Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?
Nhiều năm trước đây, khi nói tới người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam thì đa số mọi người đều tỏ ra bỡ ngỡ. Bởi lẽ, khi đó đất nước chúng ta còn nghèo, đời sống người dân rất thấp nên gần như không có người nước ngoài nào mong muốn định cư lâu dài tại Việt Nam, chứ chưa nói tới việc nhập quốc tịch.
Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đáng sống. Làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đã kéo theo hàng ngàn người nước ngoài vào Việt Nam cư trú để lao động, học tập. Thậm chí, nhiều người nước ngoài còn được pháp luật Việt Nam cho hưởng quy chế thường trú. Và rất nhiều người trong số họ mong muốn có quốc tịch Việt Nam để được hưởng những đặc quyền mà pháp luật Việt Nam dành cho công dân của mình.
Ở góc độ khác, khi người nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam ngày một nhiều thì quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng trở lên phổ biến. Không ít người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam và đã định cư tại Việt Nam trong một khoảng thời gian dài, nay họ muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì thủ tục như thế nào?
1. Đề nghị tư vấn thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam
“Chào anh/chị Anzlaw!
Em kết hôn với chồng là người Hàn Quốc từ năm 2015. Sau khi kết hôn thì em và chồng sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tụi em đang ở một căn hộ chung cư ở Hồ Chí Minh.
Em thấy bảo người nước ngoài ở Việt Nam đủ 5 năm là được nhập quốc tịch. Vậy cho em hỏi chồng em có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam hay không và thủ tục như thế nào?
Em xin cảm ơn!“
2. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam
Bạn thân mến!
Lời đầu tiên xin cảm ơn bạn rất nhiều khi đã tin tưởng và gửi đề nghị cần tư vấn về cho Anzlaw.
Với đề nghị của bạn thì chúng tôi xin giải đáp như sau:
Để biết chồng bạn có đủ điều kiện nhập quốc tịch hay không và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam như thế nào thì phần nội dung dưới đây chúng tôi sẽ nêu ra những quy định mới nhất của pháp luật liên quan tới các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và thủ tục thực hiện. Việc của bạn là đối chiếu với trường hợp của chồng bạn và đưa ra kết luận phù hợp.
2.1. Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
a. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam
Đối chiếu với quy định của Bộ luật dân sự thì người nước ngoài được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi từ đủ 18 tuổi, đồng thời phải không mắc các bệnh về tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
b. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam
Việc tuân thủ hay không tuân thủ sẽ được chứng minh thông qua giấy tờ có tên gọi là Phiếu lý lịch tư pháp. Phiếu này sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp khi người nước ngoài có đề nghị.
Nội dung của Phiếu này sẽ ghi đầy đủ các thông tin về án tích của người nước ngoài trong thời gian họ cư trú tại Việt Nam.
c. Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam
Đa số người nước ngoài thường trú tại Việt Nam trong thời gian dài thì đều có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Việt nên điều kiện này không quá phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có người nước ngoài mặc dù đã định cư ở Việt Nam nhiều năm nhưng vẫn không thể giao tiếp được bằng tiếng Việt.
d. Có thời gian thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên
Bạn lưu ý rằng khoảng thời gian 5 năm này được tính từ ngày được cấp thẻ thường trú cho tới thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam chứ không phải tính từ thời điểm người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Do đó, muốn biết người nước ngoài đã thường trú đủ 05 năm tại Việt Nam hay chưa thì cần phải xem thời điểm họ được cấp thẻ thường trú, cũng như xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về thời gian họ sinh sống thực tế tại Việt Nam.
e. Có tài chính, thu nhập bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam
Quy định này mang tính định tính nên chỉ cần người nước ngoài có công việc mà có mức lương đảm bảo cho cuộc sống của họ và có nơi ở rõ ràng là đáp ứng đủ điều kiện này.
f. Đã thôi quốc tịch nước ngoài trước khi xin nhập quốc tịch Việt Nam
Ngoại lệ, một số trường hợp đặc biệt có thể không cần thôi quốc tịch Việt Nam. Đó là những trường hợp người nước ngoài có nhiều đóng góp xuất sắc cho đất nước Việt Nam.
g. Có tên gọi Việt Nam
Quy định này là rất rõ ràng và phù hợp bởi lẽ người nước ngoài muốn mang quốc tịch Việt Nam thì chắc chắn phải có tên gọi Việt Nam. Đây sẽ là tên trong giấy tờ mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép họ mang quốc tịch và tên gọi này sẽ được sử dụng gắn liền với người nước ngoài.
g. Việc nhập quốc tịch không làm phương hại tới lợi ích quốc gia Việt Nam
Lưu ý:
Những trường hợp dưới đây khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì không cần phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, thường trú tại Việt Nam 5 năm và có tài chính, thu nhập bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, nhìn chung điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam không quá khó khăn như khi xin nhập quốc tịch Anh, Mỹ… Nhưng việc người nước ngoài muốn có quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài lại khiến người xin quốc tịch Việt Nam phải lựa chọn. Và tất yếu, để có thể đưa ra quyết định cuối cùng là không hề dễ dàng.
2.2. Thứ hai, chuẩn bị hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
Một bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam sẽ bao gồm những loại giấy tờ sau:
1. Đơn thể hiện ý chí xin nhập quốc tịch Việt Nam;
2. Bản sao giấy tờ tùy thân;
3. Bản tự khai lý lịch;
4. Phiếu lý lịch tư pháp
Phiếu này sẽ do cả cơ quan của Việt Nam và cơ quan của quốc gia mà người đó có quốc tịch cấp. Cơ quan của Việt Nam xác nhận tiền án, tiền sự của người nước ngoài trong thời gian cư trú tại Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận trong thời gian người nước ngoài cư trú tại quốc gia họ.
Giấy tờ của nước ngoài muốn sử dụng tại Việt Nam phải được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự. Do đó, bạn nên tìm hiểu thêm về thủ tục này qua bài viết Chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là gì?.
5. Giấy tờ chứng minh khả năng giao tiếp tiếng Việt
Đây có thể là bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào có giá trị chứng minh người nước ngoài có khả năng giao tiếp tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài không cung cấp được giấy tờ thì sẽ tiến hành phỏng vấn bằng tiếng Việt để đánh giá trình độ giao tiếp tiếng Việt của họ.
6. Giấy tờ về việc đã thường trú ở Việt Nam
Thông thường, đây là giấy xác nhận cư trú của công an Việt Nam.
7. Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
Đây là các giấy tờ về công việc, thu nhập, tài chính, tài sản ở Việt Nam. Trong một số trường hợp, người nước ngoài có thể nhờ tới sự bảo lãnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Lưu ý:
Một số đối tượng được miễn một số điều kiện về nhập quốc tịch Việt Nam. Miễn điều kiện nào thì tương ứng không cần cung cấp giấy tờ chứng minh điều kiện đó.
2.3. Thứ ba, nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch
Khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nói trên, người xin nhập quốc tịch nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó đang cư trú. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy giấy tờ hợp lệ, chuyên viên của Sở Tư pháp sẽ lập phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Thời gian giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam thường kéo dài từ 4 cho tới 6 tháng. Thậm chí, nếu cần xác minh thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nữa.
Cuối cùng, bạn yên tâm học tập, công tác và chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho bạn.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn hoặc người thân xin nhập quốc tịch Việt Nam!
Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài