Được quyền thay đổi tên trong trường hợp nào?

0
4

Trường hợp nào được quyền thay đổi tên và thủ tục thay đổi tên như thế nào là nội dung mà nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Ngày nay, trẻ em sinh ra thường được cha mẹ chọn cho những cái tên rất hay. Thế nhưng, giai đoạn trước đây, theo phong tục để dễ nuôi con mọi người thường chọn cho chon những cái tên rất xấu. Do tên xấu nên tới lúc con cái đi học thường mặc cảm hoặc tự tin với bạn bè.

Ngoài ra, không ít trường hợp sau khi làm giấy khai sinh cho con thì mới phát hiện ra tên của con trùng với tên của người thân trong gia đình.

Vậy những trường hợp này có được đổi tên không và thủ tục đổi tên như thế nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và làm rõ những câu hỏi nêu trên.

Để giúp các bạn dễ hình dung và hiểu rõ hơn, chúng tôi xin trích dẫn câu hỏi từ một bạn gửi về cho công ty và trả lời câu hỏi đó như sau:

1. Câu hỏi được quyền thay đổi tên trong trường hợp nào

“Tôi là Phạm Thị Bé, ở Tiền Giang. Con gái tôi năm nay 18 tuổi và cháu có nguyện vọng đổi tên vì xấu.

Cháu có được đổi tên không và thủ tục, quy trình như nào? Sau khi đổi tên, cháu có đổi được tên trên chứng minh nhân dân, sổ học bạ cấp 3, bằng THPT không?”

2. Nội dung tư vấn

Thưa bà Phạm Thị Bé!

Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 đang có hiệu lực thi hành có quy định quyền thay đổi tên, trong đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

– Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

– Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về viêc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.

– Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.

– Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.

– Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.

– Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.

– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Theo quy định nêu trên, chỉ vì tên xấu, bản thân cháu không thích thì không được quyền thay đổi tên. Tuy nhiên, nếu của cháu tên xấu đó ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của của cháu thì tên xấu có thể được đổi sang tên khác.

Trong trường hợp này, cháu phải cung cấp giấy tờ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Thủ tục thay đổi tên

a) Cơ sở pháp lý

Căn cứ các quy định tại Điều 26, 45 và 46 Luật Hộ tịch 2014 đang có hiệu lực thi hành quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch và thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác nhận lại dân tộc thì: thay đôủ họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cư theo quy định của pháp luật dân sự; UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.

b) Trình tự thực hiện

– Người có yêu cầu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc.

– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai của giấy tờ trong hồ sơ.

c) Cách thức thực hiện

Người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện; có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả củ UBND cấp huyện có thẩm quyền.

Thành phần hồ sơ:

Giấy tờ phải xuất trình gồm:

– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký trong trường hợp cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Giấy tờ phải nộp gồm:

– Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu.

– Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người ủy quyền.

Thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 6 ngày làm việc.

4. Có được thay đổi các giấy tờ khác khi thay đổi tên không?

Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

“Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

  1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
  2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
  3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật hộ tịch, Giấy khai sinh được xem là giấy tờ hộ tịch gốc, mọi hồ sơ, giấy tờ có liên quan khác đều phải có nội dung phù hợp với Giấy khai sinh. Nếu các giấy tờ khác có thông tin khác với Giấy khai sinh thì phải liên hệ để điều chỉnh lại các giấy tờ đó cho phù hợp với Giấy khai sinh.

Đối chiếu với quy định nêu trên, chứng minh nhân dân, sổ học bạ cấp 3, bằng THPT sẽ được thay đổi để phù hợp với Giấy khai sinh của cháu sau khi đổi tên.

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài