Phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

0
720

Phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào và có lưu ý gì không?

Chắc chắn rằng, khi bắt đầu có ý định kết hôn với người nước ngoài thì các bạn sẽ phải tìm hiểu khá nhiều nội dung trước khi bắt tay vào thực hiện. Một loạt các câu hỏi sẽ được các bạn đặt ra và tìm câu trả lời. Có thể kể tới như: Đăng ký kết hôn tại cơ quan nào? Hồ sơ gồm những giấy tờ ra sao? Bao nhiêu lâu thì có được kết quả đăng ký kết hôn?…

Trong thực tế, có một nội dung nữa cũng được khá nhiều bạn quan tâm và tìm hiểu đó là phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

Đây cũng là điều lo lắng của khá nhiều bạn, đặc biệt với những bạn có thời gian tìm hiểu người nước ngoài chưa đủ lâu, giữa nam và nữ chưa thể giao tiếp bằng ngôn ngữ chung một cách thuần thục.

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài có phải quy trình bắt buộc không, nếu có thì phỏng vấn những nội dung gì và nam nữ cần chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn kết hôn.

1. Phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

Khi tìm hiểu về kết hôn với người nước ngoài, nhiều bạn sẽ thấy có nội dung phỏng vấn kết hôn, thậm chí không ít bạn đã từng tham gia phỏng vấn kết hôn.

Để hiểu rõ về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung chính sau:

  • Quy định của pháp luật về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài;
  • Sự khác nhau giữa phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài và xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn;
  • Nội dung của xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài;
  • Làm gì khi nhận được thông báo xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Sau khi tìm hiểu những nội dung nêu trên, chúng ta sẽ xem xét, đánh giá và kết luận về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

Phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài | ảnh minh họa
Phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài | ảnh minh họa

1.1. Quy định của pháp luật về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

Điều 31 và Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/11/2015 đang có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2016 quy định về trình tự để cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài như sau:


Điều 31. Trình tự đăng ký kết hôn

Trình tự đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.

2. Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

3. Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.

Điều 32. Tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

2. Việc trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 của Luật Hộ tịch.

Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày được ghi vào sổ và trao cho các bên theo quy định tại Khoản này.

3. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.

Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.”


Tiếp đó, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/05/2020 hướng dẫn xác minh trong thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài như sau:


Điều 11. Việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc xác minh trong thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP được thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của bên nam, bên nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp phối hợp với cơ quan có liên quan xác minh làm rõ.

Trong quá trình thẩm tra, xác minh hồ sơ, nếu thấy cần thiết, Phòng Tư pháp làm việc trực tiếp với các bên để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn.


Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện nay thì KHÔNG CÓ quy trình phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài mà chỉ có quy trình thẩm tra, xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn, khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký kết hôn cho người Việt Nam và người nước ngoài.

Tới đây, các bạn đã biết quy định của pháp luật về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

1.2. Sự khác nhau giữa xác minh và phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

Nếu hiểu đúng về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài được đa số các quốc gia thực hiện thì quy trình này sẽ gồm các bước cơ bản sau:

  • Bước 1: Nam nữ nộp hồ sơ để đặt lịch hẹn phỏng vấn;
  • Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành phỏng vấn kết hôn đối với nam, nữ;
  • Bước 3: Thông báo kết quả phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

So với quy trình phỏng vấn kết hôn nêu trên thì quy trình xác minh hồ sơ kết hôn có sự khác biệt ở một số điểm sau:

  • Thứ nhất, xác minh không phải quy trình bắt buộc khi đăng ký kết hôn

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền chỉ thực hiện việc xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn khi có khiếu nại, tố cáo về điều kiện kết hôn của nam, nữ và xét thấy cần thiết phải xác minh về nhân thân của nam, nữ cũng như những thông tin trong thành phố hồ sơ.

Trong trường hợp phải xác minh thì Phòng Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để tiến hành xác minh. Chỉ được mời nam, nữ lên làm việc khi phối hợp với các cơ quan khác xác minh không đạt kết quả.

Trong thực tiễn, nếu hồ sơ đăng ký kết hôn của nam và nữ đúng, đủ thì hầu hết các địa phương đều không thực hiện việc xác minh. Tuy nhiên, cũng có những địa phương coi việc xác minh như là quy trình bắt buộc trong thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

  • Thứ hai, nội dung xác minh khác phỏng vấn kết hôn

Khi tiến hành phỏng vấn kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền sẽ hỏi cặp đôi về rất nhiều nội dung nhưng chủ yếu hỏi về mối quan hệ của hai bên nam, nữ. Từ thời điểm quen nhau tới diễn biến tình cảm, kết quả của sự tìm hiểu lẫn nhau. Mục đích của phỏng vấn chủ yếu để xác định và loại bỏ các trường hợp kết hôn giả tạo.

