Thủ tục đăng ký khai sinh

0
187

Thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định mới nhất của pháp luật như thế nào?

Trẻ em sinh ra cần được đăng ký khai sinh. Đó là quy định mà hầu hết mọi người đều biết. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ được sinh ra khỏe mạnh thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác của trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ. Trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài, thực hiện tại UBND cấp huyện hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam thì không áp dụng thời hạn 60 ngày.

Thông thường, nếu là thủ tục đăng ký khai sinh thực hiện tại UBND cấp xã đơn giản và người đi đăng ký khai sinh có thể nhận được Giấy khai sinh ngay trong ngày nộp hồ sơ, thậm chỉ nhiều địa phương chỉ cần chờ từ 15 tới 30 phút là có thể nhận được Giấy khai sinh cho trẻ.

Thế nhưng, nếu đó là thủ tục khai sinh cho yếu tố nước ngoài, thực hiện tại UBND cấp huyện hoặc cơ quan đại diên của Việt Nam thì lại có sự phức tạp nhất định.

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký khai sinh và kinh nghiệm thực tiễn.

1. Tư vấn thủ tục đăng ký khai sinh

Để hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký khai sinh, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung chính sau:

  • Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh;
  • Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký khai sinh tại từng cơ quan;
  • Thực tiễn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh;
  • Một số vướng mắc thường gặp khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh;
  • Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đạt kết quả tốt nhất.

1.1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh

Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh gồm có:

  • UBND cấp xã, nơi người cha hoặc người mẹ cư trú

Đối tượng áp dụng là:

– Công dân Việt Nam cư trú trong nước;

– Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam;

  • UBND cấp huyện, nơi người cha hoặc người mẹ cư trú

Đối tượng áp dụng là:

– Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

– Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

– Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam.

  • Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, nơi người cha hoặc người mẹ cư trú hoặc nơi trẻ sinh ra.

Đối tượng áp dụng là trẻ em được sinh ra tại nước ngoài.

Thủ tục đăng ký khai sinh | Ảnh minh họa
Thủ tục đăng ký khai sinh | Ảnh minh họa

1.2. Quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký khai sinh tại từng cơ quan

a) Thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã

Thủ tục đăng ký khai sinh được quy dịnh tại Điều 16, Luật Hộ tịch 2014, được hướng dẫn bởi Điều 15, 16, Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:


“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật nàyvào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

Điều 14. Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

2. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

3. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

Điều 16. Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

2. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.”


b) Thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện

Trong trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện, các bạn sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 36, Luật Hộ tịch 2014. Chi tiết như sau:


“Điều 36. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật nàycho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật nàyvào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.”


c) Thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài

Điều 6, Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BTP-BNG quy định về thủ tục đăng ký khai sinh thực hiện tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài như sau:


“Điều 6. Đăng ký khai sinh

1. Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cha hoặc mẹ của trẻ em cư trú hoặc nơi trẻ em sinh ra thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

b) Có mẹ là công dân Việt Nam, cha là người không quốc tịch hoặc chưa xác định được người cha;

c) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài, cha và mẹ có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi đăng ký khai sinh.

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ sau:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định);

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con.

c) Văn bản của cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài.

Trường hợp cha, mẹ không nộp hồ sơ trực tiếp thì chữ ký trên văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch phải được chứng thực hợp lệ.

d) Trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân.

3. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ lãnh sự có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu các thông tin trong hồ sơ; nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, cán bộ lãnh sự báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện xem xét, ký Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh; cán bộ lãnh sự ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh và cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ đăng ký khai sinh.

4. Trường hợp Cơ quan đại diện sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch có kết nối với hệ thống lấy số định danh cá nhân của Bộ Tư pháp thì thực hiện việc cập nhật thông tin đăng ký khai sinh vào hệ thống, lấy Số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.

5. Nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Điều 14 Luật hộ tịch, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Điều 21 Thông tư số 15/2015/TT-BTP và hướng dẫn dưới đây:

a) Trường hợp chưa xác định được cha của trẻ thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của người mẹ; phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống;

b) Trường hợp vào thời Điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì Cơ quan đại diện kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, con được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và Điều 9 của Thông tư này. Cơ quan đại diện cấp đồng thời Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con và Giấy khai sinh cho người yêu cầu;

c) Trường hợp họ, chữ đệm, tên của người cha hoặc người mẹ của trẻ là người nước ngoài mà không được viết dưới dạng chữ cái La-tinh thì ghi theo phiên âm La-tinh trong hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu của người đó;

Ví dụ: Chen Yung Yu; Han Ji Young;….

d) Tên địa danh, tên quốc gia nước ngoài được viết theo tên đã được Việt hóa (ví dụ: Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Bắc Kinh, Thượng Hải,….) nếu có tên Việt hóa; trường hợp không có tên Việt hóa thì viết theo phiên âm La-tinh (ví dụ: Osaka; Kyoto….);

đ) Trường hợp cha, mẹ chưa xác định được một số nội dung khai sinh (như dân tộc, quê quán) thì phần ghi tương ứng trong Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh để trống.”


Tờ khai đăng ký khai sinh | Thủ tục đăng ký khai sinh
Tờ khai đăng ký khai sinh | Thủ tục đăng ký khai sinh

1.3. Thực tiễn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh

Những quy định nêu trên là quy định chung mà đối tượng áp dụng là cả người đi đăng ký khai sinh và cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh.

Trong thực tiễn, người đi đăng ký khai sinh có thể không cần quan tâm tới quy trình của cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh mà chỉ cần quan tâm tới những công việc người đi đăng ký khai sinh cần phải làm.

Kinh nghiệm cho thấy, người đi đăng ký khai sinh sẽ phải làm 02 công việc sau:

– Chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai sinh;

– Thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh gồm có: Nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và nhận kết quả.

a) Chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai sinh

Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ gồm các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu mới nhất;

– Giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh;

– Giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người đi đăng ký khai sinh và người được khai sinh, nếu người đi đăng ký khai sinh không phải cha, mẹ của người được khai sinh;

– Giấy chứng sinh, nếu không có giấy chứng sinh thì có văn bản làm chứng của 02 người về sự kiện sinh;

– Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cha hoặc mẹ, nếu trẻ em sinh ra chưa xác định được cha hoặc mẹ;

– Giấy xác nhận cư trú hoặc cha hoặc mẹ trẻ, nếu khai sinh tại nơi đang tạm trú.

– Văn bản thừa nhận con chung, nếu con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân;

– Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch, nếu trẻ có cha hoặc mẹ hoặc cả hai cha mẹ là người nước ngoài.

b) Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh

Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh gồm 02 bước, bao gồm: Nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và nhận kết quả.

  • Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký khai sinh

Người đi đăng ký khai sinh mang theo toàn bộ giấy tờ đã chuẩn bị và bản chính giấy tờ tùy thân, tới cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh.

Tại đây, người đi đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp toàn bộ hồ sơ cho công chức tư pháp – hộ tịch. Theo quy định, công chức này sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ của người đi đăng ký khai sinh nộp. Nếu hồ sơ đúng, đủ thì thực hiện tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Ngược lại, nếu hồ sơ có thiếu sót thì hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh khắc phục và hoàn thiện lại hồ sơ.

Ngày nay, người đi đăng ký khai sinh cũng có thể nộp hồ sơ online thông qua cổng dịch vụ công của từng địa phương.

  • Bước 2: Nhận kết quả đăng ký khai sinh

Thời hạn giải quyết đăng ký khai sinh là ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ. Trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15h và không kịp giải quyết thì trả kết quả vào ngày làm việc tiếp theo.

Tới lịch trả kết quả, người đi đăng ký khai sinh sẽ có mặt để nhận Giấy khai sinh và ký tên vào Sổ hộ tịch gốc.

1.4. Một số vướng mắc thường gặp khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh

  • Trẻ sinh ra trong thời hạn 300 ngày, kể từ thời điểm người mẹ ly hôn

Trong trường hợp này, trẻ được xác định là có thai trong thời kỳ hôn nhân của người mẹ với người chồng trước. Do đó, trẻ được xác định là con của người chồng trước.

Đối với trường hợp này, Tòa án phải xác định cha, mẹ, con hoặc từ chối giải quyết xác định cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch mới thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh.

  • Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch nước ngoài cho trẻ

Đây là vướng mắc khá phổ biến của các bạn khi thực hiện khai sinh cho con với người nước ngoài. Bởi lẽ, theo quy định văn bản này phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận.

Tuy nhiên, trong thực tế mỗi một quốc gia lại có những quy định riêng về xác nhận văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch. Có thể có quốc tịch không xác nhận văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch. Có thể có những quốc gia lại công nhận luôn trẻ đã mang quốc tịch nước ngoài.

Thế nhưng, cán bộ tiếp nhận lại yêu cầu phải là văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch nước ngoài mà không chấp nhận các văn bản có nội dung về quốc tịch của trẻ.

Thủ tục đăng ký khai sinh | Ảnh minh họa
Thủ tục đăng ký khai sinh | Ảnh minh họa

2. Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đạt kết quả tốt nhất

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về một trong những nội dung quan trọng của đăng ký khai sinh. Đó là, thủ tục đăng ký khai sinh, bao gồm: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh, thủ tục đăng ký khai sinh tại từng cơ quan, thực tiễn thực hiện và những vướng mắc thường gặp.

Theo đánh giá và nhận xét của chúng tôi thì thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã tương đối giản đơn và cha, mẹ của trẻ ít khi gặp vướng mắc. Thế nhưng, nếu đó là thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài mà chọn quốc tịch nước ngoài cho trẻ thì lại rất phức tạp.

Làm gì để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đạt kết quả tốt nhất?

Để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đạt kết quả tốt nhất, các bạn nên làm tốt những việc sau:

– Tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật của Việt Nam và nước ngoài có liên quan về thủ tục đăng ký khai sinh;

– Tham khảo thông tin từ những người đi trước để biết về hồ sơ đăng ký khai sinh, quy trình thực hiện và vướng mắc phát sinh nếu có trong thực tiễn;

– Thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh theo đúng quy định của pháp luật;

– Ủy quyền cho đơn vị uy tín thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian đi lại.

Tin rằng, với bề dầy kinh nghiệm, cùng đội ngũ luật sư và chuyên viên chuyên nghiệp, chúng tôi đủ khả năng hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đạt kết quả tốt nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất

Mẫu văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất