có quyền yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Quan hệ nuôi con nuôi sẽ kết thúc khi người con nuôi đủ 18 tuổi hoặc cha mẹ nuôi từ chối tiếp tục quan hệ con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

d. Thay đổi họ cho con khi xác định cha, mẹ cho con

Thông thường, đây là trường hợp chưa xác định được cha khi đăng ký khai sinh cho con. Khai sinh trong trường hợp này, giấy khai sinh của trẻ sẽ bỏ trống thông tin về cha. Họ của trẻ sẽ được xác định theo họ của mẹ.

Và sau đó, người cha làm thủ tục nhận con, đồng thời cha và mẹ có đề nghị được thay đổi họ cho con từ họ của mẹ sang họ của cha.

e) Được thay đổi họ trong trường hợp tìm lại huyết thống

Đây là trường hợp người bị lưu lạc, đã đăng ký khai sinh và lấy họ khác với họ mà mình có huyết thống. Sau đó, họ tìm lại được huyết thống, cội nguồn của mình. Và tất nhiên, nhu cầu được thay đổi họ từ họ cũ sang họ của dòng tộc mình là hoàn toàn chính đáng.

f) Thay đổi họ trong trường hợp kết hôn với người nước ngoài

Với một số quốc gia, sau khi kết hôn, người vợ phải thay đổi họ sang họ của chồng. Vì vậy, khi người Việt kết hôn với công dân các quốc gia này thì việc phải đổi họ sang họ của chồng để phù hợp với pháp luật của nước họ là có cơ sở.

Và khi quan hệ hôn nhân này chấm dứt, người Việt cũng có thể có nhu cầu lại lấy họ trước khi đổi. Và đây cũng là căn cứ để pháp luật cho phép thay đổi họ.

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ

Trường hợp này thì không có gì phải tranh luận cả. Khi họ của cha, mẹ thay đổi thì sẽ kéo theo họ của con thay đổi là tất yếu.

h. Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định

2.2. Một số vấn đề cần lưu ý

  • Thay đổi họ cho con từ đủ 9 tuổi thì phải được sự đồng ý của con;
  •  Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Áp dụng các trường hợp trên vào hoàn cảnh của chị, Anzlaw xin trả lời chị như sau:

Chị có thể thay đổi họ cho cháu từ họ của cha sang họ của chị. Tuy nhiên, việc này phải là sự thống nhất về ý chí của cả hai anh chị, đồng thời nếu cháu đã đủ 9 tuổi thì còn phải được sự đồng ý của cháu.

Trân trọng cảm ơn chị đã ghé thăm công ty và rất mong được đồng hành cùng chị!

Xem thêm: Thay đổi họ sau khi kết hôn với người nước ngoài