Thuận tình ly hôn là gì?

0
25

Thuận tình ly hôn là gì là nội dung câu hỏi được nhiều bạn quan tâm, tìm hiểu trước khi thực hiện thủ tục ly hôn.

Chắc rằng đa số các bạn đều biết, khi ly hôn có thể có 02 trường hợp là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương). Mỗi cách thức ly hôn nêu trên lại có quy trình giải quyết ly hôn tương ứng và khác nhau, mặc dù cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn vẫn là Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

Theo đó, nếu thuận tình ly hôn thì quy trình giải quyết là việc dân sự hoặc giải quyết theo pháp luật hòa giải tại Tòa án. Còn nếu ly hôn đơn phương thì quy trình giải quyết là vụ án khởi kiện ly hôn. Thuận tình ly hôn thì vợ chồng cùng ký vào đơn và nộp cho Tòa án còn ly hôn đơn phương thì một trong hai bên sẽ là đơn khởi kiện bên còn lại tại Tòa án. Quy trình và thời gian giải quyết thuận tình ly hôn đơn giản và nhanh hơn so với ly hôn đơn phương.

Do có sự khác biệt như vậy nên các bạn cần phải tìm hiểu và làm rõ thế nào là thuận tình ly hôn để chuẩn bị giấy tờ cũng như thực hiện quy trình ly hôn phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và làm rõ thuận tình ly hôn là gì?

1. Tư vấn thuận tình ly hôn là gì

Để giúp các bạn hiểu rõ, hiểu đúng về thuận tình ly hôn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những nội dung sau đây:

  • Quy định của pháp luật về thuận tình ly hôn là gì;
  • Thực tiễn thuận tình ly hôn.

1.1. Quy định của pháp luật về thuận tình ly hôn là gì

Điều 55, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành, được hướng dẫn bởi Điều 3, Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định về thuận tình ly hôn như sau:

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn

Đ‌iều 3. Thuận tình ly hôn quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình

1. “Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

2. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản bao gồm cả trường hợp vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản.

4. “Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con” quy định tại  Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Như vậy, có thể hiểu thuận tình ly hôn là việc vợ chồng có yêu cầu ly hôn và đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn;
  • Yêu cầu ly hôn của vợ chồng là tự nguyện, không ai bị cưỡng ép, đe dọa, ép buộc phải ly hôn trái ý muốn;
  • Vợ chồng thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nom của bên không trực tiếp nuôi con, áp dụng trong trường hợp con chưa thành niên hoặc thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân;
  • Vợ chồng thỏa thuận được với nhau về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính khác, bao gồm cả trường hợp không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản. Thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Vợ chồng thỏa thuận được với nhau về án phí, các chi phí ly hôn.

Trên đây là toàn bộ những quy định của pháp luật để hiểu thế nào là thuận tình ly hôn.

Thuận tình ly hôn là gì?
Thuận tình ly hôn là gì?

1.2. Thực tiễn thuận tình ly hôn

Có thể nói, ly hôn là quyền nhân thân của mỗi con người và được nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo vệ. Nếu xét thấy vợ chồng không còn tình cảm, thường xuyên mâu thuẫn và không thể tiếp tục chung sống với nhau thì vợ chồng làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Trong thực tiễn, mỗi trường hợp ly hôn lại có những hoàn cảnh khác nhau. Có trường hợp vợ chồng không có con chung, không có tài sản chung. Có trường hợp vợ chồng có con chung nhưng không có tài sản chung. Có trường hợp vợ chồng có con chung và có tài sản chung.

Để thuận tình ly hôn được thuận lợi, các bạn nên quan tâm tới những vấn đề thực tiễn sau:

  • Xác định rõ thỏa thuận ly hôn

Theo quy định của pháp luật, vợ chồng phải thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền của bên không trực tiếp nuôi con, chia tài sản chung của vợ chồng thì việc ly hôn với là thuận tình ly hôn.

Trong thực tiễn, không phải trường hợp nào vợ chồng cũng thỏa thuận được với nhau về chia tài sản chung. Vì vậy, nếu muốn sớm giải quyết việc ly hôn thì vợ chồng có thể không đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà sẽ đề nghị Tòa án giải quyết khi có nhu cầu.

  • Quy trình giải quyết thuận tình ly hôn

Cặp đôi vợ chồng sẽ thực hiện quy trình ly hôn thuận tình gồm những bước sau:

+ Chuẩn bị hồ sơ ly hôn gồm có:

– Giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Giấy khai sinh của con chung;

– Giấy xác nhận cư trú hoặc Sổ hộ khẩu gia đình;

– Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thuận tình ly hôn;

– Giấy tờ tùy thân của vợ chồng.

+ Nộp hồ sơ ly hôn và tham gia quá trình Tòa án giải quyết

Sau khi đã có đầy đủ giấy tờ, vợ chồng sẽ tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để nộp hồ sơ ly hôn và tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết. Theo quy trình, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo quy trình Hòa giải tại Tòa án và ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc giải quyết theo quy trình của việc dân sự.

Cá biệt, có thể có Tòa án lại yêu cầu 1 bên làm thủ tục khởi kiện và sau đó Tòa án tiến hành hòa giải và ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

  • Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn

Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn của mỗi Tòa án có thể khác nhau nhưng thông thường là 02 tuần, kể từ ngày vợ chồng nộp đơn đề nghị Tòa án thuận tình ly hôn.

Trên đây là toàn bộ những nội dung có liên quan tới thuận tình ly hôn là gì, dưới góc độ quy định của pháp luật và thực tiễn.

2. Kết luận thuận tình ly hôn là gì

Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi đã cùng bạn tìm hiểu và làm rõ thuận tình ly hôn là gì.

Thuận tình ly hôn là thủ tục tố tụng tại Tòa án được đánh giá là đơn giản nhất. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào vợ chồng cũng có thể thỏa thuận ly hôn được với nhau. Đặc biệt, nếu vợ chồng đã có con chung, tài sản chung và mâu thuẫn trầm trọng thì việc tìm tiếng nói chung khi ly hôn là điều không hề đơn giản.

Nếu cần thiết, bạn nên tìm tới đơn vị cung cấp dịch vụ ly hôn để được hỗ trợ ly hôn thuận tình trong thời gian mong muốn, với thủ tục đơn giản, không mất nhiều thời gian đi lại.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn!

Xem thêm: Thủ tục ly hôn thuận tình