Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật

1
1413

Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật là nội dung mà hai bên nam, nữ thường hay quan tâm, tìm hiểu khi chuẩn bị cho việc đăng ký kết hôn. 

Trước khi có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn hay thậm chí trước khi có ý định tiến tới hôn nhân thì điều kiện kết hôn là nội dung mà bạn cũng cần quan tâm tìm hiểu. Bởi lẽ, chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn thì hai bên nam, nữ mới có thể xác lập được quan hệ vợ/chồng.

Điều kiện kết hôn được pháp luật Việt Nam quy định với nhiều kiểu quy phạm. Có những điều kiện là quy phạm cấm đoán và cũng có điều kiện là quy phạm bắt buộc. Tuy nhiên, khái quát lại, điều kiện kết hôn sẽ bao gồm các điều kiện sau:

  1. Điều kiện về độ tuổi kết hôn;
  2. Tình trạng hôn nhân;
  3. Ý chí tự nguyện;
  4. Mục đích kết hôn;
  5. Điều kiện về các trường hợp cấm kết hôn.

Nội dung dưới đây, Anzlaw sẽ phân tích chi tiết từng điều kiện kết hôn. Hi vọng, những thông tin này sẽ có ích cho các bạn.

1. Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật

1. Điều kiện về độ tuổi kết hôn

Độ tuổi kết hôn được Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định khá đầy đủ và chi tiết.

Theo đó, độ tuổi kết hôn với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên, với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên.

Vậy từ đủ được hiểu như thế nào?

Từ đủ được hiểu là phải đủ cả ngày, tháng và năm, hay nói nôm na là nam phải bước qua sinh nhật lần thứ 20 và nữ bước qua sinh nhật lần thứ 18.

Ví dụ: Nam giới sinh ngày 05/05/2001 thì phải tới ngày 05/05/2021 mới đủ 20 tuổi. Từ ngày 05/05/2021 trở về sau là từ đủ. Do đó, từ ngày 05/05/2021 là nam đã đạt độ tuổi kết hôn.

Vi phạm điều kiện về độ tuổi kết hôn gọi là tảo hôn. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Thực tế, ngày nay tình trạng tảo hôn chỉ còn diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi nhận thức của người dân còn hạn chế.

Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật
Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật

1.2. Tình trạng hôn nhân

Điều kiện về tình trạng hôn nhân được Luật Hôn nhân và gia đình quy định dưới dạng quy phạm cấm đoán. Theo đó, pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn khi một bên đã có vợ hoặc có chồng hoặc cả hai đã có vợ hoặc có chồng.

Quy định như vậy có vẻ khó hiểu nhưng nôm na là tại thời điểm đăng ký kết hôn, nam và nữ phải đang cùng độc thân. Nếu trước đó, một trong hai bên hoặc cả hai bên đã từng kết hôn thì quan hệ hôn nhân đó phải chấm dứt trước thời điểm đăng ký kết hôn.

Nếu đã từng kết hôn và ly hôn thì phải có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án. Trường hợp đã kết hôn và vợ/chồng đã chết thì cung cấp giấy chứng tử để chứng minh.

1.3. Điều kiện về ý chí tự nguyện

Điều kiện này cũng được Luật Hôn nhân và gia đình quy định dưới dạng quy phạm cấm đoán.

Pháp luật chỉ công nhận quan hệ hôn nhân được xác lập dựa trên tinh thần tự nguyện của cả nam và nữ. Cưỡng ép kết hôn là hành vị bị pháp luật nghiêm cấm.

Ý chí tự nguyện này được cụ thể hóa chính là tờ khai đăng ký kết hôn mà hai bên nam, nữ phải điền. Nếu là kết hôn với người nước ngoài thì ý chí tự nguyện còn được thể hiện thêm qua giấy khám sức khỏe tâm thần.

1.4. Mục đích kết hôn

Trong thực tiễn, có không ít cặp đôi lợi dụng việc kết hôn để được hưởng lợi từ những ưu đã mà pháp luật dành cho họ. Phổ biến nhất là kết hôn giả với người nước ngoài để xuất cảnh ra nước ngoài định cư hoặc để bảo lãnh người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng chỉ công nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân dựa trên tình yêu với mục đích xây dựng gia đình; tạo lập tài sản chung; hỗ trợ nhau cùng phát triển; sinh con và nuôi dạy con cái. Việc kết hôn ngoài mục đích nói trên và để nhằm hưởng lợi từ ưu đãi của pháp luật thì đều được coi là kết hôn giả tạo.

Kết hôn giả tạo cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

1.5. Cuối cùng, các trường hợp cấm kết hôn

Đây là những trường hợp kết hôn cận huyết hoặc giữa những người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc có yêu sách về của cải. Chi tiết như sau:

Cấm các hành vi sau:

  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
  • Yêu sách của cải trong kết hôn.

2. Kết luận điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật

Trên đây là các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch.

Về cơ bản, pháp luật của các nước cũng sẽ quy định điều kiện kết hôn tương tự Việt nam. Điểm khác biệt chủ yếu chỉ về độ tuổi kết hôn. Trong khi một số nước, độ tuổi kết hôn của nam nữ được rút ngắn như nam từ đủ 18, nữ từ đủ 16 thì Trung Quốc lại quy định nam phải từ đủ 22 tuổi và nữ từ đủ 20 tuổi.

Nếu có vướng mắc thì bạn vui lòng để lại tin nhắn bình luận cuối bài viết để được giải đáp!

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài