Ủy quyền đăng ký kết hôn có được không là nội dung mà bạn có thể tìm hiểu nếu muốn ủy quyền đăng ký kết hôn.
Chắc hẳn nhiều người đều biết rằng để đăng ký kết hôn thì cặp đôi nam, nữ sẽ có mặt tại UBND để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn rồi ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Và như vậy là đã hoàn tất việc đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Đó là cách thức chung của việc đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp vì những lý do nhất định như bận công việc hoặc kết hôn với người nước ngoài mà người nước ngoài không sang được Việt Nam khiến cho một trong hai bên nam, nữ không thể có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Và lúc này, cặp đôi thường sẽ tính tới giải pháp ủy quyền đăng ký kết hôn.
Vậy câu hỏi đặt ra là theo quy định của pháp luật thì có thể ủy quyền đăng ký kết hôn được hay không?
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan tới nội dung ủy quyền đăng ký kết hôn có được không?
1. Giải đáp ủy quyền đăng ký kết hôn có được không?
Thủ tục đăng ký kết hôn có thể được chia làm các bước sau:
- Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật;
- Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền;
- Nhận kết quả đăng ký kết hôn.
Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ủy quyền đăng ký kết hôn có được không của từng nội dung nêu trên.
a) Ủy quyền chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn
Ở bước này thông thường mỗi bên nam, nữ phải tự chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như: Giấy tờ tùy thân; giấy xác nhận độc thận; giấy khám sức khỏe trường hợp kết hôn với người nước ngoài…
Nếu là kết hôn giữa công dân Việt Nam cùng cư trú trong nước thì ít khi đặt ra vấn đề ủy quyền để chuẩn bị giấy tờ bởi lẽ giấy tờ cần chuẩn bị tương đối đơn giản khi mà chỉ cần duy nhất Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân áp dụng cho trường hợp nam, nữ không cùng cư trú trong cùng địa bàn một xã. Hầu hết các bạn sẽ bớt chút thời gian để tới UBND cấp xã nơi đang cư trú để xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp không thể dành thời gian cho việc xin giấy tờ nêu trên thì có thể nhờ tới người thân trong gia đình mà không cần văn bản ủy quyền.
Tuy nhiên, nếu đó là kết hôn với người nước ngoài thì một số quốc gia cho phép người nước ngoài ủy quyền cho người Việt xin giấy tờ cho người nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ đăng ký kết hôn tại Việt Nam nên nếu có thể ủy quyền để người Việt chuẩn bị giấy tờ thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho cặp đôi.
b) Ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký kết hôn
Nếu là kết hôn giữa người Việt cùng cư trú trong nước thì hầu hết cặp đôi sẽ tranh thủ lựa chọn một ngày phù hợp rồi cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn mà ít khi ủy quyền nộp hồ sơ.
Thế nhưng, nếu đó là kết hôn với người nước ngoài mà người nước ngoài không thể thu xếp được thời gian, công việc để cùng người Việt có mặt tại cơ quan có thẩm quyền thì việc ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký kết hôn lại được cặp đôi quan tâm.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về nội dung này?
Khoản 3, Điều 2, Thông tư 15/2015/TT-BTP có quy định về vấn đề này như sau:
“Điều 2. Ủy quyền đăng ký hộ tịch
…
3. Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, một bên có yêu cầu có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.“
Như vậy, pháp luật hiện hành cho phép một trong hai bên nam, nữ có thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn vắng mặt bên còn lại mà không cần văn bản ủy quyền.
c) Nhận kết quả đăng ký kết hôn
Khoản 5, Điều 3 của Thông tư nêu trên quy định về nhận kết quả đăng ký kết hôn như sau:
“Điều 3. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký hộ tịch
…
5. Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt; khi trả kết quả đăng ký nhận cha, mẹ, con cả bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều phải có mặt.“
Như vậy, khi nhận kết quả đăng ký kết hôn thì bắt buộc cả hai bên nam và nữ phải có mặt nên sẽ không thể ủy quyền để đăng ký kết hôn.
Như vậy, tới đây bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi ủy quyền đăng ký kết hôn có được không.
2. Kết luận ủy quyền đăng ký kết hôn có được không
Từ những quy định của pháp luật nêu trên và qua sự diễn giải, phân tích của chúng tôi có thể kết luận KHÔNG THỂ ủy quyền đăng ký kết hôn.
Thực tiễn cho thấy thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam thường kéo dài nên người nước ngoài có thể sang được Việt Nam và ở lại trong một thời gian dài là điều khá khó khăn.
Vì vậy, cách tốt nhất để cặp đôi tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc chính là người nước ngoài ủy quyền cho người Việt chuẩn bị giấy tờ cần thiết rồi nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đang cư trú. Người nước ngoài sẽ chỉ cần có mặt tại Việt Nam một lần duy nhất vào lúc nhận kết quả đăng ký kết hôn.
Đây là cách thức mà chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều cặp đôi thành công.
Rất mong được đồng hành cùng bạn!
Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam