Nhận con riêng của vợ làm con nuôi làm như thế nào là nội dung mà bạn nên tìm hiểu để việc nhận con nuôi đạt kết quả tốt nhất.
Thông thường, phụ nữ sau khi ly hôn sẽ tìm cho mình một bến đỗ mới. Với những bạn chưa có con riêng hoặc có con riêng nhưng không phải người trực tiếp nuôi dưỡng thì việc đăng ký kết hôn và chung sống với chồng sẽ khá đơn giản. Tuy nhiên, với những bạn đã có con riêng và lại là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu thì đây lại là vấn đề khiến nhiều chị em băn khoăn.
Một trong những vấn đề mà chị em mong muốn đó là làm sao gắn kết giữa con riêng của mình và chồng không chỉ dưới góc độ tình cảm mà còn dưới cả góc độ pháp lý. Và nhận con riêng của vợ làm con nuôi là một trong những giải pháp cho cha dượng và con riêng của vợ.
Vậy chúng ta sẽ cùng phân tích các quy định của pháp luật để hiểu rõ hơn về thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi.
1. Tư vấn nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Để giúp bạn hiểu rõ nhận con riêng của vợ làm con nuôi, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 02 nội dung sau:
- Nhận con riêng của vợ làm con nuôi trong nước;
- Nhận con riêng của vợ làm con nuôi có yếu tố nước ngoài.
1.1. Nhận con riêng của vợ làm con nuôi trong nước
a) Điều kiện của cha dượng
Theo quy định tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi 2010 thì cha dượng muốn nhận con riêng của vợ làm con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
“Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
- Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.”
Như vậy, những điều kiện nêu trên là những điều kiện bắt buộc cha dượng phải đáp ứng thì mới có thể nhận con riêng của vợ làm con nuôi.
Nhận xét chung, các điều kiện nêu trên khá đơn giản để cha dượng có thể có, trừ những trường hợp cha dượng có vấn đề về nhân thân, đạo đức hoặc có vấn đề liên quan tới vi phạm pháp luật.
b) Thẩm quyền giải quyết nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Cũng theo quy định của Luật Nuôi con nuôi nói trên thì UBND cấp xã nơi con riêng của vợ đang thường trú hoặc nơi cha dượng đang thường trú sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nhận con nuôi.
c) Hồ sơ cha dượng cần cần chuẩn bị để nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Cha dượng sẽ chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại Điều 17, Luật Nuôi con nuôi 2010, chi tiết như sau:
Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân.”
Lưu ý:
- Phiếu lý lịch tư pháp sẽ gồm có 02 phiếu gồm phiếu số 01 và phiếu số 02. Các bạn nên sử dụng phiếu số 02 sẽ đầy đủ và chi tiết hơn về toàn bộ thông tin tiền án, tiền sự của công dân.
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân là Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cha dượng đang thường trú cấp.
d) Quy trình nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Quy trình nhận con riêng của vợ làm con nuôi gồm 02 bước, bao gồm:
- Bước 1: Nộp hồ sơ nhận con riêng của vợ làm con nuôi;
- Bước 2: Nhận kết quả nhận con riêng của vợ làm con nuôi.
Sau khi có đầy đủ giấy tờ mà pháp luật quy định, cha dượng sẽ tới UBND cấp xã nơi con riêng của vợ đang thường trú hoặc nơi đang thường trú để nộp hồ sơ.
Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện cho nhận con nuôi thì UBND sẽ ra quyết định nhận con nuôi.
1.1. Trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài
Về cơ bản, các điều kiện đối với người nhận con nuôi đã nêu ở trên cũng sẽ được áp dụng đối với người nước ngoài là cha dượng.
Điểm khác biệt chủ yếu đối với trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài đó là hồ sơ nhận con nuôi và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cũng như quy trình giải quyết.
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi
Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 thì cha dượng sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
- Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
- Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp cha dượng, con riêng của vợ.
Trong số những giấy tờ nêu trên thì văn bản cho phép cha dượng được nhận con nuôi ở Việt Nam là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà cha dượng là côn dân cấp. Trong thực tiễn, để xin được giấy tờ này là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch thường không ban hành các văn bản có nội dung cho phép người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam.
Do đó, người nước ngoài thường gặp nhiều vướng mắc khi chuẩn bị giấy tờ này.
b) Quy trình thực hiện nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Cha dượng sẽ nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi – Bộ Tư pháp. Sau khi đã được tiếp nhận hồ sơ, cha dượng sẽ chờ cho tới khi có thông báo của Cục Con nuôi.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Con nuôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra và xử lý hồ sơ. Nếu đủ điều kiện cho nhận con nuôi, Cục Con nuôi sẽ chuyển hồ sơ tới Sở Tư pháp cấp tỉnh và trình UBND cấp tỉnh xem xét ra quyết định.
2. Kết luận nhận con riêng của vợ làm con nuôi
Trên đây, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn thì chúng ta đã tìm hiểu những quy định mới nhất của pháp luật về việc cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi.
Thủ tục này sẽ xác lập quan hệ nuôi dưỡng giữa cha dượng và con riêng của vợ. Khi đã xác lập mối quan hệ này, quyền và nghĩa vụ của con riêng và cha dượng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và không khác gì quan hệ giữa cha đẻ và con.
Thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi trong nước không có gì phức tạp. Tuy nhiên, nếu đó là thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi có yếu tố nước ngoài thì lại trở lên phức tạp. Bởi lẽ, trong thành phần hồ sơ nhận con riêng của vợ làm con nuôi phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch cho phép nhận con nuôi tại Việt Nam.
Đây là giấy tờ không dễ chuẩn bị do nhiều quốc gia không cấp loại giấy tờ này.
Chính vì vậy, việc nhận con riêng của vợ làm con nuôi đôi khi có thể rơi vào bế tắc, không có phương án giải quyết do việc xung đột pháp luật giữa Việt Nam và quốc gia mà người nước ngoài có quốc tịch.
Rất mong được đồng hành cùng bạn!
Xem thêm: Tư vấn thủ tục nhận con nuôi đích danh