Thủ tục kết hôn với người Indonesia được pháp luật quy định như thế nào?
Thực tiễn cho thấy, số lượng người Việt kết hôn với người Indonesia là rất ít. Nếu so với kết hôn với người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan thì số lượng người Việt kết hôn với người Indonesia chỉ chiếm số lượng rất nhỏ.
Điều này được minh chứng rõ nét khi mặc dù Anzlaw là đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực tư vấn kết hôn với người nước ngoài nhưng tần suất nhận được đề nghị tư vấn kết hôn với người Indonesia cũng rất ít, chỉ tầm 20 hoặc 30 lượt/năm. Do quan hệ hôn nhân giữa người người Việt và người Indonesia hãn hữu như vậy nên thủ tục đăng ký kết hôn cũng ít có bạn chia sẻ. Vì vậy, việc tìm kiếm thông tin về giấy tờ mà nam, nữ cần chuẩn bị và cách thức để làm sao đăng ký kết hôn là việc không hề đơn giản.
Thấu hiểu những khó khăn này của các bạn nên Anzlaw muốn chia sẻ những gì chúng tôi hiểu biết về thủ tục kết hôn với người Indonesia.
1. Tư vấn thủ tục kết hôn với người Indonesia
Để tìm hiểu rõ hơn về thủ tục kết hôn với người Indonesia, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các nội dung sau:
- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn;
- Hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Quy trình thủ tục kết hôn với người Indonesia.
1.1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Indonesia
Trước khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký kết hôn thì chúng ta cùng tìm hiểu qua về cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Indonesia. Theo đó, cặp đôi nam và nữ người Việt và người Indonesia có thể lựa chọn đăng ký kết hôn tại một trong hai cơ quan sau:
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
- Cơ quan có thẩm quyền của Indonesia.
Thông thường, nếu đang cùng cư trú tại Việt Nam thì cặp đôi nên kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cung cư trú tại Indonesia thì nên kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Indonesia.
Nếu mỗi người cư trú tại một quốc gia thì tùy vào hoàn cảnh, mong muốn của cặp đôi mà các bạn lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho phù hợp.
Tới đây, các bạn đã biết về cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn để thực hiện thủ tục kết hôn với người Indonesia.
Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ chỉ trình bày về thủ tục kết hôn với người Indonesia tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam. Trường hợp kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Indonesia thì bạn vui lòng tìm tới sự trợ giúp của luật sư hành nghề tại Indonesia.
Thủ tục kết hôn với người Indonesia tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam có thể chia làm 02 công việc chính mà cặp đôi cần thực hiện, bao gồm: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
1.2. Chuẩn bị giấy tờ cần thiết – Thủ tục kết hôn với người Indonesia
Không phải chỉ khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thì công dân mới phải chuẩn bị giấy tờ cần thiết mà công dân sẽ phải làm điều này trước khi thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào.
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, chúng ta sẽ tìm hiểu ở 2 vấn đề, bao gồm:
- Quy định của pháp luật về hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, trong đó có người Indonesia;
- Kinh nghiệm thực tiễn chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn với người Indonesia.
a) Quy định của pháp luật về hồ sơ đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 10, Khoản 1, Điều 38, Luật Hộ tịch 2014 và Điều 30, Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài nói chung, trong đó có người Indonesia gồm có:
“Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
…
Điều 30. Hồ sơ đăng ký kết hôn
1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
Điều 10. Hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”
Tới đây, các bạn đã biết quy định của pháp luật về hồ sơ kết hôn trong thủ tục kết hôn với người Indonesia.
b) Kinh nghiệm thực tiễn chuẩn bị hồ sơ
dựa trên kinh nghiệm thực tiễn thì những giấy tờ sau là giấy tờ cần có khi kết hôn với người Indonesia:
-
Công dân Việt Nam cần chuẩn bị
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Việt là đang độc thân;
– Giấy tờ tùy thân còn thời hạn sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Giấy tờ nơi cư trú tại Việt Nam;
– Giấy khám sức khỏe kết hôn;
– Văn bản do cơ quan đang công tác cấp, cho phép kết hôn với người nước ngoài, áp dụng trong trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm việc trong lực lượng vũ trang;
– Tờ khai đăng ký kết hôn có dán ảnh người Việt và người Indonesia.
-
Người Indonesia cần chuẩn bị
– Hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Indonesia cấp, còn hạn sử dụng;
– Giấy tờ cho phép người Indonesia nhập cảnh và cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Indonesia là đang độc thân;
– Giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Indonesia cấp;
– Giấy tờ chứng minh địa chỉ cư trú tại Indonesia;
– Tờ khai đăng ký kết hôn có dán ảnh nam, nữ;
– Giấy khám sức khỏe kết hôn.
-
Một số vấn đề cần lưu ý
– Về giấy tờ chứng minh tình trạng độc thân
Pháp luật Việt Nam có quy định tình trạng hôn nhân chính là một trong những điều kiện kết hôn. Theo đó, tại thời điểm đăng ký kết hôn, nam nữ phải đang trong tình trạng độc thân.
Vì vậy, nếu đã từng kết hôn và quan hệ hôn nhân đã chấm dứt thì phải cung cấp giấy tờ chứng minh. Mỗi một quốc gia có thể có tên gọi khác nhau về các loại giấy tờ này nhưng nhìn chung đó là một trong những giấy tờ sau:
– Giấy tờ ly hôn, áp dụng trong trường hợp đã kết hôn và ly hôn;
– Giấy tờ chứng minh vợ/chồng đã chết, áp dụng trong trường hợp đã kết hôn và vợ/chồng đã chết.
-
Giấy khám sức khỏe kết hôn
Đây là nội dung tưởng chừng đơn giản nhưng cũng là vấn đề mà người Việt và người nước ngoài nói chung thường gặp vướng mắc. Bởi lẽ, các bạn băn khoăn không biết phải khám sức khỏe tại bệnh viện nào thì được chấp nhận.
Pháp luật không chỉ định cặp đôi phải khám tại một bệnh viện cụ thể nào. Chỉ cần cặp đôi khám tại tổ chức y tế có thẩm quyền và có kết luận về sức khỏe tâm thần khỏe mạnh là được chấp nhận để đăng ký kết hôn.
-
Tính hợp pháp và hợp lệ giấy tờ của người Indonesia
Giấy tờ của người Indonesia cần được chứng nhận lãnh sự bởi cơ quan có thẩm quyền của Indonesia và hợp pháp hóa lãnh sự bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi sử dụng tại Việt Nam cho mục đích đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, giấy tờ này cũng đòi hỏi phải đúng với biểu mẫu mà cơ quan có thẩm quyền của Indonesia công bố là giấy tờ dùng để kết hôn với người Việt tại Việt Nam.
Tới đây, các bạn đã biết chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn trong thủ tục kết hôn với người Indonesia.
1.3. Thực hiện thủ tục kết hôn với người Indonesia
a) Quy định của pháp luật
Quy trình thực hiện thủ tục kết hôn với người Indonesia được quy định tại Khoản 2, 3, 4, Điều 38, Luật Hộ tịch 2014 và các Điều 31, 32, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Chi tiết như sau:
Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
…
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
3. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
4. Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
…
Điều 31. Trình tự đăng ký kết hôn
Trình tự đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
2. Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định nàythì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
3. Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Điều 32. Tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
2. Việc trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 của Luật Hộ tịch.
Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày được ghi vào sổ và trao cho các bên theo quy định tại Khoản này.
3. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Tới đây, bạn đã biết quy định của pháp luật về quy trình đăng ký kết hôn của thủ tục kết hôn với người Indonesia.
b) Thực tiễn áp dụng
Bước này sẽ tương đối đơn giản cho người Việt và người Indonesia khi mà cả hai chỉ cần có mặt tại cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp huyện nơi người Việt đang cư trú để xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy tờ mà cả hai đã chuẩn bị.
Hiện nay hầu hết UBND cấp huyện ở mỗi địa phương đều đã có bộ phận tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả nên hai bạn sẽ tìm tới bộ phận này để thực hiện việc đăng ký kết hôn. Chuyên viên bộ phận tư pháp – hộ tịch sẽ là người kiểm tra giấy tờ tùy thân của cặp đôi và tiếp nhận giấy tờ mà cặp đôi nộp.
Nếu giấy tờ mà cặp đôi chuẩn bị đã chính xác thì cặp đôi sẽ nhận được Giấy chứng nhận kết hôn sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trường hợp có sai sót thì cặp đôi sẽ nhận được thông báo để hoàn thiện lại hồ sơ đăng ký kết hôn.
Tới lịch trả kết quả, cặp đôi cùng có mặt để ký và nhận Giấy chứng nhận kết hôn. Trước khi ký nhận giấy tờ này, cặp đôi cần đóng lệ phí đăng ký kết hôn. Mức thu lệ phí các địa phương là khác nhau và dao động từ 500.000 tới 2.000.000 VNĐ.
Tới đây, các bạn đã hoàn tất thủ tục kết hôn với người Indonesia.
2. Kết luận thủ tục kết hôn với người Indonesia
Như vậy, dựa trên các quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã giải đáp xong thủ tục kết hôn với người Indonesia tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam.
Giống như hầu hết các thủ tục hành chính khác thì khó khăn lớn nhất đối với cặp đôi khi đăng ký kết hôn với người Indonesia tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam vẫn là làm sao chuẩn bị cho đúng và đủ các giấy tờ cần thiết. Điều này không hề đơn giản khi mà phần lớn các bạn kết hôn với người Indonesia đều là lần đầu nên không thể có kinh nghiệm.
Giải pháp cho trường hợp các bạn không tự thực hiện được là nên tìm tới đơn vị uy tín đẻ được trợ giúp.
Rất mong được đồng hành cùng bạn!
Bạn vui lòng xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài