Xin nhập quốc tịch Việt Nam

0
4024

Xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong những thủ tục pháp lý tương đối khó khăn và mất nhiều thời gian để giải quyết. 

Thời gian trước đây, câu chuyện người nước ngoài mong muốn nhập quốc tịch Việt Nam là rất hãn hữu. Bởi lẽ, giai đoạn trước đây đất nước chúng ta còn rất nghèo và lạc hậu. Thậm chí, người Việt còn vượt biên trốn ra nước ngoài để định cư .

Thế nhưng, một vài năm gần đây đất nước chúng ta đã có nhiều sự thay đổi rất tích cực. Kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều, đời sống người dân được đầy đủ hơn, đặc biệt nhiều chính sách an sinh xã hội của Việt Nam còn vượt trội so với các nước phát triển khác.

Vì vậy, không ít trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt rồi sau đó lại lựa chọn sinh sống tại Việt Nam chứ không ra nước ngoài định cư. Sau một thời gian cư trú tại Việt Nam, họ mong muốn có quốc tịch Việt Nam để được hưởng những đặc quyền mà chỉ công dân Việt Nam mới có. Trường hợp dưới đây là minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề xin nhập quốc tịch Việt Nam.

1. Đề nghị tư vấn nhập quốc tịch Việt Nam


Xin chào công ty!

Mong công ty giải đáp vướng mắc giúp tôi. Tôi lấy chồng Hàn Quốc, hiện tại hai vợ chồng tôi có ý định sẽ làm việc, sinh sống ở Việt Nam. Chồng tôi đã ở Việt Nam và làm việc tại VIệt Nam được 6 năm rồi. Làm thế nào để chồng tôi có thể nhập quốc tịch Việt được. Rất mong nhận được giải đáp của văn phòng.

Chúng tôi xin cảm ơn!

Xin nhập quốc tịch Việt Nam
Xin nhập quốc tịch Việt Nam

2. Anzlaw tư vấn về nhập quốc tịch Việt Nam

Anzlaw xin chào bạn!

Rất vui khi bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới cho Anzlaw. Đây là lời động viên vô cùng có giá trị đối với công ty chúng tôi.

Câu hỏi của bạn, Anzlaw xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Hai vợ chồng bạn đã sinh sống tại Việt Nam được 6 năm và giờ có mong muốn nhập quốc tịch Việt Nam là điều hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ, khi có quốc tịch Việt Nam thì chồng bạn sẽ có những quyền lợi mà pháp luật Việt Nam chỉ dành cho công dân của mình.

Tuy nhiên, để có thể trở thành công dân Việt Nam, chồng bạn sẽ cần phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định, sau đó chuẩn bị hồ sơ xin nhập quốc tịch và thực hiện theo đúng quy trình.

2.1. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

Để được nhập quốc tịch Việt Nam, trước hết người mong muốn nhập quốc tịch Việt cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam. Các điều kiện đó bao gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
  • Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
  • Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
  • Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam là những người thành niên từ  đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp sau:

  • Bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi
  • Người thành niên nhưng do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi và theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
  • Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Chồng bạn là chồng của công dân Việt Nam nên chồng bạn sẽ được miễn các điều kiện sau theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam:

  • Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam
  • Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam
  • Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam

Như vậy, nếu chồng bạn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam thì chồng bạn sẽ đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.

2.2. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:

  • Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
  • Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
  • Bản khai lý lịch;
  • Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
  • Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
  • Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.

Vì chồng bạn là đối tượng được miễn một số điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam nên chồng bạn cũng sẽ được miễn một số loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Các giấy tờ được miễn gồm:

  • Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
  • Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
  • Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
Tờ khai xin nhập quốc tịch Việt Nam | Xin nhập quốc tịch Việt Nam
Tờ khai xin nhập quốc tịch Việt Nam | Xin nhập quốc tịch Việt Nam

2.3. Các bước trong thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam

Để nhập được quốc tịch Việt Nam cần thực hiện qua các bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết trong bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

Trong các giấy tờ này cần đặc biệt lưu ý, nếu giấy tờ do cơ quan của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước đó trước khi đem về Việt Nam sử dụng. Ngoài ra giấy tờ cần được dịch thuật sang tiếng Việt. Đối với trường hợp của chồng bạn, có các giấy tờ sau cần hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Hàn Quốc: bản sao giấy khai sinh, phiếu lý lịch tư pháp (nếu chồng bạn đang cư trú tại Hàn và phiếu này do cơ quan của Hàn Quốc cấp). Trước khi nộp hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam giấy tờ của chồng bạn cần được dịch thuật sang tiếng Việt.

  • Bước 2: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú

Sau khi hoàn thành đầy đủ bộ hồ sơ trên, chồng bạn đến nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp tại tỉnh/thành phố nơi chồng bạn đang cư trú.

  • Bước 3: Xác minh nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Bước này thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an nhân dân cấp tỉnh/thành phố nơi người nhập quốc tịch nộp hồ sơ. Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp sẽ gửi văn bản đề nghị Công an cấp tỉnh/thành phố xác minh nhân thân của người xin nhập quốc tịch. Thời hạn xác minh được quy định không quá 30 ngày kể từ khi cơ quan Công an nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.

  • Bước 4: Hoàn tất hồ sơ xác minh, Sở Tư pháp trình hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sau khi nhận được hồ sơ trình, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Tổng thời gian dành cho bước này là 20 ngày.

  • Bước 5: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nhận được thông báo từ Bộ Tư pháp yêu cầu thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc thuộc trường hợp người không quốc tịch.
  • Bước 6: Hoàn thành các bước trên, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình hồ sơ cho Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

3. Kết luận về xin nhập quốc tịch Việt Nam

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Anzlaw về nhập quốc tịch Việt Nam.

Đây là một trong những thủ tục có yếu tố nước ngoài được đánh giá là phức tạp nhất với nhiều khâu quy trình, nhiều giấy tờ cần chuẩn bị và thời gian kéo dài.

Nếu không am hiểu thì tốt nhất bạn nên tìm tới đơn vị uy tín để được hỗ trợ.

Cảm ơn đã ghé thăm và kính chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

Xêm thêm: Nhập quốc tịch Việt Nam mất bao lâu?