Thủ tục đề nghị cấp miễn thị thực là nội dung mà bạn nên quan tâm, tìm hiểu trước khi bắt tay chuẩn bị giấy tờ cần thiết.
Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều đề nghị tư vấn thủ tục xin miễn thị thực. Đây là thủ tục không khó, nhưng lại có khá nhiều bạn mơ hồ về thủ tục này. Chính vì lý do đó nên chúng tôi muốn giới thiệu tới các bạn bài viết này. Bài viết sẽ giải đáp toàn bộ những nội dung có liên quan tới thủ tục miễn thị thực.
Miễn thị thực là một trong những ưu đãi của Nhà nước Việt Nam đối với người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam, bao gồm: Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của công dân Việt Nam.
Và để có thể được hưởng ưu đãi này, người nước ngoài sẽ cần phải thực hiện một thủ tục gọi là thủ tục đề nghị cấp miễn thị thực.
Như đã trình bày ở bên trên, theo quy định của pháp luật thì miễn thị thực là ưu đãi mà pháp luật của Việt Nam dành cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; vợ/chồng hoặc con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Khi người nước ngoài thực hiện thủ tục đề nghị cấp miễn thị thực và được xét duyệt thì sẽ được cấp Giấy miễn thị thực.
Thời hạn của Giấy miễn thị thực là 5 năm, kể từ ngày cấp. Người được miễn thị thực khi qua cửa khẩu của Việt Nam thì được phép tạm trú tối đa không qua 06 tháng hoặc theo thời hạn của Giấy miễn thị thực nếu Giấy miễn thị thực còn hạn dưới 06 tháng.
Vậy thủ tục này được thực hiện như thế nào?
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn thủ tục đề nghị cấp miễn thị thực. Nội dung tìm hiểu bao gồm:
- Điều kiện được cấp miễn thị thực;
- Giấy tờ cần chuẩn bị khi xin miễn thị thực;
- Quy trình thủ tục xin miễn thị thực.

Điều kiện được cấp miễn thị thực
- Người xin miễn thị thực có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 01 năm;
- Người xin miễn thị thực có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn thị thực. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
Điều 21. Các trường hợp chưa cho nhập cảnh
1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.
2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
8. Vì lý do thiên tai.
9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
…
Điều 28. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh
1. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình;
b) Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh;
c) Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;
d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
đ) Vì lý do quốc phòng, an ninh.
2. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật tương trợ tư pháp.
3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn.
Giấy tờ cần chuẩn bị xin miễn thị thực
Người đề nghị cấp giấy miễn thị thực nộp 01 bộ hồ sơ gồm:
1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ cho phép thường trú do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại giấy miễn thị thực kèm theo 02 ảnh (01 ảnh dán trong tờ khai).
3. Giấy tờ chứng minh thuộc diện cấp giấy miễn thị thực:
a) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau đây: Giấy khai sinh, quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó;
b) Người nước ngoài nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Trường hợp không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài căn cứ vào giá trị giấy tờ của người đề nghị trong đó có ghi đương sự là người gốc Việt Nam để xem xét, quyết định việc tiếp nhận hồ sơ.
Trình tự thủ tục xin miễn thị thực
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nói trên, bạn hoặc người nước ngoài cần có mặt tại Cơ quan có thẩm quyền miễn thị thực để nộp hồ sơ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền miễn thị thực gồm 02 cơ quan sau:
- Một là, Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài
- Hai là, Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an Việt Nam.
Thông thường, Đại sứ quán; Lãnh sự quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài là Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
Tại những cơ quan này, bạn hoặc người nước ngoài xuất trình giấy tờ tùy thân, thực hiện theo đúng hướng dẫn của chuyên viên và nộp hồ sơ. Chuyên viên sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân và giấy tờ mà người đề nghị miễn thị thực nộp.
Trường hợp không có gì sai sót, người đề nghị sẽ nhận được phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Thời hạn trả kết quả là 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, bằng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã giải đáp xong thủ tục đề nghị cấp miễn thị thực.
Như đã nói ở phần đầu bài viết, đây là thủ tục không quá khó để thực hiện. Chỉ cần bạn hoặc người nước ngoài chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và có mặt tại đúng cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ là hoàn toàn có thể nhận được Giấy miễn thị thực.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau có thể do không muốn phải chuẩn bị quá nhiều loại giấy tờ, không muốn phải đi lại nhiều lần thì tốt nhất bạn nên tìm đến đơn vị uy tín, có kinh nghiệm để được trợ giúp.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục xin miễn thị thực cho người thân!
Thông tin liên hệ
Quý khách hàng cần hỗ trợ vui lòng liên hệ Anzlaw theo cách thức sau:
Số điện thoại: 0988 619 259.
Zalo: 0988 619 259.
Website: Anzlaw.net
Anzlaw hỗ trợ tư vấn miễn phí nên khách hàng hoàn toàn yên tâm, chúng tôi chỉ thu phí thực hiện công việc cụ thể.
Chính vì vậy, nếu quý khách có vấn đề vướng mắc hãy liên hệ qua số điện thoại hoặc nhắn tin Zalo để được hỗ trợ nhanh chóng và tốt nhất.
Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Nguyễn Bá Hùng – Công ty Anzlaw.