Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

0
164

Đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú được pháp luật quy định như thế nào?

Trong nhiều bài viết trước đây về kết hôn với nước ngoài, chúng tôi đã chỉ ra và hướng dẫn các bạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại một trong những cơ quan sau:

  • Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bao gồm: UBND cấp huyện nơi người Việt cư trú và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch;
  • Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba.

Thông thường, nếu đang cùng sinh sống tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch thì cặp đôi nên lựa chọn đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch. Bởi lẽ, so với thủ tục kết hôn của Việt Nam thì đa số các quốc gia khác đều có thủ tục đăng ký kết hôn đơn giản hơn. Đồng thời, do đang cùng sinh sống tại nước ngoài nên cả hai sẽ dễ dàng cùng trao đổi, chuẩn bị giấy tờ, khắc phục thiếu sót và đăng ký kết hôn.

Trường hợp cả hai đang sinh sống tại Việt Nam hoặc mỗi người sinh sống tại một quốc gia thì nên đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện, nơi người Việt cư trú.

Vậy câu hỏi đặt ra là có đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang tạm trú được không và nếu có thì thủ tục đăng ký kết hôn như thế nào?

1. Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

Thông thường, nếu các bạn đang sinh sống, làm việc tại nơi đang thường trú thì ít khi các bạn tìm hiểu tới việc đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú. Thế nhưng, nếu đang sinh sống và làm việc tại một địa phương và thường trú tại một địa phương mà giữa hai địa phương có khoảng cách tương đối lớn thì các bạn sẽ tìm hiểu có thể đăng ký kết hôn tại nơi đang tạm trú hay không.

Ví dụ: Bạn có hộ khẩu tại Bắc Ninh nhưng tạm trú và làm việc tại Bình Dương, mong muốn kết hôn với người Trung Quốc. Vậy có thể đăng ký kết hôn tại Bình Dương không hay phải về Bắc Ninh đăng ký kết hôn.

1.1. Quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú

Quy định về đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú được quy định tại Khoản 4, Điều 5, Luật Hộ tịch 2014. Chi tiết như sau:


“Điều 5. Nguyên tắc đăng ký hộ tịch

1. Tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.

2. Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác; trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

4. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.”


Trong khi đó, quy định tại Điều 3, Luật Hộ tịch 2014 quy định về đăng ký hộ tịch quy định như sau:


“Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch

1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:

a) Khai sinh;

b) Kết hôn;

c) Giám hộ;

d) Nhận cha, mẹ, con;

đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;

e) Khai tử.

2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Thay đổi quốc tịch;

b) Xác định cha, mẹ, con;

c) Xác định lại giới tính;

d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

e) Công nhận giám hộ;

g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.”


Như vậy, kết hôn là đăng ký hộ tịch và công dân được thực hiện tại nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.

Do đó, nếu công dân đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì có thể thực hiện tại UBND cấp huyện, nơi công dân thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống.

Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú
Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

1.2. Thực tiễn áp dụng

Pháp luật có quy định rõ ràng công dân có quyền được đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp vẫn có tình trạng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ từ chối giải quyết đăng ký kết hôn cho công dân, nếu thực hiện tại nơi tạm trú. Đồng thời, yêu cầu công dân tới UBND cấp huyện, nơi thường trú để đăng ký kết hôn.

Tình trạng này không phải hiếm gặp. Có nhiều lý do dẫn tới việc này. Có thể do trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, cũng có thể do tâm lý ngại nhận việc, sợ trách nhiệm hoặc cũng có thể do nhũng nhiễu, tìm cách gây khó khăn cho công dân.

Tất nhiên, trong các trường hợp như vậy thì đa số các bạn sẽ không biết phải làm gì và đành về nơi thường trú để thực hiện việc kết hôn.

1.3. Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

So với hồ sơ đăng ký kết hôn tại nơi thường trú thì hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú chỉ có một điểm duy nhất các bạn cần lưu ý, đó là bổ sung giấy tờ chứng minh nơi tạm trú của người Việt.

Theo đó, thành phần hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú sẽ gồm:

a) Giấy tờ của người Việt Nam

  • Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu mới nhất có dán ảnh nam, nữ;
  • CCCD bản sao và bản chính để đối chiếu;
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có mục đích để đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
  • Giấy tờ ly hôn/trích lục khai tử trong trường hợp đã từng kết hôn;
  • Giấy khám sức khỏe có kết luận đủ sức khỏe kết hôn;
  • Giấy xác nhận cho phép kết hôn với người nước ngoài (nếu là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm việc trong lực lượng vũ trang);
  • Giấy xác nhận tạm trú.

b) Người nước ngoài cần có

  • Hộ chiếu bản sao kèm bản dịch;
  • Giấy tờ chứng minh hiện tại đang độc thân;
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ hôn nhân trước đó đã chấm dứt hợp pháp, nếu đã từng kết hôn;
  • Giấy tờ chứng minh đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
  • Giấy tờ chứng minh địa chỉ cư trú tại nước ngoài;
  • Giấy khám sức khỏe kết hôn có kết luận đủ sức khỏe kết hôn.

c) Một số vấn đề cần lưu ý trong hồ sơ

  • Chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Chi tiết về thủ tục này, mời bạn xem thêm: Thủ tục chứng nhận lãnh sự giấy tờ.

  • Dịch thuật, công chứng giấy tờ

Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài cần được dịch thuật sang tiếng Việt, có công chứng/chứng thực chữ ký bản dịch.

  • Mẫu giấy độc thân của người nước ngoài

Đối với một số quốc gia kết hôn với người Việt Nam thì quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch có quy định rõ ràng về biểu mẫu giấy tờ độc thân của người nước ngoài. Nếu người nước ngoài chuẩn bị giấy tờ mà không đúng biểu mẫu do cơ quan có thẩm quyền công bố thì không thể thực hiện việc đăng ký kết hôn. Mặc dù, trong nội dung của giấy tờ đó có chứa đựng thông tin đang độc thân.

Do đó, các bạn cần tìm hiểu kỹ để tránh chuẩn bị không đúng giấy tờ. Mất thời gian đi lại mà không đạt kết quả như mong muốn.

  • Khám sức khỏe kết hôn

Trong thực tiễn, đây cũng là nội dung mà nhiều bạn gặp vướng mắc, khi mà không biết phải khám ở đâu và khám những nội dung gì.

Chi tiết về khám sức khỏe, mời bạn xem thêm: Khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài

  • Tờ khai đăng ký kết hôn

Đối với tờ khai đăng ký kết hôn thì các bạn sẽ điền đầy đủ thông tin của nơi thường trú và tạm trú.

1.4. Thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

Giống như khi đăng ký kết hôn tại nơi thường trú, các bạn cũng sẽ thực hiện theo quy trình gồm những bước sau:

  • Bước 1: Có mặt tại cơ quan có thẩm quyền;
  • Bước 2: Xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ;
  • Bước 3: Hoàn thiện lại hồ sơ, nếu có thiếu sót;
  • Bước 4: Tham dự buổi trao đổi, xác minh của Phòng Tư pháp nếu có;
  • Bước 5: Quay trở lại cơ quan có thẩm quyền để nhận kết quả đăng ký kết hôn.

Tới đây, các bạn đã hoàn tất việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú.

Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú
Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

2. Ghi chú kết hôn

Ghi chú kết hôn là thủ tục cực kỳ quan trọng nhằm giúp pháp luật của Việt Nam và quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch cùng công nhận quan hệ hôn nhân của hai bên.

Chỉ khi hoàn tất việc ghi chú kết hôn thì các bạn mới có thể thực hiện việc bảo lãnh định cư tại nước ngoài.

Do đó, sau khi đã nhận được Giấy chứng nhận kết hôn do UBND cấp huyện, nơi tạm trú cấp thì các bạn đừng quên thực hiện ghi chú kết hôn.

Chi tiết về thủ tục này, mời bạn xem thêm: Tư vấn thủ tục ghi chú kết hôn.

3. Kết luận đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú

Như vậy, dựa trên quy định mới nhất của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã có những giải đáp, hướng dẫn các bạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú.

Đăng ký kết hôn với người nước ngoài vẫn được đa số mọi người đánh giá là thủ tục hành chính phức tạp mà cặp đôi còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và thực hiện. Đặc biệt, nền hành chính công của Việt Nam còn bất cập cũng là rào cản không nhỏ đối với cặp đôi, nếu tự thực hiện thủ tục này.

Nếu không am hiểu và không tự tin có thể tự mình thực hiện thì các bạn có thể liên hệ đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm để hỗ trợ.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ hotline 0988 619 259.

Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất