Giấy tờ xin trở lại quốc tịch Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?
Kinh nghiệm cho thấy, vấn đề mà người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thường hay vướng mắc đó chính là việc xác định các trường hợp được trở lại quốc tịch và chuẩn bị giấy tờ. Trong đó, chuẩn bị giấy tờ là vấn đề cực kỳ quan trọng và cũng là nội dung khiến bạn phải tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc nhất.
Một bộ hồ sơ trở lại quốc tịch không có quá nhiều loại giấy tờ phải chuẩn bị. Tuy nhiên, ngoài giấy tờ do cơ quan của Việt Nam cấp còn đòi hỏi có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Thêm vào đó, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp lại phải chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật, công chứng mới có thể sử dụng tại Việt Nam.
Thủ tục chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự là thủ tục rất phức tạp cho những ai lần đầu thực hiện.
Vậy một bộ hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm những loại giấy tờ gì? Hãy cùng Anzlaw tìm hiểu pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về nội dung này.
1. Giấy tờ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Khi đã xác định có đủ căn cứ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho trở lại quốc tịch, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin trở lại quốc tịch bao gồm các loại giấy tờ sau:
1.1. Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Thông thường, đơn xin trở lại quốc tịch sẽ được cơ quan có thẩm quyền cung cấp khi bạn nộp hồ sơ. Việc còn lại của bạn là điền đầy đủ thông tin vào trong đơn.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể lên trên mạng, truy cập vào trang website của cơ quan quản lý nhà nước về quốc tịch để tải mẫu đơn.
1.2. Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế
Đây là giấy tờ nhân thân hiện tại của bạn chứ không phải những giấy tờ do cơ quan của Việt Nam trước đây cấp cho bạn.
Thông thường, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người đang có quốc tịch nước ngoài hoặc đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không được. Do đó, bạn sẽ phải cung cấp giấy tờ tùy thân là một trong những giấy tờ nói trên để họ có căn cứ xác định nhân thân và giải quyết yêu cầu trở lại quốc tịch của bạn.
1.3. Bản khai lý lịch
Đối với giấy tờ này, bạn cần khai toàn bộ quá trình bạn sinh sống, làm việc, học tập, kể từ thời điểm bạn sinh ra cho tới hiện tại. Bản khai càng chi tiết thì càng dễ dàng cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra.
1.4. Phiếu lý lịch tư pháp – Giấy tờ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Bạn sẽ phải cung cấp hai loại Phiếu lý lịch tư pháp. Một là, phiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian bạn cư trú ở Việt Nam. Hai là, Phiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian bạn cư trú ở nước ngoài.
Ngoài ra, đòi hỏi phiếu lý lịch tư pháp phải được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
1.5. Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam
Đây là một trong những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho bạn trước đây chứng minh bạn là công dân Việt Nam. Đó có thể à bất kỳ loại giấy tờ nào miễn sao có giá trị chứng minh. Giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, bằng cấp… đều có thể là căn cứ chứng minh bạn từng có quốc tịch Việt Nam.
1.6. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam
Giấy tờ này là giấy tờ chứng minh căn cứ trở lại quốc tịch Việt Nam. Có 06 căn cứ cho trở lại quốc tịch Việt Nam. Bao gồm:
1. Xin hồi hương về Việt Nam
2. Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam
3. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
4. Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
5. Thực hiện đầu tư tại Việt Nam
6. Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài
Tùy hoàn cảnh của bạn là trường hơp nào mà bạn cần chuẩn bị giấy tờ sao cho phù hợp. Nếu là hồi hương thì bạn cung cấp giấy tờ chứng minh mục đích hồi hương như hợp đồng lao động, thuê hoặc mua nhà. Nếu để đầu tư tại Việt Nam thì bạn cung cấp giấy chứng nhận đầu tư…
2. Nhận xét giấy tờ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Như vậy, Anzlaw đã hướng dẫn bạn chuẩn bị giấy tờ cần thiết để xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy, khó khăn nhất khi xin trở lại quốc tịch vẫn là chuẩn bị hồ sơ. Nếu không am hiểu, rất khó người xin trở lại quốc tịch có thể thực hiện mà không gặp vướng mắc. Tốt nhất bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được trợ giúp nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn chuẩn bị hồ sơ để xin trở lại quốc tịch Việt Nam!
Vui lòng xem thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài