Đăng ký kết hôn với người đồng giới

0
196

Đăng ký kết hôn với người đồng giới được pháp luật quy định như thế nào?

Thời gian trước đây, nói tới người đồng giới thì xã hội có định kiến gay gắt về họ. Thế nhưng, qua tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phân biệt đối xử với người đồng giới thì xã hội đã có sự thay đổi cái nhìn về những người cùng giới.

Tuy chưa thể tiến bộ như một số quốc gia trên thế giới nhưng giờ đây mọi người đã không còn định kiến với người đồng giới. Chấp nhận họ là một phần của xã hội, đối xử tôn trọng với họ.

Cũng giống như những người khác, người đồng giới cũng có nhu cầu tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm bạn đời. Pháp luật một số quốc gia tiến bộ trên thế giới đã công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới.

Vậy còn Việt Nam thì sao?

Liệu rằng Việt Nam đã công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới chưa và nếu có thì người đồng giới cần làm gì để có thể đăng ký kết hôn?

1. Đăng ký kết hôn với người đồng giới

1.1. Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đang có hiệu lực thi hành quy định về hôn nhân giữa những người đồng giới như sau:


Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.


Như vậy, pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Do đó, cho dù các bạn đồng giới có kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài thì tại Việt Nam vẫn không được pháp luật công nhận.

Thêm vào đó, Khoản 5, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn như sau:


“Điều 12. Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

1. Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này.

2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 06 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước.

Ví dụ: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp ngày 03/02/2020 nhưng ngày 10/02/2020, người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã đăng ký kết hôn thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 10/02/2020.

3. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K, sinh năm 1962, công dân Việt Nam, Hộ chiếu số: B123456 do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp ngày 01/02/2020; tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Giấy này được cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh KIM JONG DOEK, sinh năm 1970, quốc tịch Hàn Quốc, Hộ chiếu số HQ12345 do cơ quan có thẩm quyền Hàn Quốc cấp ngày 02/02/2020; tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, tại Hàn Quốc.

4. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu.

Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.

5. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.”


Như vậy, trong trường hợp công dân xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính thì cơ quan có thẩm quyền từ chối giải quyết.

Do đó, người đồng giới sẽ không thể đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Thậm chí, nếu có muuốn đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì cũng không thể vì không xin được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

1.2. Giải pháp cho trường hợp hôn nhân đồng giới

Trong trường hợp này, giải pháp để các bạn có thể đăng ký kết hôn là thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, các bạn sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa, khi mà Luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, chưa ban hành.

Nếu Luật Chuyển đổi giới tính có giá trị thi hành thì khi chuyển đổi giới tính thành công, các bạn đồng giới có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn phù hợp với quy định của pháp luật và hôn nhân sẽ được pháp luật công nhận, bảo vệ.

2. Kết luận đăng ký kết hôn với người đồng giới

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu nội dung đăng ký kết hôn với người đồng giới.

Pháp luật Việt Nam không công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới. Vì vậy, các bạn đồng giới chưa thể đăng ký kết hôn. Tin rằng, trong tương lai không xa, khi Luật Chuyển đổi giới tính được ban hành và có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa để các bạn đồng giới có thể đăng ký kết hôn và được pháp luật bảo vệ quan hệ hôn nhân đó.

Rất mong được đồng hành cùng bạn!

Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài