Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật

0
3296

Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật như thế nào?

Kinh nghiệm cho thấy, ngoài quyền trực tiếp nuôi con thì chia tài sản chung là nội dung mà hai bên trong quan hệ vợ chồng thường có mâu thuẫn, tranh chấp khi ly hôn. Trong thực tiễn, khi “cơm chẳng lành và canh chẳng ngọt” thì nội dung tranh chấp vô cùng đa dạng. Nhiều khi, tài sản tranh chấp có giá trị rất nhỏ nhưng vì ghét nhau nên vợ chồng vẫn tranh chấp. Thậm chí, tài sản riêng cũng có thể là đối tượng của tranh chấp, nếu bên có tài sản riêng không chứng minh được đó sở hữu riêng.

Về nguyên tắc, khi giải quyết các vụ việc về dân sự, Tòa án luôn khuyến khích các bên tự hòa giải. Khi hòa giải không thành hoặc không hòa giải được thì Tòa án mới áp dụng các quy định của pháp luật để phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Vậy dưới góc độ pháp luật, tài sản chung của vợ chồng sẽ được phân chia như thế nào khi ly hôn?

1. Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc ly hôn có tranh chấp về tài sản, Tòa án sẽ vận dụng một số nguyên tắc và quy định sau:

1.1. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

  • Tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự

Đây là nguyên tắc cơ bản và cũng là nguyên tắc tối thượng trong việc giải quyết các tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn nói riêng và tranh chấp về dân sự nói chung.

Theo đó, Tòa án khuyến khích và tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ vợ chồng thỏa thuận về việc phân chia tài sản. Điều này được cụ thể hóa thông qua các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Thậm chí, một vụ việc phức tạp Tòa án có thể tổ chức nhiều phiên hòa giải mà mỗi một phiên chỉ hòa giải về một nội dung.

Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự được thể hiện xuyên suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. Hai bên trong quan hệ vợ chồng có thể hòa giải, thỏa thuận phân chia tài sản ở bất kỳ thời điểm nào, miễn sao trước thời điểm Tòa tuyên án. Việc hòa giải, tự thỏa thuận có thể được thực hiện tại Tòa án, dưới sự điều hành của Thấm phán nhưng cũng có thể hòa giải ngoài Tòa án và đề nghị Tòa án chấp nhận.

  • Tôn trọng sự tự định đoạt của đương sự

Trong thực tiễn xảy ra tình huống, trong quá trình yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, không ít các cặp vợ chồng rút yêu cầu giải quyết về tài sản, không yêu cầu Tòa án tiếp tục xem xét giải quyết. Vậy đây là thỏa thuận hay sự định đoạt?

Đây là điểm mà nhiều chuyên gia pháp lý vẫn còn tranh cãi. Quan điểm của Anzlaw cho rằng, đây là sự tự định đoạt chứ không phải sự thỏa thuận. Nếu nói rằng đó là sự thỏa thuận thì các bên phải thống nhất được về mặt nội dung. Tức là, tài sản đó thì chia như thế nào, mỗi bên được bao nhiêu?

Sự tự định đoạt của đương sự cũng được Tòa án tôn trọng trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Các bên tranh chấp có thể thống nhất rút yêu cầu giải quyết bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần trước khi Tòa tuyên án.

Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật
Chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật

1.2. Quy định về giải quyết chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn 

a) Tài sản riêng của vợ hoặc chồng

  • Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo thỏa thuận;

Tài sản riêng là tài sản được hình thành trước thời điểm kết hôn hoặc có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng là tài sản có nguồn gốc được thừa kế, tặng cho riêng hoặc được bên còn lại trong quan hệ hôn nhân thừa nhận đó là tài sản riêng.

Khi “cơm lành, canh ngọt” thì không ít người sẵn sàng mang tài sản riêng nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp này, tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Khi có tranh chấp xảy ra, việc chứng minh tài sản riêng đã được nhập vào tài sản chung là tương đối khó khăn, trừ khi đã có văn bản ghi nhận rõ ràng nội dung này.

b) Tài sản chung của vợ chồng

Nhiều người cho rằng, tài sản chung của vợ chồng thì cứ chia đôi khi ly hôn. Thực tế, đúng là tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng phải tính tới các yếu tố sau:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ/chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó. Ngoài ra, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Tòa án bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Khi chia tài sản chung, Tòa án có xem xét, căn cứ vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không thể chia bằng hiện vật thì sẽ chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Kinh nghiệm cho thấy, việc chứng minh công sức đóng góp vào khối tài sản chung; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là khá khó khăn và phức tạp. Vì thế, đôi khi các cặp đôi không thể chứng minh và Tòa án cũng thường chia đôi khi giải quyết tranh chấp về tài sản khi ly hôn.

c) Chia tài sản chung trong một số trường hợp đặc biệt

  • Trường hợp, chung sống với nhau như vợ chồng

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không phải hiếm. Thời gian chung sống, họ cũng tạo lập được khối tài sản chung. Vậy tài sản này được chia thế nào khi họ không chung sống với nhau như vợ chồng nữa?

Tài sản chung khi chung sống với nhau như vợ chồng được xác định là tài sản chung theo phần. Khi đã là tài sản theo phần thì sẽ được phân chia theo công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản đó.

Tuy nhiên, việc chứng minh công sức đóng góp cũng là rất khó khăn. Vì vậy, đa số Tòa án thường hướng các bên tự hòa giải, thỏa thuận với nhau. Nếu không thể xác định được công sức đóng góp thì sẽ chia đôi, có tính tới quyền lợi của phụ nữ và con chung còn nhỏ nếu có.

  • Trường hợp tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Nếu vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung, khi chia tài sản đó thì vợ/chồng nhận tài sản đó phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

2. Kết luận chia tài sản chung khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Như vậy, Anzlaw đã có những chia sẻ, phân tích về những nguyên tắc và quy định của pháp luật liên quan tới chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Chia tài sản là nội dung khá thường thấy trong những vụ việc về ly hôn. Thông thường, một bên hoặc cả hai sẽ cần tới sự trợ giúp của luật sư hoặc những người có kiến thức về pháp lý để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích, nếu đó là tài sản có giá trị lớn.

Cảm ơn đã ghé thăm và kính chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

Xem thêm: Hướng dẫn soạn đơn khởi kiện ly hôn chính xác nhất

Ly hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị giấy tờ gì