Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

0
377

Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân như thế nào?

Theo nhận xét và đánh giá của đa số các bạn thì thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tương đối đơn giản.

Theo đó, các bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ gồm có tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy tờ ly hôn/trích lục khai tử nếu đã từng kết hôn rồi có mặt tại cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công của các địa phương.

Tối đa, không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày các bạn nộp hồ sơ và được tiếp nhận là các bạn sẽ có được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Thế nhưng, nếu các bạn đã từng thường trú tại nhiều địa phương, có thời gian cư trú tại nước ngoài hoặc đã từng xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì việc xin giấy tờ này lại không đơn giản. Theo đó, trong các trường hợp này các bạn sẽ phải chứng minh tình trạng hôn nhân. Nếu không chứng minh được tình trạng hôn nhân thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh.

Hết thời hạn xác minh thì người đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Vậy mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân như thế nào để được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận?

1. Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

Để hiểu rõ hơn về mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung chính sau:

  • Quy định của pháp luật về văn bản cam đoan tình trạng hôn nhân;
  • Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

1.1. Quy định của pháp luật về văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân được quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều  19, điểm b, Khoản 2, Điều 7, Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BNG-BTP và quy định tại Điều 4, Khoản 1, Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Chi tiết như sau:


“Điều 19. Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

….

2. Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp các giấy tờ sau:

c) Trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp thêm:

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú trước khi xuất cảnh cấp, nếu trước khi xuất cảnh công dân Việt Nam đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam; trường hợp trước khi xuất cảnh công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn, nhưng sau khi ra nước ngoài đã ly hôn hoặc người vợ, chồng kia đã chết thì thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 của Điều này.

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi công dân Việt Nam đã cư trú trước đây cấp nếu công dân Việt Nam đã từng cư trú ở nhiều nơi khác nhau. Trường hợp không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi cư trú trước đây thì phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã cam đoan.

..

Điều 7. Đăng ký kết hôn

2. Hai bên nam, nữ yêu cầu đăng ký kết hôn phải nộp giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định); hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;

b) Bên kết hôn là công dân Việt Nam, tùy từng trường hợp phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân sau đây:

– Trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại Việt Nam, trước khi xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi người đó thường trú trước khi xuất cảnh cấp.

– Trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau thì phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi đã cư trú cấp. Trường hợp không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đã cư trú trước đây thì người đó phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.

Nội dung cam đoan phải thể hiện rõ về thời gian, giấy tờ tùy thân, địa Điểm cư trú và tình trạng hôn nhân.

Ví dụ: Tôi tên là Nguyễn Văn A, mang hộ chiếu số………, hiện đang cư trú tại……………, cam đoan trong thời gian cư trú tại…………………, từ ngày…. đến ngày… và thời gian cư trú tại ………………, từ ngày…. đến ngày…, không đăng ký kết hôn với ai. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về nội dung cam đoan của mình.

“Điều 4. Giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch khi không nhận được kết quả xác minh

Trường hợp việc đăng ký hộ tịch cần xác minh theo quy định tại khoản 4 Điều 22, khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 9, khoản 1 Điều 12 Thông tư này, sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời, thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp tục giải quyết hồ sơ theo quy định. Đối với trường hợp xác minh về tình trạng hôn nhân thì cho phép người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.”

Điều 12. Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

1. Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này.

…”


Như vậy, văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân được lập khi công dân thực hiện thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong các trường hợp sau:

– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không xác minh được;

– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã xác minh nhưng không nhận được kết quả xác minh;

– Người đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài không thể xin được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú trước đây.

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân | Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân | Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

1.2. Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chưa công bố mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Chính vì vậy, người đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và cơ quan có thẩm quyền giải quyết cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được tùy nghi áp dụng. Có địa phương có thể có mẫu sẵn, công dân chỉ việc điền thông tin vào mẫu. Có địa phương thì không có mẫu và công dân phải tự hoàn thiện mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân. Cũng có trường hợp mẫu văn bản do công dân lập được chấp nhận tại địa phương này nhưng lại không được địa phương khác chấp nhận.

Kinh nghiệm cho thấy, một mẫu văn ban cam đoan về tình trạng hôn nhân sẽ có những thông tin cơ bản sau:

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

  • Tiêu đề: “MẪU VĂN BẢN CAM ĐOAN VỀ TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN”
  • Thông tin về cơ quan tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài

Ví dụ: Kính gửi UBND xã A, huyện X, tỉnh Y.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

  • Thông tin nhân thân của người cam đoan

Mục này, người cam đoan sẽ ghi thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh, giấy tờ tùy thân, nơi cư trú, số điện thoại liên hệ nếu có

Ví dụ: Tên tôi là: Nguyễn Văn A, sinh ngày 01/10/1992, giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân số 01xxxx, do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày 01/01/2021, cư trú tại Thôn B, xã A, huyện X, tỉnh Y.

  • Nội dung cam đoan

Người cam đoan sẽ trình bày rõ về sự việc và nội dung cam đoan, lý do cam đoan…

Ví dụ:

Ngày 7/11/2011, tôi được UBND xã ….., huyện……, tỉnh….. cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích để đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Trung Quốc).

Tuy nhiên, giữa tôi và người Trung Quốc nảy sinh mâu thuẫn nên chúng tôi quyết định không kết hôn. Do đó, tôi đã không sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp để đăng ký kết hôn như dự kiến ban đầu. Trong thời hạn sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tôi không xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Do không hiểu biết pháp luật nên tôi đã không nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho UBND xã Hiên Vân. Sau đó, tôi đã làm thất lạc giấy tờ nêu trên. Thất lạc khi nào và như thế nào thì tôi cũng không rõ.

Nay, tôi có ý định kết hôn với công dân Trung Quốc khác, không phải người tôi dự kiến kết hôn năm 2011, nhưng tôi không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà UBND xã ……. cấp năm 2011 để làm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Vì vậy, tôi lập văn bản này để cam đoan tôi chưa sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà UBND xã ……cấp cho tôi năm 2011 để đăng ký với bất kỳ ai, tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào.

  • Mục đích cam đoan

Để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND xã A, huyện X, tỉnh Y

Để đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

  • Cam đoan chịu trách nhiệm về nội dung
  • Địa danh, ngày tháng năm, ký tên, điểm chỉ (nếu có).

Các bạn có thể tham khảo mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân dưới đây.

Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân
Mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

2. Kết luận mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã cùng bạn tìm hiểu về mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Như đã trình bày ở phần đầu bài viết, mẫu văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân chỉ áp dụng đối với những trường hợp các bạn thường trú tại nhiều địa phương hoặc tại nước ngoài, đã được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng không sử dụng và cũng không nộp lại giấy tờ này. Các trường hợp này nếu không chứng minh được tình trạng hôn nhân và cơ quan có thẩm quyền đã xác minh nhưng không có kết quả hoặc không xác minh được thì công dân được làm văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.

Trong thực tế, không phải ai cũng biết về quy định nêu trên. Thậm chí, ngay cả công chức tư pháp – hộ tịch một số nơi cũng không nắm rõ.

Nếu gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì bạn có thể ủy quyền cho đơn vị uy tín để được hỗ trợ.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn!

Xem thêm: Ủy quyền xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài