Thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh

0
142

Thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì trong vòng 60 ngày, kể từ ngày trẻ sinh ra và khỏe mạnh thì cha hoặc mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Nếu là trường hợp vợ chồng sinh con trong thời kỳ hôn nhân thì thủ tục đăng ký khai sinh rất đơn giản. Theo đó, cha và mẹ hoặc người thân thích của trẻ chỉ cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:

  • Giấy tờ tùy thân;
  • Giấy chứng sinh;
  • Giấy chứng nhận kết hôn;
  • Tờ khai đăng ký khai sinh.

Sau khi có đủ những giấy tờ nêu trên, người đi đăng ký khai sinh sẽ có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và nhận kết quả.

Thế nhưng, nếu là trường hợp không xác định được người cha thì khi đăng ký khai sinh, thông tin về người cha trong giấy khai sinh sẽ bỏ trống. Sau này, nếu công dân có yêu cầu và xét thấy có căn cứ pháp lý thì cơ quan có thẩm quyền sẽ bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh của con.

Vậy thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh được pháp luật quy định như thế nào?

1. Thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh

1.1. Phân biệt bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh và nhận cha con

Trong lĩnh vực hộ tịch, bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh và nhận cha con đều là thủ tục để xác định người cha cho con. Tuy nhiên, đây là 2 thủ tục khác nhau và áp dụng trong những trường hợp khác nhau.

Vậy khi nào là bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh và khi nào thì nhận cha con?

  • Bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh

Bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh được pháp luật về hộ tịch quy định đó là thủ tục bổ sung thông tin hộ tịch.

Bổ sung thông tin về người cha áp dụng trong trường hợp vợ chồng có con trước thời kỳ hôn nhân, con đã được đăng ký khai sinh và bỏ trống phần thông tin về người cha trong giấy khai sinh. Nay, hai vợ chồng có văn bản thừa nhận trẻ là con chung thì thực hiện thủ tục bổ sung thông tin hộ tịch về người cha.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp người vợ có thai hoặc sinh con trong thời kỳ hôn nhân với người khác.

  • Nhận cha con

Nhận cha con được áp dụng trong trường hợp sau:

– Cha và mẹ không đăng ký kết hôn nhưng cha muốn nhận con;

– Người con sinh ra trước khi cha và mẹ đăng ký kết hôn nhưng thời điểm con sinh ra hoặc có thai là thời kỳ hôn nhân của người mẹ với người khác.

Thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh
Thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh

1.2. Thủ tục bổ sung thông tin của người cha trong giấy khai sinh

a) Giấy tờ cần chuẩn bị

Khoản 1, Điều 29, Luật Hộ tịch 2014 quy định về giấy tờ cần chuẩn bị khi làm thủ tục bổ sung thông tin người cha trong giấy khai sinh như sau:


Điều 29. Thủ tục bổ sung hộ tịch

1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

…”


Ngoài ra, Khoản 2, Điều 16, Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định về trường hợp bổ sung thông tin người cha trong giấy khai sinh như sau:


“Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

…”


Đối chiếu với những quy định nêu trên, giấy tờ cần chuẩn bị khi bổ sung thông tin về người cha trong Giấy khai sinh sẽ gồm có:

– Tờ khai đề nghị bổ sung thông tin hộ tịch;

– Văn bản thừa nhận con chung của vợ chồng;

– Giấy khai sinh bản gốc của con;

– Giấy tờ tùy thân của vợ chồng.

b) Quy trình thực hiện

Khi đã có đủ các loại giấy tờ nêu trên, cha hoặc mẹ của trẻ sẽ thực hiện việc bổ sung thông tin người cha trong giấy khai sinh theo quy trình sau:

  • Bước 1: Có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ;
  • Bước 2: Nhận phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính;
  • Bước 3: Tới ngày trả kết quả, quay trở lại cơ quan đó để nhận kết quả.

Kết quả của thủ tục bổ sung thông tin hộ tịch về người cha sẽ là thông tin của người cha được ghi vào trong giấy khai sinh và được đóng dấu treo của cơ quan thực hiện, đồng thời những thông tin đó cũng được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh. Ngoài ra, người đi đăng ký bổ sung còn được cấp bản trích lục bổ sung thông tin hộ tịch.

Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào?

  • UBND cấp xã trong trường hợp đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.
  • Cơ quan đại diện của Việt Nam tại quốc gia mà người Việt Nam định cư tại nước ngoài.

2. Kết luận thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những thủ tục hành chính phổ biến trong lĩnh vực hộ tịch, đó là thủ tục bổ sung tên của cha trong giấy khai sinh.

Theo đánh giá của mọi người thì đây không phải thủ tục hành chính phức tạp tới mức không thể tự mình thực hiện. Thủ tục này chỉ phức tạp khi có yếu tố nước ngoài do hay gặp phải khó khăn, trở ngại do cán bộ, công chức.

Trường hợp còn thắc mắc hoặc gặp khó khăn khi thực hiện, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được trợ giúp.

Rất mong được đồng hành cùng bạn!

Xem thêm: Khai sinh cho con có cha hoặc mẹ là người nước ngoài