Trong khi đó quy trình xác minh lại tập trung xác minh về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn của nam, nữ.

So với quy trình xác minh thì phạm vi phỏng vấn kết hôn rộng hơn và chi tiết hơn.

Như vậy, các bạn đã biết sự khác nhau giữa xác minh và phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.


Thông báo phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài
Thông báo phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

1.3. Xác minh hồ sơ kết hôn gồm những nội dung gì?

Theo quy định nêu trên thì khi xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn sẽ gồm các nội dung sau:

  • Điều kiện kết hôn của nam, nữ theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật mà người nước ngoài có quốc tịch;

Ví dụ: Nam, nữ đã đủ độ tuổi kết hôn hay chưa? Có nằm trong những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật hay không? Việc kết hôn có phải là sự tự nguyện hay bị đe đọa, cưỡng ép…

Chi tiết về điều kiện kết hôn với người nước ngoài, mời bạn xem thêm: Điều kiện kết hôn với người nước ngoài.

  • Nhân thân của nam, nữ

Phần này, cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra về nhân thân của nam và nữ khi phát hiện ra những vấn đề trong các giấy tờ nhân thân của nam và nữ.

Ví dụ: Căn cước công dân và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đồng nhất họ và tên.

  • Nội dung, hình thức của giấy tờ trong thành phần hồ sơ

Ví dụ: Giữa các giấy tờ có sự mâu thuẫn, không đồng nhất. Có giấy tờ không bảo đảm về mặt hình thức như chưa được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự hoặc không đúng biểu mẫu do cơ quan có thẩm quyền công bố.

  • Mục đích kết hôn

Nam, nữ có phải kết hôn xuất phát từ tình yêu nam, nữ và mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con, tạo lập tài sản chung hay lợi dụng việc kết hôn để được hưởng chính sách pháp luật.

Thông thường, việc xác định mục đích kết hôn của nam và nữ người Việt, người nước ngoài không dễ dàng. Bởi việc kết hôn là quyền nhân thân của mỗi cá nhân và cơ quan nhà nước phải tôn trọng. Thậm chí, kể cả trong trường hợp có dấu hiệu của việc kết hôn giả nhưng không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh thì cơ quan có thẩm quyền cũng không đủ cơ sở để kết luận kết hôn giả mà vẫn phải giải quyết đăng ký kết hôn cho cặp đôi.

Như vậy, các bạn đã biết những nội dung khi xác minh, một trong những nội dung liên quan tới phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

1.4. Nam, nữ cần làm gì khi xác minh hồ sơ kết hôn?

Mặc dù, xác minh hồ sơ kết hôn không phải quy trình bắt buộc nhưng nhiều địa phương vẫn tiến hành việc mời nam, nữ lên để làm việc xác minh. Nếu có nhận được thông báo lên làm việc thì nam, nữ cũng không cần phải quá lo lắng về việc này.

Thực tế, phiên làm việc xác minh này diễn ra cũng khá đơn giản. Cán bộ, công chức tư pháp sẽ đặt câu hỏi hoặc đề nghị nam, nữ trình bày một số vấn đề cần làm rõ. Nội dung sẽ chỉ xoay quanh vấn đề nam, nữ quen biết và tìm hiểu nhau như thế nào. Trong trường hợp thực sự yêu nhau và mong muốn tiến tới hôn nhân thì nam, nữ sẽ dễ dàng trả lời những câu hỏi nêu trên mà không gặp phải trở ngại gì.

Kinh nghiệm là các bạn sẽ trả lời đúng sự thật về mối quan hệ của mình và chỉ trình bày đúng trọng tâm câu hỏi hoặc đề nghị. Cái gì không biết không rõ thì nói rõ là không biết, không rõ.

Như vậy, tới đây bạn đã biết những nội dung sẽ xác minh khi kết hôn với người nước ngoài. Một trong nhưng nội dung của phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

2. Kết luận phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài

Dựa trên các quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tế thì chúng ta đã cùng giải đáp về phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

Như vậy, pháp luật hiện nay chỉ quy định về quy trình xác minh hồ sơ khi giải quyết việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài mà không có quy trình phỏng vấn kết hôn.

Mặc dù xác minh hồ sơ kết hôn không phải quy trình bắt buộc và thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã có thể được nộp và giải quyết thông qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc các địa phương. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng có địa phương coi quy trình này là bắt buộc. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, trong đó có thể có cả lý do là sự nhũng nhiễu của nền hành chính công.

Nếu rơi vào trường hợp được mời lên xác minh hồ sơ thì các bạn cũng không cần phải quá lo lắng và kinh nghiệm là nên trả lời đúng sự thật và đúng trọng tâm.

Rất mong được hỗ trợ bạn vượt qua phỏng vấn kết hôn với người nước ngoài.

Bạn nên tìm hiểu thêm: Hướng dẫn đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài mới nhất