Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống được pháp luật quy định như thế nào?
Trước khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2016 thì thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài được thực hiện tại Sở Tư pháp cấp tỉnh, nơi người Việt cư trú. Quy trình thực hiện việc đăng ký kết hôn ở giai đoạn này cũng khá phức tạp, gây không ít khó khăn, vướng mắc cho cặp đôi.
Thế nhưng, kể từ khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực thi hành thì thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã được giao cho UBND cấp huyện nơi người Việt đang cư trú. Đồng thời, quy trình đăng ký kết hôn cũng giản lược và đơn giản hơn.
Với các trường hợp đăng ký kết hôn tại nơi đang thường trú thì có lẽ cặp đôi không gặp nhiều vướng mắc về thẩm quyền đăng ký kết hôn. Thế nhưng, nếu đăng ký kết hôn tại nơi đang tạm trú thì bắt đầu gặp vướng mắc khi có thể gặp phải tình trạng cán bộ tư pháp từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không có thường trú, tạm trú mà chỉ đang sinh sống thì có thể đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống được hay không?
1. Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống
Trong đời sống xã hội, có trường người dân sinh sống tại một địa phương, không phải nơi thường trú nhưng không đăng ký tạm trú.
Khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì chắc rằng đa số các bạn sẽ lựa chọn về nơi thường trú để đăng ký kết hôn hoặc nếu có đăng ký tạm trú thì các bạn có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú.
Vậy trong trường hợp công dân Việt Nam muốn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống thì có được không?
Để giải đáp vấn đề đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:
- Quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống;
- Thực tiễn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống.
1.1. Quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống
Khoản 1, Điều 37, Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:
Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Như vậy, trong trường hợp có nhu cầu đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì công dân sẽ tới UBND cấp huyện nơi đang cư trú.
Tiếp đó, khoản 4, Điều 5, Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Điều 5. Nguyên tắc đăng ký hộ tịch
…
4. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.
Đối chiếu với quy định nêu trên, có thể khẳng định CÓ THỂ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống. Sau khi thực hiện việc đăng ký kết hôn, UBND cấp xã nơi người Việt đang sinh sống có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp xã nơi người Việt thường trú để cập nhật thông tin vào sổ hộ tịch tại địa phương.
1.2. Thực tiễn áp dụng đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống
Thực tế, trong đời sống xã hội không ít trường hợp người Việt thường trú tại một địa phương nhưng lại đang sinh sống mà không đăng ký tạm trú tại một địa phương khác. Điều này cũng khá phổ biến ở những thành phố lớn như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy các quy định của pháp luật rất rõ ràng. Thế nhưng, trong thực tiễn áp dụng còn rất nhiều vấn đề khiến việc đăng ký kết hôn tại nơi đang sinh sống của công dân sẽ gặp nhiều khó khăn và gần như khó có thể thực hiện.
a) Cơ quan có thẩm quyền từ chối tiếp nhận và giải quyết
Khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống thì công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ yêu cầu các bạn cung cấp giấy tờ chứng minh đang sinh sống tại địa phương đó. Yêu cầu này là hoàn toàn chính đáng để xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống.
Ví dụ: Bạn đang sinh sống tại UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội thì khi đăng ký kết hôn tại UBND quận Cầu Giấy, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh đang sinh sống tại quận Cầu Giấy.
Trong thực tiễn, để có được giấy tờ chứng minh đang sinh sống tại địa phương là điều không dễ dàng.
Thậm chí, ngay cả việc đăng ký kết hôn tại nơi đang tạm trú còn có thể gặp trở ngại thì việc đăng ký kết hôn tại nơi đang sinh sống là việc cực kỳ khó khăn.
Hầu hết các địa phương nơi công dân đang sinh sống sẽ hướng dẫn công việc thực hiện việc kết hôn với người nước ngoài theo các cách sau:
- Đăng ký tạm trú tại địa phương nơi đang sinh sống và sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
- Tới UBND cấp huyện, nơi người Việt thường trú để thực hiện việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
b) Giấy tờ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống
So với trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi thường trú thì đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống không có sự khác biệt về giấy tờ cần chuẩn bị, ngoại trừ 03 vấn đề sau:
- Bổ sung giấy tờ chứng minh đang sinh sống tại nơi dự định đăng ký kết hôn;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người Việt phải ghi nơi dự định đăng ký kết hôn là nơi đang sinh sống;
- Tờ khai đăng ký kết hôn với người nước ngoài cần ghi địa chỉ thường trú và địa chỉ đang sinh sống.
Trong 3 vấn đề nêu trên thì bổ sung giấy tờ chứng minh đang sinh sống tại nơi dự định đăng ký kết hôn là điều khó khăn nhất.
Thông thường, giấy tờ này phải là giấy tờ do cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn nơi người Việt đang sinh sống cấp. Tuy nhiên, để có được xác nhận của cơ quan công an về việc đang sinh sống tại địa phương là điều không đơn giản. Nếu thực tiễn bạn đang sinh sống tại địa phương đó, cơ quan công an sẽ yêu cầu bạn thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú. Sau khi có kết quả đăng ký tạm trú thì bạn sẽ được cấp Giấy xác nhận tạm trú.
Lúc này, bạn sẽ chuyển từ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống sang đăng ký kết hôn tại nơi đang tạm trú.
2. Kết luận đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống
Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống.
Pháp luật đã có quy định rõ ràng công dân CÓ THỂ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống. Thế nhưng, trong thực tiễn thì việc đăng ký kết hôn này là cực kỳ khó thực hiện.
Kinh nghiệm cho thấy, tốt nhất là các bạn nên đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi thường trú. Nếu nơi tạm trú và thường trú cách xa nhau thì có thể lựa chọn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú. Trường hợp muốn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi đang sinh sống thì tốt nhất bạn nên đăng ký tạm trú và sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nơi tạm trú.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài và giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất