Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh

0
1638

Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh theo quy định mới nhất của pháp luật.

Trải qua một quá trình mang thai đầy vất vả và nguy hiểm, trẻ em sẽ được sinh ra và cất tiếng khóc chào đời. Nếu đứa trẻ khỏe mạnh sau 24h, cơ sở y tế sẽ chấp giấy chứng sinh cho người sinh. Giấy chứng sinh sẽ có đầy đủ thông tin cơ bản về tình trạng của đứa trẻ khi sinh ra, bao gồm: Giới tính, cân nặng, thông tin nhân thân về mẹ của đứa trẻ.

Khi đã được cấp giấy chứng sinh thì cha hoặc mẹ của trẻ có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền.

Ngày nay, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã trở lên hết sức phổ biến. Rất nhiều cặp đôi lựa chọn định cư tại Việt Nam sau khi đăng ký kết hôn. Và tất yếu, những đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần được khai sinh để Nhà nước quản lý và bảo hộ.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài sẽ có sự khác biệt so với việc khai sinh cho trẻ em có bố và mẹ là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, dù có sự khác biệt nào chăng nữa thì tờ khai đăng ký khai sinh là giấy tờ bắt buộc phải chuẩn bị.

1. Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh

Trước khi bắt đầu điền tờ khai đăng ký khai sinh thì bạn cần phải có tờ khai theo đúng mẫu quy định. Tờ khai này có thể được cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cung cấp cho người đi đăng ký khai sinh hoặc bạn có thể chủ động chuẩn bị. Chỉ cần sử dụng máy tính và gõ từ khóa “tờ khai đăng ký khai sinh” lên trên các website tìm kiếm là bạn có thể dễ dàng tải về. Tuy nhiên, bạn cũng cần kiểm tra xem tờ khai đó có phải mẫu mới nhất do Bộ Tư pháp ban hành hay không.

Bạn cũng có thể tải tờ khai tại đây.

Sau khi đã tải được tờ khai về máy tính, tệp file sẽ định dạng dưới dạng bản word. Việc của bạn lúc này là bắt đầu lấp đầy những chỗ còn trống trong tờ khai.

1.1. Nội dung cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh

Phần này bạn điền chính xác cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh. Nếu đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thì bạn sẽ ghi tên của UBND cấp huyện, nơi bạn dự định sẽ đăng ký khai sinh cho trẻ. Còn nếu việc đăng ký khai sinh chỉ là trong nước, tức không có yếu tố nước ngoài thì bạn ghi rõ UBND cấp xã, nơi dự định sẽ đăng ký khai sinh.

Ví dụ: Kính gửi: Ủy ban nhân dân phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

           – Ủy ban nhân dân quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh
Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh

1.2. Thông tin nhân thân người đi khai sinh

Phần này, người đi đăng ký khai sinh sẽ điền đầy đủ thông tin nhân thân của mình, bao gồm các thông tin về họ và tên, giấy tờ tùy thân, nơi cư trú.

Thông thường, người đi đăng ký khai sinh có thể là cha hoặc mẹ của trẻ nhưng trong nhiều trường hợp người đi đăng ký khai sinh cũng có thể là ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.


1.3. Thông tin nhân thân của trẻ và của cha mẹ

Phần này người đăng ký khai sinh điền đầy đủ thông tin của bé, cha và mẹ bé. Những thông tin này bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc và quốc tịch.

Ở nội dung này, người đi đăng ký khai sinh sẽ chú ý một số vấn đề sau:

a) Về quốc tịch của trẻ em

Trường hợp bố và mẹ của trẻ mang quốc tịch Việt Nam thì trẻ sẽ có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp bố hoặc mẹ của trẻ có quốc tịch nước ngoài thì bố và mẹ của bé sẽ làm thủ tục chọn quốc tịch cho bé.

Nếu chọn quốc tịch nước ngoài cho bé thì bố mẹ của bé sẽ phải cung cấp thêm giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận về thỏa thuận chọn quốc tịch nước ngoài hoặc xác nhận trẻ đã mang quốc tịch nước ngoài.

b) Về dân tộc của trẻ

Dân tộc của trẻ được xác định dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Nếu cha đẻ và mẹ đẻ cùng dân tộc

Lúc này, trẻ sẽ mang dân tộc của bố và mẹ mà không cần bố và mẹ có văn bản chọn dân tộc cho trẻ.

  • Cha đẻ và mẹ trẻ không cùng dân tộc

Trong trường hợp này, dân tộc của bé được xác dịnh dựa trên sự thỏa thuận bằng văn bản của cha đẻ và mẹ đẻ. Nếu cha đẻ và mẹ đẻ không thỏa thuận thì xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

  • Xác định dân tộc trong trường hợp bé bị bỏ rơi

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

c) Về quê quán của trẻ

Quê quán của trẻ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.


1.4. Thông tin cuối tờ khai – Hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh

Nội dung này cực kỳ đơn giản, người đi đăng ký khai sinh ghi rõ làm tại UBND nơi dự định sẽ đăng ký khai sinh, điền ngày tháng năm đi khai sinh và ký, ghi rõ họ và tên.

2. Một số vấn đề cần lưu ý

2.1. Điền tờ khai đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

2.2. Điền tờ khai đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

Trường hợp người đi đăng ký khai sinh chưa xác định được cha của đứa trẻ thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong tờ khai đăng ký khai sinh bỏ trống.

Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và tờ khai đăng ký khai sinh của trẻ em để trống.

3. Kết luận hướng dẫn điền tờ khai đăng ký khai sinh

Như vậy, Anzlaw đã hướng dẫn xong điền tờ khai đăng ký khai sinh mới nhất. Nội dung hướng dẫn có thể còn thiếu sót nên rất mong nhận được góp ý từ các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn.

Thông thường, đăng ký khai sinh cho trẻ em không có yếu tố nước ngoài khá đơn giản và gần như người đi đăng ký không gặp vướng mắc nhưng nếu đó là thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thì sẽ có sự khác biệt rõ ràng, thậm chí nếu chọn quốc tịch nước ngoài cho bé thì thủ tục này còn phức tạp hơn nữa.

Ngoài ra, việc chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài và chọn quốc tịch nước ngoài cho trẻ không phải việc dễ dàng. Tốt nhất bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được hỗ trợ nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian đi lại.

Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Khai sinh cho con với người nước ngoài