Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài vẫn được đánh giá là một trong những thủ tục hành chính phức tạp.
Có thể nói, kết hôn với người nước ngoài rồi thông qua sự bảo lãnh của họ để ra nước ngoài định cư, tạo lập một cuộc sống tại nước ngoài là mong muốn của khá nhiều người. Để ra được nước ngoài định cư là quy trình kéo dài, gồm nhiều bước khác nhau. Một trong những bước được đánh giá là không thể thiếu và cũng là khó khăn nhất mà cặp đôi phải đối mặt đó chính là đăng ký kết hôn.
Khi nói tới thủ tục hành chính thì đa số mọi người đều có tâm lý băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, câu nói “hành là chính” chắc có lẽ đã quá quen thuộc với đại đa số người Việt Nam. Hình ảnh người cán bộ, công chức hách dịch, nhũng nhiễu, yêu cầu công dân cung cấp thêm giấy tờ mà pháp luật không quy định hoặc bắt bẻ khiến công dân phải đi lại nhiều lần đã khá phổ biến.
Thêm vào đó, tâm lý của mọi người thường nghĩ rằng lấy chồng ngoại quốc thường giàu có, nên khiến cho việc thực hiện các thủ tục hành chính lại càng khó khăn hơn nếu không có “bôi trơn”.
Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài và một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện trong thực tiễn.
1. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Để hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau:
- Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
- Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
- Ghi chú kết hôn với người nước ngoài;
- Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đạt kết quả tốt nhất.
1.1. Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Một điểm rất đặc trưng của thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài là cặp đôi không chỉ có thể đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Theo đó, cặp đôi có thể đăng ký kết hôn tại một trong những cơ quan sau:
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
- Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch, trừ trường hợp đăng ký kết hôn với người Đài Loan.
Do đó, cặp đôi cần phải tính toán xem trong điều kiện, hoàn cảnh của cặp đôi thì đăng ký kết hôn tại Việt Nam hay xin visa sang nước ngoài đăng ký kết hôn sẽ thuận lợi hơn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ khó dễ trong thủ tục đăng ký kết hôn của mỗi quốc gia và hoàn cảnh và mong muốn định cư sau kết hôn của từng cặp đôi.
Có những quốc gia thủ tục đăng ký kết hôn tương đối dễ thực hiện như Trung Quốc, Nhật Bản thì cặp đôi ưu tiên sẽ đăng ký kết hôn tại những quốc gia đó. Thế nhưng, cũng có những quốc gia mà chính sách visa rất khó khăn như Hoa Kỳ, Anh, Canada thì cặp đôi lại phải tính tới phương án đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Cơ quan có thẩm quyền đăng ký là UBND cấp huyện, nơi người Việt đang cư trú. Cư trú được hiểu có thể là nơi tạm trú hoặc thường trú. Nếu đăng ký tại nơi tạm trú thì phải có giấy tờ chứng minh tạm trú.
1.2. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
1.2.1. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
a) Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Toàn bộ thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài được quy định tại Điều 10, Điều 38, Luật Hộ tịch 2014, được hướng dẫn bởi các Điều 30, 31, 32, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Trong đó, Điều 10, Khoản 1, Điều 38 Luật Hộ tịch và Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn. Khoản 2, 3, 4, Điều 38 Luật Hộ tịch và các Điều 31, 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về quy trình thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Cụ thể như sau:
“Điều 10. Hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ của nước ngoài
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
…
Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
…
Điều 30. Hồ sơ đăng ký kết hôn
1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.”
…
Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn
…
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
3. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
4. Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
…
Điều 31. Trình tự đăng ký kết hôn
Trình tự đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
2. Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định nàythì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
3. Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Điều 32. Tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
2. Việc trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 của Luật Hộ tịch.
Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày được ghi vào sổ và trao cho các bên theo quy định tại Khoản này.
3. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.”
b) Thực tiễn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Quy định nêu trên là quy định chung, phạm vi dành cho cả cơ quan đăng ký kết hôn và người đi đăng ký kết hôn. Trong thực tế, các bạn chỉ cần quan tâm tới góc độ người đi đăng ký kết hôn.
Theo đó, các bạn sẽ chuẩn bị giấy tờ và thực hiện theo quy trình sau:
-
Giấy tờ cần chuẩn bị
– Giấy tờ tùy thân
Đó có thể là căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người Việt, còn người nước ngoài là hộ chiếu và visa cho phép cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú
Đây là giấy xác nhận cư trú của người Việt. Người nước ngoài là giấy tờ chứng minh địa chỉ đang cư trú tại nước ngoài.
– Giấy tờ chứng minh hiện tại đang độc thân
Giấy tờ này là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi công dân Việt Nam cư trú cấp, có nội dung chứng minh hiện tại người Việt đang độc thân và dùng để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.
Với người nước ngoài thì giấy tờ này có thể có tên gọi khác nhau theo mỗi quốc gia. Có thể là Giấy tuyên thệ độc thân như Anh, Mỹ, Canada, Giấy không cản trở kết hôn của Hàn Quốc và Bỉ.
– Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân trước đây đã chấm dứt
Trường hợp đã từng kết hôn thì người Việt còn cần phải có giấy tờ chứng minh quan hệ này đã chấm dứt hợp pháp, thông qua các loại giấy tờ sau: Bản án hoặc quyết định ly hôn đã có hiệu lực thi hành hoặc Giấy trích lục khai tử.
– Giấy khám sức khỏe kết hôn
Giấy tờ này phải do tổ chức y tế có thẩm quyền kết luận người được khám không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn tới mất năng lực hành vi dân sự.
Tương tự như người Việt, người nước ngoài cũng cần phải chuẩn bị các giấy tờ nêu trên.
Lưu ý:
– Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cần được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Chi tiết về chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự, mời bạn xem thêm: Thủ tục chứng nhận lãnh sự giấy tờ.
Ngoài ra, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài cần được dịch sang tiếng Việt, có công chứng/chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
-
Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Khi đã có hồ sơ trong tay, nam nữ sẽ tới Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính UBND cấp huyện, nơi cư trú để thực hiện việc đăng ký kết hôn.
Cặp đôi sẽ tìm tới cửa Tư pháp-hộ tịch, chờ tới lượt rồi xuất trình giấy tờ tùy thân. Tiếp theo đó, cặp đôi sẽ nộp toàn bộ những giấy tờ trong thành phần hồ sơ cho công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
Theo quy trình, công chức này sẽ có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ giấy tờ trong thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ đã đúng và đủ thì tiếp nhận hồ sơ, đồng thời trả công dân phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Ngược lại, nếu hồ sơ có thiếu sót thì sẽ thông báo cho công dân biết để hoàn thiện lại.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài là 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Tới lịch trả kết quả, nam nữ có mặt để cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ hộ tịch gốc để lưu tại Cơ quan đăng ký hộ tịch.
Tới đây, bạn đã biết về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.
1.2.2. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài
Mỗi một quốc gia lại có những quy định riêng về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài và có những đặc thù riêng khi chuẩn bị giấy tờ.
Ví dụ: Kết hôn tại Hàn Quốc thì người Việt phải có Giấy khám sức khỏe kết hôn về bệnh tâm thần, HIV, Giang mai và Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, kết hôn tại Trung Quốc và Nhật Bản thì không có yêu cầu này.
Kết hôn tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép kết hôn vắng mặt người Việt. Thế nhưng, nếu kết hôn tại Trung Quốc thì cả hai phải cùng có mặt.
Trong trường hợp lựa chọn kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch thì các bạn vui lòng thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
- Bước 2: Chuẩn bị giấy tờ theo đúng quy định của cơ quan đó;
- Bước 3: Thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo quy định được cơ quan đó quy định;
- Bước 4: Ghi chú kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Tới đây, bạn đã biết về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài.
1.3. Ghi chú kết hôn với người nước ngoài
Đây cũng là công việc quan trọng cần phải làm. Tuy nhiên, cũng không ít cặp đôi không biết để mà thực hiện.
Tại sao lại có thủ tục ghi chú kết hôn?
Bởi vì, quan hệ hôn nhân của người Việt và người nước ngoài là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Quan hệ này cần được cả Việt Nam và quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch công nhận và bảo vệ.
Thế nhưng, nếu chỉ đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc tại quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch thì quốc gia còn lại không biết tới quan hệ hôn nhân này. Do đó, cặp đôi sẽ phải thông báo tới cơ quan của quốc gia còn lại về việc đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài.
Việc thông báo này nôm na được hiểu là thủ tục ghi chú kết hôn.
Chi tiết về thủ tục này, mời bạn xem thêm: Thủ tục ghi chú kết hôn với người nước ngoài.
2. Làm gì để thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đạt kết quả tốt nhất
Như vậy, dựa trên kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế, chúng ta đã tìm hiểu về toàn bộ những vấn đề liên quan tới thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Từ cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn, giấy tờ cần chuẩn bị, thực hiện đăng ký kết hôn và cuối cùng là ghi chú kết hôn với người nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, cặp đôi có thể gặp phải một số khó khăn như:
- Chuẩn bị thiếu, sai giấy tờ trong thành phần hồ sơ đăng ký kết hôn;
- Giấy tờ của người nước ngoài chưa được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy tờ của người nước ngoài chưa được dịch sang tiếng Việt và công chứng/chứng thực bản dịch;
- Cán bộ, công chức gây khó khăn khi yêu cầu bổ sung giấy tờ mà pháp luật không quy định.
Làm gì để thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đạt kết quả tốt nhất?
Để thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đạt kết quả tốt nhất, các bạn cần làm tốt những công việc sau:
– Lựa chọn đúng cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn phù hợp;
– Chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ đăng ký kết hôn;
– Thực hiện đúng quy trình thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
– Tìm hiểu thêm khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị;
– Sử dụng dịch vụ của đơn vị uy tín, hỗ trợ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian đi lại.
Tin rằng, với bề dầy kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể hỗ trợ bạn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đạt kết quả tốt nhất, trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm: Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài