Thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt có gì khác so với thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc hay không là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc kết hôn đạt kết quả tốt nhất.
Là quốc gia phát triển bậc nhất tại khu vực Châu Á nên dễ hiểu vì sao Hàn Quốc trở thành điểm đến lý tưởng để mọi người sinh sống và làm việc. Cách mà người Việt hay sử dụng để có thể làm việc tại Hàn Quốc là ký hợp đồng lao động với các công ty tại Hàn Quốc thông qua sự hỗ trợ của các công ty, trung tâm xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, những năm gần đây Hàn Quốc cũng đã hạn chế dần việc tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động tại Việt Nam.
Ngoài cách thức phổ biến nói trên thì một cách mà người Việt cũng hay lựa chọn đó là kết hôn với người Hàn rồi thông qua sự bảo lãnh của họ để có thể sang Hàn Quốc sinh sống và làm việc hợp pháp. Phụ nữ Việt thì thường kết hôn với đàn ông Hàn gốc Hàn nhưng nam giới Việt thì lại thường chỉ có thể kết hôn với phụ nữ Hàn nhưng gốc Việt.
Vậy câu hỏi đặt ra là thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt được pháp luật quy định như thế nào và có gì khác so với kết hôn với người Hàn gốc Hàn hay không?
Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt và những vấn đề cần lưu ý.
1. Tư vấn về thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt
Người Hàn gốc Việt mà chúng tôi nói tới ở đây chủ yếu là phụ nữ Việt đã có quan hệ hôn nhân với người Hàn gốc Hàn rồi có quốc tịch Hàn Quốc, sau đó đã ly hôn với người Hàn.
Về cơ bản thì thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt không có nhiều sự khác biệt so với kết hôn với người Hàn gốc Hàn. Để có thể kết hôn với người Hàn gốc Việt thì cặp đôi cũng thực hiện các công việc sau:
- Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn gốc Việt;
- Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết;
- Thực hiện việc đăng ký kết hôn;
- Ghi chú kết hôn;
- Bảo lãnh định cư.
a) Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn gốc Việt
So với kết hôn người Hàn gốc Hàn thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn không có gì khác biệt. Cặp đôi vẫn có thể đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc hoặc tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Trong đó, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam thường áp dụng cho trường hợp cặp đôi đang cùng cư trú tại Việt Nam. Nếu cặp đôi đang sinh sống tại Hàn Quốc hoặc mỗi người sinh sống tại một quốc gia thì nên kết hôn tại Hàn Quốc. Bởi lẽ, thủ tục kết hôn tại cơ quan này tương đối đơn giản và đặc biệt là có thể thực hiện vắng mặt người Việt.
Còn trong trường hợp mối quan hệ yêu đương của cặp đôi chưa rõ ràng thì nên kết hôn tại Việt Nam. Bởi lẽ, việc người Hàn gốc Việt về Việt Nam nhiều lần để thăm gia đình và đăng ký kết hôn với người Việt là tình tiết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn khi xin visa kết hôn Hàn Quốc.
b) Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Trường hợp kết hôn tại Hàn Quốc thì giấy tờ mà cặp đôi cần chuẩn bị không có gì khác biệt so với kết hôn với người Hàn gốc Hàn.
Người Việt cũng cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan tới nhân thân; tình trạng hôn nhân; sức khỏe kết hôn; giấy tờ chứng minh không có tiền án, tiền sự rồi gửi sang Hàn Quốc cho người Hàn gốc Việt khi đã dịch thuật và chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này.
Trường hợp kết hôn tại Việt Nam thì giấy tờ mà cặp đôi cần chuẩn bị có chút khác biệt. Theo đó, nếu người Hàn gốc Việt còn quốc tịch Việt Nam thì phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú tại Hàn Quốc do cơ quan có chức năng lãnh sự của Việt Nam tại Hàn Quốc cấp. Việc xin được giấy tờ này tương đối khó khăn chứ không hề đơn giản, nhất là khi mọi người đều biết tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến.
c) Thực hiện việc đăng ký kết hôn và ghi chú kết hôn
So với kết hôn với người Hàn gốc Hàn thì những công việc này không có gì khác biệt khi mà cặp đôi cũng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền, xuất trình giấy tờ tùy thân và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn. Sau khoảng thời gian 03 tuần thì cặp đôi sẽ nhận được kết quả đăng ký kết hôn và chuyển sang thực hiện ghi chú kết hôn.
Nếu kết hôn tại Việt Nam thì người Hàn sẽ ghi chú kết hôn tại Hàn Quốc. Ngược lại, nếu kết hôn tại Hàn Quốc thì người Việt sẽ thực hiện ghi chú kết hôn tại UBND cấp huyện, nơi mình đang cư trú.
Đây là nội dung mà chúng tôi đã có bài viết Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc hướng dẫn cặp đôi đăng ký kết hôn tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.
d) Bảo lãnh định cư
Đây là điểm đặc thù và cũng là khó khăn nhất mà người Việt sẽ phải vượt qua khi muốn định cư tại Hàn Quốc sau khi kết hôn với người Hàn gốc Việt.
Chắc chắn rằng hầu hết các bạn kết hôn với người Hàn gốc Việt sẽ đều mong muốn được định cư tại Hàn Quốc sau khi kết hôn. Nếu vậy, người Hàn gốc Việt sẽ đứng ra bảo lãnh cho người Việt bằng cách chuẩn bị một số giấy tờ rồi gửi về Việt Nam cho người Việt để người Việt nộp hồ sơ xin visa định cư (Visa F-6-1).
Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn những trường hợp nam giới người Việt kết hôn với người Hàn gốc Việt thì đều bị trượt khi xin visa định cư.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả bị trượt visa nhưng phần lớn do năng lực tài chính của người Hàn gốc Việt, cặp đôi không chứng minh được mối quan hệ yêu thương và quan điểm của cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc đối với những trường hợp nam giới Việt kết hôn với phụ nữ Hàn gốc Việt.
2. Những vấn đề cần lưu ý về thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt
Trong thực tiễn thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt, các bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Người Hàn gốc Việt không còn quốc tịch Việt Nam
Nếu người Hàn gốc Việt nhưng không còn quốc tịch Việt Nam thì các bạn sẽ thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt như trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc và theo quy trình đã nêu bên trên.
- Người Hàn gốc Việt còn quốc tịch Việt Nam
Nếu còn quốc tịch Việt Nam thì các bạn phải sẽ có những lưu ý khi thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt như sau:
– Giấy tờ độc thân của người Hàn gốc Việt
Theo đó, giấy tờ độc thân của người Hàn gốc Việt sẽ không chỉ cần giấy xác nhận không cản trở kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp mà cần có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Hàn Quốc cấp, xác nhận tình trạng hôn nhân của người đó là độc thân.
– Quốc tịch khi đăng ký kết hôn
Trường hợp người Hàn gốc Việt còn quốc tịch Việt Nam mà đăng ký kết hôn với người Việt thì chỉ được lựa chọn quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Đây là quy định của pháp luật về quốc tịch của Việt Nam khi quy định trong mối quan hệ với nhà nước Việt Nam thì chỉ chấp nhận quốc tịch Việt Nam với những người có từ 2 quốc tịch trở lên.
2. Kết luận về thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt
Như vậy, bằng kinh nghiệm thực tiễn hơn chục năm làm công tác tư vấn, hỗ trợ kết hôn với người Hàn Quốc thì chúng tôi đã chia sẻ với các bạn những thông tin cơ bản nhất về thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt.
Khó khăn nhất với những bạn thực hiện thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt không phải thủ tục đăng ký kết hôn mà chính là bảo lãnh định cư tại Hàn Quốc. Và như đã nói ở trên, phần lớn các trường hợp nam giới người Việt kết hôn với phụ nữ Hàn gốc Việt (tức phụ nữ Việt lấy chồng Hàn có quốc tịch Hàn và đã ly hôn người Hàn) thì đều bị trượt visa định cư.
Do đó, các bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có kết hôn với phụ nữ Hàn gốc Việt rồi thông qua sự bảo lãnh của họ để định cư tại Hàn Quốc hay không, đặc biệt là những bạn kết hôn qua môi giới. Bởi lẽ, nếu kết hôn rồi mà không thể sang Hàn Quốc định cư thì kế hoạch của các bạn thực sự đã bị đổ vỡ. Lúc này, giải quyết hậu quả sẽ cực kỳ khó khăn khi mà cả hai sẽ phải thực hiện thủ tục ly hôn mới có thể đăng ký kết hôn với người khác được.
Rất vui được tư vấn thủ tục kết hôn với người Hàn gốc Việt cho các bạn và cảm ơn bạn đã ghé thăm và kính chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc