Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài

0
3087

Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài ở địa chỉ nào?

Thời gian trước đây, khi nói tới kết hôn với người nước ngoài thì đa số chúng ta đều hình dung ra ngay đó là việc phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Đài Loan hoặc việt kiều Mỹ. Sau khi kết hôn, người Đài hoặc người Mỹ sẽ làm thủ tục bảo lãnh cho người Việt ra nước ngoài định cư. Phần lớn kết hôn với người nước ngoài trong giai đoạn này là kết hôn giả, thông qua môi giới.

Những năm gần đây, kết hôn với người nước ngoài qua môi giới vẫn còn. Nhưng ngoài những trường hợp này ra thì người Việt và người nước ngoài tự tìm hiểu nhau đã trở lên phổ biến hơn.

Và đặc biệt, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Nếu như trước kia, khâu phỏng vấn trong thủ tục đăng ký kết hôn thực sự khiến các cặp đôi “toát mồ hôi”, thì ngày nay quy trình thực hiện việc đăng ký kết hôn đã dễ dàng hơn rất nhiều. Thế nhưng, hồ sơ đăng ký kết hôn thì vẫn tương đối phức tạp, vẫn bao gồm nhiều loại giấy tờ.

Trong số đó, giấy khám sức khỏe là giấy tờ bắt buộc phải có. Và rất nhiều bạn muốn biết, giấy khám sức khỏe kết hôn như thế nào mới đúng quy định của pháp luật.

Nội dung bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quy định của pháp luật về khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài và kinh nghiệm thực tiễn.

1. Tư vấn khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài

Để tìm hiểu rõ hơn về khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài, trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề sua:

  • Giải thích ý nghĩa của khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài;
  • Những yêu cầu đối với khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài;
  • Kinh nghiệm thực tiễn khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài.

1.1. Giải thích ý nghĩa của khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài

Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định chi tiết về các điều kiện kết hôn. Cụ thể như sau:


“Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”


Như vậy, bên cạnh điều kiện về độ tuổi kết hôn; tình trạng hôn nhân; mục đích kết hôn; các trường hợp cấm kết hôn thì ý chí tự nguyện và năng lực hành vi dân sự cũng là một trong những điều kiện kết hôn.

Và trong thực tế, để biết việc kết hôn có phải ý chí của nam, nữ hay không và tại thời điểm đăng ký kết hôn đó nam và nữ có vấn đề gì về tâm thân hay không thì phải có đánh giá của tổ chức y tế về tình trạng tâm thần của nam, nữ.

Vì vậy, quy định về điều kiện kết hôn được cụ thể hóa chính là giấy khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài.

Theo quy định của pháp luật, khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài, nam nữ phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn. Và giấy khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài được quy định tại Khoản 1, Điều 38, Luật Hộ tịch 2014 như sau:


“Điều 38. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.”


Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài
Khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài

1.2. Những yêu cầu khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài

a.) Về tổ chức y tế có thẩm quyền

Hiện nay, pháp luật về hộ tịch và các văn bản có liên quan không có quy định tổ chức y tế có thẩm quyền khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài là tổ chức gì.

Do đó, tổ chức y tế có thẩm quyền ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm: Cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức y tế khác được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực y tế và có chức năng khám sức khỏe tâm thần.

Trong thực tế, tổ chức y tế này phải được cơ quan quản lý nhà nước về y tế như Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp phép hoạt động, trong đó được phép khám về chuyên khoa tâm thần. Tất nhiên, tổ chức y tế này phải có tư cách pháp nhân và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

b) Nội dung của giấy khám sức khỏe

Trong nội dung của giấy khám sức khỏe phải có kết luận về sức khỏe tâm thần của người khám. Phần kết luận này phải đánh giá được người khám có mắc bệnh tâm thần hay không? Nếu có, mức độ bệnh như thế nào và có dẫn tới mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không?

Ngoài bệnh về tâm thần dẫn tới mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì pháp luật còn có quy định bệnh khác nhưng lại không nói rõ bệnh khác là bệnh gì.

Như vậy, pháp luật chỉ yêu cầu khám sức khỏe về tâm thần là chủ yếu khi kết hôn với người nước ngoài. Thế nhưng, trong thực tiễn các cơ sở y tế thường sẽ khám tổng quát thêm cả các bệnh truyền nhiễm.

Nếu soi chiếu với quy định của pháp luật thì là không cần thiết nhưng cũng không gây quá nhiều phiền phức cho các cặp đôi.

1.3. Kinh nghiệm thực tiễn khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài

Trong thực tiễn, khi khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài thì các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Nên khám tại bệnh viện đa khoa, bệnh viện tâm thần chứ không khám tại các phòng khám;

– Giấy khám sức khỏe nên có kết luận rõ đủ/không đủ sức khỏe kết hôn;

– Các thông tin người nước ngoài trong Giấy khám sức khỏe kết hôn phải đồng nhất với thông tin trong các giấy tờ khác;

– Nội dung khám chủ yếu là khám về tâm thần nên nếu được bạn có thể đề nghị chỉ khám về tâm thân mà không khám các nội dung khác;

– Người nước ngoài có thể khám sức khỏe kết hôn tại nước ngoài nhưng phải được chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự thì mới sử dụng tại Việt Nam;

– Thời hạn của Giấy khám sức khỏe là 06 tháng, kể từ ngày cấp.

2. Kết luận khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài

Trên đây, bằng kinh nghiệm hàng chục năm hỗ trợ đăng ký kết hôn với người nước ngoài và quy định của pháp luật thì chúng ta đã có những giải thích, phân tích và chia sẻ về khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài.

Trong thực tế, thủ tục hành chính của Việt Nam còn rất nhiều bất cập thì việc nắm rõ quy định của pháp luật về nội dung này là cực kỳ cần thiết. Đặc biệt, đây mới chỉ là một giấy tờ trong khá nhiều những giấy tờ mà cặp đôi người Việt và người nước ngoài phải chuẩn bị.

Không ít khách hàng gửi đề nghị tư vấn cho chúng tôi khi bị công chức hộ tịch từ chối đăng ký kết hôn chỉ vì giấy khám sức khỏe kết hôn không đúng nơi họ yêu cầu.

Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài!

Xem thêm: Mẫu giấy khám sức khỏe kết hôn

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài