Giải đáp thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam gồm những nội dung gì?
Định cư nước ngoài là mong muốn của rất nhiều người Việt. Mỗi bạn lại có những tư cách định cư khác nhau. Có bạn định cư theo diện phu thê. Có bạn định cư theo diện lao động dài hạn. Tuy khác nhau về tư cách nhưng đa số các bạn đều mong muốn có quốc tịch nước ngoài khi đã đủ điều kiện nhập quốc tịch nước sở tại.
Với những quốc gia cho phép công dân có nhiều quốc tịch thì gần như các bạn không gặp vướng mắc. Thế nhưng, với những quốc gia chỉ cho phép công dân có một quốc tịch thì làm thế nào? Giải pháp lúc này là bạn phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Rất nhiều khách hàng tâm sự với Anzlaw rằng, việc phải thôi quốc tịch Việt Nam khiến họ cảm thấy trống rỗng, tâm trạng lúc đó là sự xen lẫn giữa đắn đo, nuối tiếc và tương lai. Và cuối cùng, đa số các bạn vẫn phải chấp nhận để bước tiếp tương lai phía trước.
Vậy thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Trong nội dung bài viết này, Anzlaw xin trích dẫn đề nghị tư vấn thôi quốc tịch Việt Nam từ một khách hàng và giải đáp đề nghị đó. Với cách diễn giải này, Anzlaw tin rằng, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam.
1. Đề nghị Giải đáp thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam
“Chào Anzlaw!
Em kết hôn với người Trung Quốc và định cư Trung Quốc được 10 năm. Gần đây, em đang làm thủ tục xin nhập quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ quan của Trung Quốc thông báo em phải thôi quốc tịch Việt Nam trước. Việc này cũng khiến em rất băn khoăn, nửa muốn thôi quốc tịch, nửa không.
Em có vào website của Anzlaw và thấy có nhiều bài viết hay về kết hôn với người Trung Quốc và định cư. Vì vậy, em gửi mail này mong Anzlaw tư vấn giúp em về thủ tục thôi quốc tịch. Nếu thủ tục khó khăn quá thì thôi em không làm nữa.
Em xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được thư tư vấn của Anzlaw!“
2. Giải đáp thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam
Trước hết, Anzlaw xin chào và cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn Anzlaw làm đơn vị giải đáp vấn đề pháp lý mà bạn đang quan tâm.
Với đề nghị tư vấn của bạn thì Anzlaw xin trả lời như sau:
Hơn chục năm làm công tác tư vấn và hỗ trợ thủ tục kết hôn với người nước ngoài, Anzlaw nhận được rất nhiều đề nghị nhập quốc tịch nước ngoài, nổi bật trong số đó phải kể tới nhập quốc tịch Trung Quốc. Đặc biệt, có nhiều trường hợp con chung giữa người Việt và người Trung muốn đổi từ quốc tịch Việt Nam sang Trung Quốc.
Đối với những quốc gia cho phép công dân có nhiều quốc tịch thì việc nhập quốc tịch nước ngoài không làm mất đi quốc tịch Việt Nam. Thế nhưng, cũng có những quốc gia chỉ cho phép công dân mang một quốc tịch, điều này đặt ra vấn đề người Việt phải lựa chọn giữa quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài. Việc lựa chọn này có thể khiến nhiều bạn cảm thấy nuối tiếc nhưng đa số các bạn đều chấp nhận thôi quốc tịch Việt Nam.
Để xin thôi quốc tịch, bạn cần quan tâm một số vấn đề sau:
2.1. Thứ nhất, căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam
Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép công dân thôi quốc tịch để nhập quốc tịch nước ngoài. Ngoài mục đích nói trên thì pháp luật không chấp nhận bất kỳ lý do nào khác.
Thêm vào đó, bạn cũng cần phải không nằm trong những trường hợp chưa được thôi quốc tịch và không được thôi quốc tịch như sau:
Những trường hợp chưa được thôi quốc tịch
- Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
- Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
- Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Những trường hợp không được thôi quốc tịch
1. Người xin thôi quốc tịch không được thôi quốc tịch nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia;
2. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.
2.2. Thứ hai, chuẩn bị hồ sơ xin thôi quốc tịch
Khi đã xác định được trường hợp của bạn được phép thôi quốc tịch thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ.
Mỗi bạn có hoàn cảnh khác nhau, do đó giấy tờ cần chuẩn bị sẽ có sự khác biệt đôi chút. Tuy nhiên, những giấy tờ sau là giấy tờ bắt buộc phải có khi xin thôi quốc tịch, bao gồm:
- Giấy tờ thể hiện ý chí xin thôi quốc tịch:
a. Đơn xin thôi quốc tịch;
b. Bản khai lý lịch.
2. Giấy tờ chứng minh người xin thôi quốc tịch là công dân Việt Nam
a. Bản sao chứng minh thư;
b. Bản sao hộ chiếu;
c. Giấy khai sinh;
d. Các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam…
3. Giấy tờ về tình trạng hình sự
a. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
4. Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài.
5. Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch cư trú cấp.
6. Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia.
2.3. Cuối cùng, nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch
Khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nói trên thì bạn tới Sở Tư pháp nơi đang cư trú để nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không có gì sai sót, bạn sẽ nhận được phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Thông thường, bạn sẽ nhận được quyết định thôi quốc tịch sau khoảng thời gian từ 5 cho tới 7 tháng.
3. Kết luận về giải đáp xin thôi quốc tịch Việt Nam
Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật thì Anzlaw đã giải đáp xong thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam.
Đây là một trong những thủ tục tương đối phức tạp và có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí tới cả năm. Vì vậy, người xin thôi quốc tịch cần phải chuẩn bị chính xác và đầy đủ giấy tờ để tránh phải đi đi lại lại nhiều lần mà vẫn không hoàn thiện được việc nộp hồ sơ.
Rất mong được đồng hành và hỗ trợ bạn xin thôi quốc tịch Việt Nam!
Xem thêm: Giải đáp kết hôn với người nước ngoài