Giấy chứng sinh bị sai phải làm gì?

0
324

Giấy chứng sinh bị sai phải làm gì là một trong những nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc khai sinh cho con đạt kết quả tốt nhất.

Đa số chúng ta đều biết, muốn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai sinh. Tiếp đó, người đi đăng ký khai sinh sẽ có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký khai sinh.

Trong thành phần hồ sơ đăng ký khai sinh thì Giấy chứng sinh là giấy tờ không thể thiếu. Giấy chứng sinh sẽ do tổ chức y tế có thẩm quyền, nơi trẻ được sinh ra cấp và theo biểu mẫu do Bộ Y tế ban hành. Nhân viên trong tổ chức y tế sẽ điền thông tin trong Giấy chứng sinh, xin dấu của tổ chức y tế và cuối cùng là trao cho mẹ hoặc người thân thích của trẻ.

Nếu giấy chứng sinh không có sai sót thì việc đăng ký khai sinh sẽ diễn ra thuận lợi. Thế nhưng, trong thực tế có không ít trường hợp Giấy chứng sinh có sai sót. Tất yếu, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối giải quyết việc đăng ký khai sinh nếu phát hiện thiếu sót trong giấy khai sinh

Vậy trong trường hợp Giấy chứng sinh bị sai phải làm gì?

Trong nội dung này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu toàn bộ những nội dung có liên quan tới giấy chứng sinh bị sai phải làm gì.

1. Giải đáp giấy chứng sinh bị sai phải làm gì

Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng về giấy chứng sinh bị sai phải làm gì, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:

  • Quy định của pháp luật về giấy chứng sinh;
  • Quy định của pháp luật về giấy chứng sinh bị sai phải làm gì;
  • Thực tiễn giấy chứng sinh bị sai phải làm gì.

Dựa trên kết quả tìm hiểu các nội dung trên, chúng ta sẽ có kết luận giấy chứng sinh bị sai phải làm gì.

1.1. Quy định của pháp luật về giấy chứng sinh

Thẩm quyền cấp, thủ tục cấp giấy chứng sinh được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BYT. Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng sinh được quy định như sau:


Điều 2. Thẩm quyền và thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng sinh

1. Thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng sinh

a) Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản – nhi;

b) Nhà hộ sinh;

c) Trạm y tế cấp xã;

d) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ


Còn thủ tục cấp Giấy chứng sinh được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư nêu trên và được sửa đổi bởi Thông tư 34/2015/TT-BYT như sau:


2. Thủ tục cấp Giấy chứng sinh

a) Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh tại Phụ lục 01 hoặc Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.


Như vậy, Giấy chứng sinh sẽ có 02 bản do cơ sở khám, chữa bệnh cấp. 01 bản được lưu tại cơ sở khám, chữa bệnh và 01 bản được giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ. Khi nhận Giấy chứng sinh, cha hoặc mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải kiểm tra lại thông tin trước khi ký nhận.

Tuy nhiên, thực tế người ký nhận Giấy chứng sinh thường không kiểm tra kỹ thông tin trong Giấy chứng sinh hoặc người nhận giấy chứng sinh là người thân thích của trẻ như ông bà nội hoặc ông bà ngoại nên cũng không nắm rõ thông tin để kiểm tra. Ngoài ra, có thể có những thiếu sót do cán bộ y tế điền sai thông tin trong Giấy chứng sinh.

Vì vậy, sai sót trong Giấy chứng sinh không phải hiếm gặp.

1.2. Giấy chứng sinh bị sai phải làm gì

Trường hợp Giấy chứng sinh bị sai thì bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ đề nghị tổ chức y tế đã cấp Giấy chứng sinh cấp lại Giấy chứng sinh, theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Thông tư 17/2012/TT-BYT nêu trên. Chi tiết như sau:


3. Thủ tục cấp lại Giấy chứng sinh

a) Trường hợp đã cấp Giấy chứng sinh mà phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh: bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh có nhầm lẫn để hủy, đơn và giấy tờ chứng minh được lưu cùng với bản lưu cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc.

Giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn: đối với trường hợp nhầm lẫn về họ tên mẹ hoặc người nuôi dưỡng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, dân tộc thì gửi kèm bản phô tô Giấy chứng minh nhân dân (mang theo bản chính để đối chiếu); đối với trường hợp nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú thì kèm theo xác nhận của Công an khu vực về nơi đăng ký tạm trú.


1.3. Thực tiễn giấy chứng sinh bị sai phải làm gì

Pháp luật quy định giấy chứng sinh bị sai phải làm gì thì chỉ cần làm thủ tục đề nghị tổ chức y tế nơi trẻ sinh ra cấp lại giấy chứng sinh.

Trong thực tiễn, các trường hợp mà trong hồ sơ lưu tại bệnh viện có lưu giữ giấy tờ tùy thân của người đi sinh thì việc cấp lại Giấy chứng sinh do nhầm lẫn, thiếu sót không có gì khó khăn.

Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp người nhà khi khai báo với bệnh viện nơi trẻ sinh ra thì hay khai báo theo tên thường gọi và tên thường gọi này lại không đúng với giấy tờ tùy thân của người đi sinh. Và nếu bệnh viện không lưu giữ giấy tờ tùy thân của người đi sinh thì việc cấp lại Giấy chứng sinh là cực kỳ khó khăn và gần như không thể thực hiện được.

2. Kết luận giấy chứng sinh bị sai phải làm gì

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung thường gặp khi làm thủ tục khai sinh cho trẻ em, đó là giấy chứng sinh bị sai phải làm gì.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp giấy chứng sinh bị sai thì cha hoặc mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm làm đơn đề nghị tổ chức y tế đã cấp giấy chứng sinh thực hiện cấp lại. Ngoài đơn đề nghị, cha hoặc mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải cung cấp thêm giấy tờ để chứng minh cho đề nghị cấp lại giấy chứng sinh do bị sai của mình là có cơ sở.

Trong thực tiễn, nếu hồ sơ sinh lưu tại bệnh viện hoặc tổ chức y tế nơi trẻ sinh ra có giấy tờ tùy thân của người sinh thì việc xin cấp lại Giấy chứng sinh không có gì vướng mắc. Thế nhưng, nếu hồ sơ lưu tại bệnh viện hoặc tổ chức y tế không có giấy tờ tùy thân của người đi sinh thì việc xin cấp lại Giấy chứng sinh là cực kỳ khó khăn và gần như không thể thực hiện.

Nếu không thể thực hiện được việc xin cấp lại giấy chứng sinh thì các bạn phải làm thủ tục nhận mẹ con. Thủ tục này trong thực tiễn cũng rất phức tạp.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục khai sinh cho trẻ.

Xem thêm: Khai sinh cho con có cha hoặc mẹ là người nước ngoài

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất