Kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc như thế nào?
Nhiều năm về trước, khi nói tới kết hôn với người nước ngoài thì phần lớn chúng ta nghĩ ngay tới kết hôn với người Đài Loan. Nhưng khi làn sóng đầu tư ồ ạt từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã kéo theo hàng ngàn người Hàn Quốc sang Việt Nam cư trú, tất yếu làm gia tăng quan hệ hôn nhân giữa người Việt và người Hàn.
Tuy nhiên, các thủ tục hành chính của Việt Nam thường rất phức tạp, đặc biệt là thủ tục có liên quan tới người nước ngoài, nổi bật trong số đó phải kể tới kết hôn với người Hàn. Không hiếm trường hợp hai bên nam, nữ tất bật ngược xuôi chuẩn bị giấy tờ, tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng vẫn không làm thế nào để đăng ký kết hôn.
Khi đó, họ tìm kiếm giải pháp đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền khác. Vậy câu hỏi đặt ra là, có đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam được hay không?
Đây cũng là nội dung đề nghị tư vấn mà chúng tôi nhận được từ một khách hàng.
1. Đề nghị tư vấn kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc
“Chào luật sư Anzlaw!
Tôi đang có vấn đề bức xúc cần Anzlaw hỗ trợ, vấn đề như sau:
Tôi năm nay 32 tuổi, có hộ khẩu tại Châu Thành, Đồng Nai nhưng tôi quen và yêu bạn trai người Hàn Quốc khi cùng làm cho công ty SamSung tại Bắc Ninh. Tôi và bạn trai đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để tới huyện Châu Thành đăng ký kết hôn. Tại đó, họ soi mói giấy tờ của tôi đủ thứ, nào là tên của chồng tôi không viết hoa, nơi khám sức khỏe không được… Tôi và bạn trai chạy đi, chạy lại không biết bao nhiêu lần mà không thể đăng ký kết hôn được, vì mỗi lần tới, họ lại nêu ra một lý do.
Do không thể đăng ký kết hôn trong Đồng Nai nên tôi chuyển khẩu ra Bắc Ninh, để kết hôn dễ hơn. Tuy nhiên, Bắc Ninh lại không đăng ký cho tôi mà bắt tôi về Đồng Nai. Tôi và bạn trai vô cùng chán nản. Tôi thấy mọi người bảo, chúng tôi có thể đăng ký kết hôn tại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Vì vậy, tôi gửi thư này mong Anzlaw tư vấn giúp tôi, tôi và bạn trai có thể đăng ký kết hôn tại đó không ạ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!”
2. Tư vấn kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc
Chị thân mến!
Trước hết, xin cảm ơn chị rất nhiều khi đã tin tưởng và lựa chọn Anzlaw làm đơn vị giải đáp vấn đề pháp lý mà chị đang vướng mắc. Đề nghị tư vấn của chị là lời động viên vô cùng ý nghĩa đối với Công ty chúng tôi.
Với đề nghị của chị, Anzlaw xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Vấn đề mà bạn gặp phải không phải là vấn đề của riêng chị mà là vấn đề của rất nhiều đôi nam, nữ Hàn-Việt.
Đúng là phần lớn thủ tục hành chính của Việt Nam có yếu tố nước ngoài thường rất phức tạp, đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc là một trong số đó. Ngoài nguyên nhân do thiếu sót giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì có có nguyên nhân do trình độ yếu kém và thái độ không chuẩn mực của cán bộ, công chức trong cơ quan đăng ký kết hôn.
Do đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể gặp những khó khăn nhất định nên nhiều cặp đôi người Hàn và người Việt tìm cách đăng ký kết hôn tại cơ quan khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là có thể đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc trong Hồ Chí Minh (sau đây xin được viết tắt là Sứ quán Hàn Quốc) được hay không?
2.1. Có đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc hay không?
a) Quy định của pháp luật về kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc
Khoản 5, Điều 12, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam kết hôn tại Sứ quán nước ngoài như sau:
Điều 12. Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:
1. Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này.
2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 06 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Ví dụ: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp ngày 03/02/2020 nhưng ngày 10/02/2020, người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã đăng ký kết hôn thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 10/02/2020.
3. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K, sinh năm 1962, công dân Việt Nam, Hộ chiếu số: B123456 do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp ngày 01/02/2020; tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Giấy này được cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh KIM JONG DOEK, sinh năm 1970, quốc tịch Hàn Quốc, Hộ chiếu số HQ12345 do cơ quan có thẩm quyền Hàn Quốc cấp ngày 02/02/2020; tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, tại Hàn Quốc.
4. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu.
Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.
5. Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp công dân đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ từ chối giải quyết.
Do đó, cặp đôi sẽ không thể thực hiện được thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc. Bởi lẽ, công dân Việt Nam không thể cung cấp được giấy tờ chứng minh đang độc thân, kể cả trong trường hợp pháp luật Hàn Quốc cho phép kết hôn tại sứ quán Hàn Quốc.
b) Thực tiễn kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc
Theo quy định, hiện nay Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam không có thẩm quyền đăng ký kết hôn mà chỉ có thẩm quyền ghi chú kết hôn và cấp giấy tờ độc thân cho công dân Hàn Quốc kết hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam.
Trong thực tiễn, rất nhiều bạn nhầm lẫn giữa đăng ký kết hôn và ghi chú kết hôn (khai báo kết hôn). Khai báo kết hôn là việc hai bên nam, nữ đã hoàn tất việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nhận được Giấy chứng nhận kết hôn rồi sau đó tới Sứ quán Hàn Quốc để thông báo về việc đã đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Hộ tịch của Sứ quán sẽ thực hiện thủ tục công nhận quan hệ hôn nhân của nam, nữ bằng cách nhập thông tin của người Việt vào thông tin của người Hàn với tư cách là vợ/chồng người Hàn.
Để hiểu đúng về bản chất của ghi chú kết hôn, mời chị tham khảo thêm bài viết về “Ghi chú kết hôn là gì?“
Đối chiếu với trường hợp của chị, chị và bạn trai người Hàn không thể đăng ký kết hôn tại Sứ quán Hàn Quốc.
Giải pháp cho trường hợp của chị là nên tìm tới đơn vị uy tín để được tư vấn, được hỗ trợ đăng ký kết hôn với bạn trai tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Sau đó, anh chị tiếp tục làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Sứ quán Hàn Quốc.
Tới đây, bạn đã được giải đáp kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc.
3. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc
Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc cùng kinh nghiệm thực tiễn thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc gồm có:
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
Bao gồm:
– UBND cấp huyện, nơi người Việt cư trú trong nước;
– Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hàn Quốc, nếu người Việt cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc;
- Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tại Hàn Quốc
Đây là cơ quan đăng ký hộ tịch của Hàn Quốc, tương đương với UBND cấp huyện của Việt Nam.
4. Kết luận kết hôn với người Hàn Quốc tại Sứ quán Hàn Quốc
Trên đây, dựa trên quy định của pháp luật hộ tịch và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nội dung kết hôn với người Hàn tại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Câu chuyện khách hàng ở trên là một trong vô số những câu chuyện về những khó khăn mà người đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc phải đối mặt. Bởi lẽ, thủ tục kết hôn với người nước ngoài vẫn được đánh giá là một trong những thủ tục hành chính phức tạp. Nếu không có sự tư vấn, hỗ trợ về giấy tờ, rất khó người đăng ký có thể tự thực hiện mà không gặp sai sót.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn hoàn tất việc đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc tại cơ quan có thẩm quyền phù hợp với hoàn cảnh của cặp đôi.
Xem thêm: Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc