Nhận con ngoài giá thú

0
253

Nhận con ngoài giá thú như thế nào là một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Có con ngoài giá thú là thuật ngữ để chỉ việc một người có con với người khác mà không phải vợ chồng hợp pháp.

Mặc dù mọi người đều biết vợ chồng phải chung thủy, yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng, trong cuộc sống vợ chồng, có nhiếu vấn đề khiến cho việc ngoại tình có thể xảy ra. Có thể vợ chồng đã không còn tình cảm, sống ly thân và trong thời gian sống ly thân thì phát sinh tình cảm với người khác. Nhưng cũng có trường hợp tình cảm vợ chồng vẫn đang hạnh phúc thì người vợ hoặc người chồng lại ngoại tình với người khác.

Và đôi khi, hành vi ngoại tình có thể dẫn tới việc ra đời một đứa trẻ. Lúc này, sẽ làm phát sinh mong muốn nhận con ngoài giá thú.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

1. Nhận con ngoài giá thú

1.1. Phân biệt giữa con ngoài giá thú và con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân

Để hiểu rõ hơn về vấn đề nhận con ngoài giá thú, chúng ta cần phải phân biệt được đâu là có con ngoài giá thú và đâu là con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân. Bởi lẽ, pháp luật về hộ tịch sẽ quy định về việc nhận cha mẹ con trong những trường hợp này là khác nhau.

  • Có con ngoài giá thú

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa có con ngoài giá thú là gì. Từ điển tiếng Việt hiểu có con ngoài giá thú là việc một người có con với người khác mà người đó không phải là vợ hoặc chồng hợp pháp.

Như vậy, có con ngoài giá thú phải được hiểu là trường hợp một trong hai bên vi phạm chế độ một vợ một chồng và dẫn tới có con.

Đó có thể là một trong những trường hợp sau:

– Người mẹ sinh con đang độc thân nhưng người cha đang có vợ;

– Người cha đang độc thân nhưng người mẹ sinh con đang có chồng hợp pháp;

– Cả người cha và người mẹ đều đang có vợ hoặc chồng là người khác.

Trong trường hợp này, nếu muốn nhận con thì người cha hoặc người mẹ sẽ thực hiện việc nhận cha con. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà việc giải quyết nhận cha mẹ con sẽ theo thủ tục tố tụng tại Tòa án hay theo thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính cấp có thẩm quyền.

  • Con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân

Con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân là trường hợp vợ chồng có con trước khi đăng ký kết hôn.

Trường hợp này, pháp luật về hộ tịch không quy định phải thực hiện thủ tục nhận cha con. Thay vào đó, vợ chồng sẽ có văn bản thừa nhận đứa trẻ sinh ra trước thời kỳ hôn nhân là con chung và thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trường hợp, trước đó trẻ đã được đăng ký khai sinh và không xác định được cha thì sẽ làm thủ tục bổ sung thông tin hộ tịch, cụ thể hơn đó là bổ sung thông tin về người cha trong giấy khai sinh.

1.2. Quy định của pháp luật về nhận con ngoài giá thú

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nhận con ngoài giá thú được quy định là xác định cha, mẹ, con. Để có thể hiểu rõ hơn về việc nhận con ngoài giá thú, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở các một số vấn đề sau:

a) Thẩm quyền giải quyết nhận con ngoài giá thú

Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đang có hiệu lực thi hành quy định về cơ quan có thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ, con như sau:


Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.


Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận con ngoài giá thú được chia làm 02 trường hợp:

– Cơ quan đăng ký hộ tịch, nếu nhận con ngoài giá thú không có tranh chấp;

– Tòa án cấp có thẩm quyền nếu việc nhận con ngoài giá thú có tranh chấp.

Lúc này, đặt ra câu hỏi là thế nào là có tranh chấp khi nhận con ngoài giá thú và như thế nào thì không có tranh chấp?

Cơ quan có thẩm quyền nhận con ngoài giá thú
Cơ quan có thẩm quyền nhận con ngoài giá thú

  • Xác định tranh chấp về nhận con ngoài giá thú

Có tranh chấp về nhận con ngoài giá thú là một trong những trường hợp sau:

– Một trong những bên nhận cha, mẹ, con không đồng ý về việc nhận cha, mẹ, con hoặc mẹ không đồng ý cho cha nhận con hoặc cha không đồng ý cho mẹ nhận con.

Ví dụ:

Ông A nhận cháu C là con nhưng cháu C không đồng ý nhận ông A là cha;

Ông A nhận cháu C là con nhưng mẹ cháu C không đồng ý.

– Có căn cứ, có cơ sở hoặc suy đoán pháp lý rằng đứa trẻ được nhận không phải con của người có yêu cầu nhận cha, mẹ, con mà là con của người khác.

Ví dụ:

Ông A nhận cháu C là con nhưng cháu C lại do bà B sinh ra trong thời kỳ hôn nhân với ông D;

Ông A nhận cháu C là con nhưng cháu C lại do bà B sinh ra chưa đủ 300 ngày kể từ ngày ly hôn ông D.

  • Xác định thẩm quyền trong các trường hợp nhận con ngoài giá thú

– Người mẹ sinh con đang độc thân nhưng người cha đang có vợ

Đây là trường hợp được xác định không có tranh chấp khi nhận con ngoài giá thú. Cơ quan có thẩm quyền sẽ là cơ quan đăng ký hộ tịch cấp có thẩm quyền, được xác định như sau:

Nếu không có yếu tố nước ngoài thì là UBND cấp xã, nơi người nhận hoặc người được nhận đang cư trú. Trường hợp có yếu tố nước ngoài thì đó là UBND cấp huyện. Trường hợp các bên đang cư trú tại nước ngoài thì đó là cơ quan đại diện ngoại giao tại quốc gia mà các bên đang cư trú.

– Người cha đang độc thân nhưng người mẹ sinh con đang có chồng hợp pháp

Trường hợp này, con sinh ra được suy đoán là con của người chồng hợp pháp. Vì vậy, đây được xác định là trường hợp nhận con ngoài giá thú có tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án có thẩm quyền.

– Cả người cha và người mẹ đều đang có vợ hoặc chồng là người khác

Tương tự trường hợp nêu trên, trường hợp này cũng được xác định là có tranh chấp khi nhận con ngoài giá thú. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án có thẩm quyền.

b) Thủ tục nhận con ngoài giá thú

  • Thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch

Để nhận con ngoài giá thú trong trường hợp này, người nhận con sẽ thực hiện theo các bước sau:

– Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ cần thiết gồm:

+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con;

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con;

+ Giấy tờ tùy thân của người nhận cha, mẹ, con;

+ Giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân của người được nhận cha, mẹ, con nếu có.

– Bước 2: Nộp hồ sơ và nhận kết quả

Khi đã có đủ giấy tờ, người nhận cha, mẹ, con sẽ có mặt tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch đã nêu. Tại cơ quan này, người có yêu cầu sẽ xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp toàn bộ hồ sơ nhận cha, mẹ, con cho công chức tư pháp – hộ tịch.

Công chức sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ đúng, đủ thì tiếp nhận, ngược lại nếu có thiếu sót thì thông báo để công dân hoàn thiện lại. Trường hợp tiếp nhận thì viết phiếu biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

Tới ngày trả kết quả, người nhận và người được nhận cha, mẹ, con sẽ tới cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào Sổ hộ tịch gốc và nhận trích lục nhận cha mẹ, con.

Tới đây, việc nhận con ngoài giá thú trong trường hợp không có tranh chấp đã hoàn tất.

Tờ khai nhận con ngoài giá thú
Tờ khai nhận con ngoài giá thú

  • Thực hiện tại Tòa án

Nếu việc nhận con ngoài giá thú phải giải quyết tại Tòa án thì người có yêu cầu sẽ thực hiện các công việc sau:

– Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ khởi kiện xác định cha, mẹ, con gồm một số giấy tờ sau:

+ Đơn khởi kiện;

+ Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện;

+ Giấy xác nhận cư trú của người bị kiện;

+ Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con;

+ Giấy tờ tùy thân của người được nhận cha, mẹ, con nếu có;

+ Một số giấy tờ khác theo yêu cầu.

– Bước 2: Nộp đơn khởi kiện

Người có yêu cầu sẽ tới Tòa án có thẩm quyền để nộp đơn khởi kiện. Tòa án sẽ tiếp nhận đơn khởi kiện kèm các tài liệu, chứng cứ và xem xét về việc thụ lý đơn khởi kiện.

Nếu đủ điều kiện thụ lý, Tòa án sẽ thông báo để người khởi kiện nộp tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn, giảm án phí thì có đơn đề nghị miễn, giám án phí gưi cho Tòa án.

– Bước 3: Tòa án thu thập, tài liệu, chứng cứ

– Bước 4: Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

– Bước 5: Thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch bản án xác định cha, mẹ, con của Tòa án tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Tới đây, việc nhận con ngoài giá thú trong trường hợp có tranh chấp đã hoàn tất.

 2. Kết luận nhận con ngoài giá thú

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung cực kỳ quan trọng đó là nhận con ngoài giá thú.

Để có thể nhận con ngoài giá thú đạt được kết quả như mong muốn. Các bạn cần thực hiện một số công việc sau:

  • Xác định được trường hợp đó có hay không có tranh chấp;
  • Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết;
  • Thực hiện theo đúng trình tự nhận cha, mẹ, con.
  • Giải quyết những vấn đề phát sinh nếu có.

Việc nhận con ngoài giá thú không có tranh chấp thường khá đơn giản. Thế nhưng, nếu đó là nhận con có tranh chấp và phải giải quyết tại Tòa án thì thủ tục này lại không hề dễ dàng.

Nếu không am hiểu và không muốn phải đi lại nhiều lần thì tốt nhất các bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được trợ giúp. Tin rằng, với bề dầy nhiều năm kinh nghiệm thì chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ bạn nhận con ngoài giá thú đạt kết quả tốt nhất.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ hotline 0988 619 259.

Xem thêm: Thủ tục nhận cha, mẹ, con