Thủ tục đăng ký lại kết hôn

0
181

Thủ tục đăng ký lại kết hôn được pháp luật quy định như thế nào?

Khi đăng ký kết hôn, nam và nữ sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn, đồng thời cùng ký tên vào Sổ Hộ tịch. Giấy chứng nhận kết hôn có 02 bản, giao cho nam và nữ mỗi người một bản.

Giấy tờ này là cơ sở để xác định vợ chồng đã đăng ký kết hôn và là cơ sở để thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan hoặc giải quyết vụ việc tại cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: Đăng ký khai sinh cho con, vợ chồng vay vốn ngân hàng hoặc ly hôn tại Tòa án.

Thế nhưng, không ít trường hợp vì những lý do nhất định mà vợ chồng làm mất Giấy chứng nhận kết hôn. Do đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị vợ chồng đăng ký lại kết hôn hoặc xin trích lục kết hôn.

Vậy trường hợp nào thì đăng ký lại kết hôn và trường hợp nào thì xin trích lục kết hôn, đồng thời thủ tục đăng ký lại kết hôn được pháp luật quy định như thế nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu toàn bộ các vấn đề có liên quan tới thủ tục đăng ký lại kết hôn.

1. Tư vấn thủ tục đăng ký lại kết hôn

Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng về thủ tục đăng ký lại kết hôn, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:

  • Quy định của pháp luật về điều kiện đăng ký lại kết hôn;
  • Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký lại kết hôn;
  • Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn đạt kết quả tốt nhất.

1.1. Quy định của pháp luật về điều kiện đăng ký lại kết hôn

Điều kiện đăng ký lại kết hôn áp dụng trong trường hợp hai bên nam, nữ cùng cư trú trong nước, thực hiện tại UBND cấp xã được quy định tại Điều 24, Nghị định 123/2015/NĐ-CP đang có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, chi tiết như sau:


Điều 24. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử

1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.


Trường hợp đăng ký lại kết hôn áp dụng cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài hoặc người nước ngoài được quy định tại Điều 40, Nghị định 123 nêu trên, chi tiết như sau:


Điều 40. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử

1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của người nước ngoài đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

2. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người có yêu cầu còn sống tại thời điểm yêu cầu đăng ký lại.


Như vậy, điều kiện để đăng ký lại kết hôn sẽ gồm những yêu cầu sau:

– Việc đăng ký kết hôn trước đó được thực hiện trước ngày 01/01/2016;

– Vợ chồng đã làm mất Giấy chứng nhận kết hôn bản chính;

– Cơ quan đăng ký kết hôn trước đó không còn lưu giữ Sổ Hộ tịch;

– Nam, nữ phải còn sống tại thời điểm đăng ký lại kết hôn.

Vậy trường hợp nào thì cấp trích lục kết hôn?

Nếu đã đăng ký kết hôn mà mất Giấy chứng nhận kết hôn nhưng Sổ Hộ tịch gốc tại cơ quan có thẩm quyền còn lưu giữ thông tin về việc đăng ký kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không cho phép nam, nữ đăng ký lại kết hôn mà cấp trích lục kết hôn cho nam, nữ.

Giấy Trích lục kết hôn có giá trị sử dụng tương đương với Giấy chứng nhận kết hôn.

1.2. Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký lại kết hôn

Để có thể đăng ký lại kết hôn, cặp đôi sẽ phải thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại kết hôn;
  • Bước 2: Chuẩn bị giấy tờ cần thiết;
  • Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký lại kết hôn và nhận kết quả.

a) Xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại kết hôn

  • Trường hợp hai bên nam và nữ là người Việt cùng cư trú trong nước

Trong trường hợp này, thẩm quyền đăng ký lại kết hôn được quy định tại Khoản 1, Điều 25, Nghị định 123 nêu trên. Chi tiết như sau:


Điều 25. Thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn.


Đối chiếu với quy định nêu trên thì cơ quan đăng ký lại kết hôn được xác định như sau:

– UBND cấp xã, nơi đăng ký kết hôn trước đó;

– UBND cấp xã, nơi người yêu cầu thường trú.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu giữa UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn trước đó và nơi người yêu cầu đang thường trú không quá xa thì cặp đôi nên về UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn trước đó để đăng ký lại kết hôn. Bởi lẽ, cơ quan này sẽ dễ dàng kiểm tra, xác minh việc đăng ký kết hôn trước đó và người yêu cầu sẽ gặp thuận lợi khi đăng ký lại kết hôn.

Trường hợp giữa hai nơi cách xa, việc đi lại không thuận lợi thì người yêu cầu nên đăng ký lại kết hôn tại UBND nơi đang thường trú.

  • Trường hợp kết hôn với người Việt Nam định cư tại nước ngoài hoặc kết hôn với người nước ngoài

Trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại kết hôn được xác định theo quy định tại Điều 41, Nghị định 123 nêu trên. Chi tiết như sau:


Điều 41. Thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trước đây thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai t.

2. Trường hợp khai sinh, kết hôn, khai tử trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trên thực hiện.

3. Trường hợp khai sinh, kết hôn, khai tử trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp tnh hoặc Sở Tư pháp thì việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu thực hiện; nếu người đó không cư trú tại Việt Nam thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở hiện nay của Sở Tư pháp thực hiện.


Đối chiếu với quy định nêu trên, cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại kết hôn được xác định như sau:

– UBND cấp huyện nơi đăng ký kết hôn trước đó;

– UBND cấp huyện cấp trên của UBND cấp xã nơi đã thực hiện việc kết hôn trước đó;

– UBND nơi cư trú của người yêu cầu, nếu cơ quan đăng ký kết hôn trước đó là UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp; trường hợp người yêu cầu không cư trú tại Việt Nam thì đó là UBND cấp huyện nơi Sở Tư pháp có trụ sở.

b) Chuẩn bị giấy tờ cần thiết

Hồ sơ đăng ký lại kết hôn được quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 123 nêu trên, chi tiết như sau:


Điều 27. Thủ tục đăng ký lại kết hôn

1. Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.


Như vậy, hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:

– Giấy tờ tùy thân của vợ chồng;

– Tờ khai đăng ký lại kết hôn theo mẫu mới nhất (tải tại đây);

– Giấy tờ chứng minh việc kết hôn trước đây như: Bản sao giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của con, giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức…

Tờ khai đăng ký lại kết hôn | Thủ tục đăng ký lại kết hôn
Tờ khai đăng ký lại kết hôn | Thủ tục đăng ký lại kết hôn

c) Nộp hồ sơ đăng ký lại kết hôn và nhận kết quả

Khi đã có đủ giấy tờ nêu trên, người có yêu cầu đăng ký lại kết hôn sẽ tới cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ. Lưu ý, một trong hai bên có thể nộp hồ sơ mà không cần bên còn lại có mặt hoặc phải có văn bản ủy quyền.

Theo quy trình chung, công chức tư pháp hộ tịch sẽ tiếp nhận hồ sơ mà người yêu cầu nộp. Tiếp đó, công chức này sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu mọi giấy tờ đã đúng và đủ thì viết biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người yêu cầu.

Thời hạn giải quyết việc đăng ký lại kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần xác minh thì thời gian xác minh không quá 20 ngày, kể từ ngày gửi văn bản xác minh.

Tới lịch trả kết quả, hai bên nam và nữ cùng có mặt để ký nhận Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ hộ tịch.

Tới đây, toàn bộ quy trình của thủ tục đăng ký lại kết hôn.

2. Kết luận thủ tục đăng ký lại kết hôn

Như vậy, dựa trên các quy định của pháp luật thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một nội dung rất quan trọng mà trong đời sống hàng ngày hay gặp phải. Đó là, đăng ký lại kết hôn.

Khi người dân tham gia nhiều hơn vào các giao dịch dân sự thì nhu cầu đăng ký lại kết hôn cũng phát sinh. Đặc biệt, những cặp vợ chồng đã có tuổi mà đăng ký kết hôn trong giai đoạn trước đây thường không còn lưu giữ được Giấy chứng nhận kết hôn, đồng thời cơ quan đăng ký hộ tịch cũng không còn lưu giữ được Sổ Hộ tịch gốc.

Tuy nhiên, nếu không giữ được bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh đã đăng ký kết hôn thì việc đăng ký lại kết hôn không hề dễ dàng.

Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn đạt kết quả tốt nhất?

Để thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn đạt kết quả tốt nhất, các bạn cần làm những việc sau:

  • Tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký lại kết hôn;
  • Tham khảo kinh nghiệm từ những người đã hoàn tất thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn;
  • Sử dụng dịch vụ của đơn vị uy tín, nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian đi lại.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn.

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài